• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.INFO TỪ NGÀY 1/4

Full Búp sen xanh (1 Viewer)

Advertisement
Advertisement
  • Búp sen xanh - Phần 3 chương 27 -28

27


Thầy Thành với tên gọi giản dị - anh Ba - mở lớp học. Lớp học không có gì sang trọng cả, chỉ là căn nhà lụp xụp của ông già Đờn nép dưới bóng cây mận. Chính trong căn nhà này, trước đây trải chiếu làm nơi đánh bạc, nhậu nhẹt của anh em thợ thuyền, giờ đã đổi mới: cánh cửa kê làm bàn học, ở vách dựng lên một tấm ván thùng lượm ngòai cảng về làm bảng viết.


Tư Lê, Sáu Đen, Chín Mập... ngồi vào lớp học. Út Huệ ngồi riêng một bàn, gần tấm bảng đen. Ông già Đờn cũng nghỉ tay đàn lúc con em mình vào lớp. Ông già lắng nghe thầy giáo giảng bài.


Hôm khai giảng, anh Ba nói rất chân tình với những người học trò xóm thợ:


- Bọn cai trị dân bao giờ cũng đinh ninh cái điều: "Dân ngu dễ trị, dân trí khó chăn". Cho nên, hễ ai quan tâm đến việc dân no cơm ấm áo, dân có chữ, dân hiểu biết là chúng triệt ngay. Vừa qua, trên khắp ba miền Trung, Nam, Bắc có các ông nghè, ông cử bị giết hại, bị đi đày Côn Lôn chỉ vì "tội" hô hào dân sinh, dân trí... Dĩ nhiên bọn thống trị phải duy trì cho dân có một mức sống chừng mực để tiếp tục làm ra của cải thì chúng mới đầy túi tham được. Và chúng phải mở trường học đào tạo những người có trình độ để làm tay sai cho chúng. Chúng ta là người thợ phải rõ cái điều ấy để có chí học, có chí l những công việc ích nước, lợi nhà...


Được anh Ba khai tâm, anh chị em thợ thuyền học rất chóng biết mặt chữ. Anh chú trọng dạy cho anh em phát âm thật đúng từ lúc còn đang tập đánh vần. Và, anh nắn tay cho từng người tập viết chữ thẳng hàng, ngay lối, đủ nét, đều đặn và rõ rành. Anh cầm bàn tay từng người hướng dẫn cách cầm bút, đưa bút lên nhè nhẹ để nét chữ thóang, kéo bút xuống nhấn tay để nét đậm, vạch tròn vành các chữ có "bụng" như a, d, đ, g, o, q... và cách đánh các dấu đúng vị trí của nó trong từng chữ. Lần đầu tiên anh cầm tay Út Huệ tập cho cô viết. Út Huệ xúc động, vạch nét nào nghều ngào nét ấy. Nhưng anh vẫn nhẫn nại giúp Út Huệ viết chữ đẹp.


Hằng ngày đi làm ngòai cảng, lúc sinh hoạt trong nhà giữa anh Ba và anh em thợ đều xưng hô thoải mái “mày mày", "tao tao". Nhưng lúc vào lớp học, ai cũng gọi anh Ba bằng thầy giáo. Tư Lê là trưởng lớp mà anh em gọi vui quen miệng: anh sếp lớp. Mỗi lần có bạn vắng mặt trong buổi học, Tư Lê đều đứng khoanh tay trước thầy nói rõ lý do. Ông già Đờn lòng như trẻ lại khi thấy lớp học ngây một nền nếp, ai cũng hứng thú học và kết quả ngòai cả sự tưởng tượng của ông. Ông vui nhất là đám thợ trẻ trong nhà ông không còn vùi đầu vào canh bạc và ẩu đả nhau vì sự được thua gian lận. Cả đến nhậu nhẹt trong mỗi kỳ lĩnh lương cũng đã giảm nhiều. Ông thấy căn nhà tồi tàn của mình và cả trong đầu óc mình như mở sáng ra mỗi khi tiếng anh em thợ tập đọc những trang sách chữ in mà anh Ba mua ở trên phố về. Anh Ba cũng mua cho ông cuốn truyện thơ "Lục Vân Tiên". Ông học hết các chữ cái và tập đánh vần. Anh Ba dạy ông tập đọc qua sách "Lục Vân Tiên" mà ông đã thuộc lòng cả hai ngàn hai trăm bốn mươi sáu câu thơ của cuốn truyện này.


Ông tâm sự với anh Ba:


- Chú bắt đầu nhận thấy hình như trong mắt mình có chữ thì có lòng tự tin hơn và nhìn kẻ có quyền thế mình đỡ sợ hãi. Chú nghĩ vậy, có đúng hầy cháu.


- Bọn thống trị, những kẻ sống trên lưng dân, chúng nó muốn độc quyền sự hiểu biết. Chúng nó rất sợ dân có nhiều người biết chữ. Có chữ, đầu óc họ được mở mang, họ nhìn ra sự bất công thì chúng sẽ không ngồi yên trên lưng dân được. Mà chú Út ơi, - anh Ba giọng thủ thỉ - khi con người ta đã có học thì cũng sẽ có lòng tự trọng cao và biết sống sao cho đáng sống, biết cư xử giữa người với người, đỡ phần tăm tối, chú Út ạ.


- Ừ. Có vậy thiệt. Nói đâu xa, ngay ở trong cái nhà trệt nầy, từ hôm thầy cháu chia chữ cho người "cùng hội cùng thuyền" thì đám Sáu Đen, Chín Mập khác hẳn với ngày chúng nó chưa biết chữ. Ông cha nói đúng thiệt: "ăn vóc học hay". Hay thiệt! Cái chữ cho con mắt còn cần hơn cả miếng cơm cho cái miệng vậy.


Chẳng bao lâu lớp học của anh Ba dạy trong nhà ông già Đờn, anh em thợ đến xin học đông không còn chỗ để kê bàn ghế. Và từ trong xóm thợ Bến Nhà Rồng giữa đêm dài nô lệ đã sáng lên một tiếng nói mới: Chữ anh Ba. Chữ anh Ba thắp sáng lên trong trái tim những người thợ...


28


Tháng sáu 1911.


Hoa điệp thắp chói đỏ từng mảng trời thành phố Sài Gòn. Mặt đường lấm tấm những cánh hoa như xác pháo sau đêm giao thừ


Anh Ba bước chầm chậm. Những cánh hoa điệp rơi lả tả xuống dấu chân anh. Anh bâng khuâng nghĩ về lời hẹn của ông chủ sự cảng Nhà Rồng: "Ngày mồng hai tháng sáu này, tàu Đô đốc La-tu-sơ Tơ-rê-vin từ Tua-ran vào sẽ cập Bến Nhà Rồng, ở lại vài ba ngày và có thể họ tuyển thêm bồi tàu. Tôi hứa sẽ giới thiệu anh với ông thuyền trưởng Lu-i Ê-du-a Mai-sen...".


Anh Ba càng băn khoăn, nghĩ ngợi sẽ nói gì với cha lần gặp cuối cùng này. Liệu anh có cầm được nước mắt trước mặt cha lúc anh phải nói lên cái điều "dứt áo ra đi biệt xứ” không?


Đường phố yên tĩnh và êm ả. Anh Ba hơi tần ngần trước cửa lữ quán. Một người đàn ông đã luống tuổi ngồi ngay lối vào cửa quán. Anh vừa bước lên thềm, ông ta hỏi ngay:


- Anh hỏi gì?


- Thưa tôi xin gặp ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy ạ.


Người coi quán nhìn anh Ba từ đầu xuống chân và hơi nhíu mày lúc nhác thấy anh đi dép "cu li".


- Anh là ai mà dám gặp quan phó bảng?


- Dà... tôi là con...


- Anh hổng đùa chứ?


- Đâu dám!


Người coi quán lại đảo mắt xuống đôi dép "cu li" dưới chân anh Ba, chưa hết ngờ vực. Nhưng lúc ông nhìn lên bắt gặp cặp mắt anh Ba sáng long lanh, ông đổi giọng:


- Mời cậu ấm lên lầu. - ông chỉ tay về lối cầu thang.


Anh Ba vừa đặt chân lên bậc thang gác, ông ta lại cạy tới, vồn vã:


- Cậu ấm lên khỏi thang gác này thì quẹo theo hành lang phía tay trái, đến phòng có chữ Cửu treo trên cửa ra vào, cậu kéo dây chuông, nghe cậu.


Anh Ba cúi đầu cảm tạ và nhẹ nhàng bước lên cầu thang gỗ đen màu sừng. Hành lang hẹp, gốc nhẵn bóng. Anh sáng lờ mờ, hành lang như can đường dưới đêm trăng lu. Anh hồi hộp dừng bước trước cửa phòng treo chữ Cửu(92). Cái dây chuông thòng lòng ngang tầm tay. Anh đưa ngón tay trỏ định kéo dây chuông nhưng thụt lại ngay và anh úp bàn tay hồng đỏ lên vầng trán nóng ran. Anh đứng dựa vào lan can một lát. Vuốt lại mái tóc, anh lại bước đến cửa, mạnh dạn kéo dây chuông rồi lại tới dựa lan can, đợi...


(92) Chữ Hán có nghĩa là số chín


Cánh cửa hé mở. Một ông già bước ra. Hai người cùng quan sát lẫn nhau. Anh Ba lễ phép bước đến hỏi trước:


- Thưa bác, xin bác cho cháu được gặp ông phó bảng Nguyễn Sinh Huy.


Ông già nhíu đôi lông mày trắng như hai múi bông, tóc ông xếp làn sóng đổ dài xuống quá ót và bạc phơ. Bộ râu ba chòm rung rinh theo nhịp miệng, ông nói:


- Anh là người có quan hệ chi với quan lớn? - Mắt ông già không ngừng xem xét diện mạo và đôi dép "cu li" dưới chân anh Ba.


Hiểu được thái độ ông già, anh Ba lễ phép thưa:


- Cháu là con quan phó bảng Huy, thưa bác.


- Trời... đất! - ông già rướn cao đôi mày, ngạc nhiên chắp hai tay trước bụng. - Xin lỗi cậu ấm. Tôi đâu dè cậu là con quan phó bảng Nguyễn Sinh Huy. - ông bước lại gần anh Ba: - Tôi hổng đeo kiếng nên đâu có nhìn rõ! - ông chìa hai tay: - Mời cậu ấm vô ạ.


ước vào phòng. ông già dẫn anh đến bên chiếc giường con:


- Đây là nơi quan lớn nghỉ. Cậu ấm ngồi tạm. Quan lớn hiện đang dùng trà với ông cử dưới Lục tỉnh lên chơi ngòai phòng khách.


Anh nhìn theo ông già, lắc đầu nói thầm:


- Cha mình đã bỏ cái ghế quan trường như bỏ cái tấm giẻ rách lau chân, nhưng mọi người lại trọng vọng nó ngợp cả mắt. Tội nghiệp!


Ông già trở ra, chìa tay:


- Quan lớn mời cậu vô.


Anh Ba cúi đầu đáp lễ và đi vào sau tấm bình phong.


Phòng trà lữ quán mà ông Huy đang tiếp khách là một gian nhà vuông vức, sàn gỗ đen bóng. Bộ bàn trà kê sát cửa sổ lớn. Ngòai cửa sổ là vườn cây râm mát, bóng trúc ngoắt ngọn vào khung cửa. Hoa ngòai vườn đưa hương vào phòng trà. Ông phó bảng Huy ngồi ở chiếc ghế kê sát cửa sổ. Màu xanh ngòai vườn trúc tỏa vào quanh nơi ông ngồi. Ông cử nhân miền Lục tỉnh ngồi đối diện. Hương chè quyện hương vườn xanh đưa vào ngọt cả không gian.


Anh Ba bước vào chắp tay đằng trước cúi chào cha và khách của cha. Anh đứng nghiêm trang, tay vẫn giữ trước ngực. Ông khách chìa tay ra phía trước:


- Mời cậu ấm an tọa.


Anh Ba cúi đầu đáp lễ. Nhưng anh chưa được cha cho phép nên vẫn đứng nguyên vị trí. Ông phó bảng nhìn con, giọng nghiêm mà ấm:


- Quan bác đã cho phép, con ngồi vào ghế.


Anh Ba bưng chiếc ghế lùi xuống một chút, không dám ngồi ngang hàng với nhữngười bề trên mình. Vị khách cảm mến sự lễ phép mẫu mực gia phong của anh. Ông khách ân cần mời anh uống trà. Anh Ba đỡ lấy chén trà trên tay vị khách. Ông phó bảng giới thiệu với bạn:


- Cháu là Tất Thành, con thứ ba của tôi.


Ông cử miền Lục tỉnh gật gù nhưng mắt vẫn ánh lên sự băn khoăn khó hiểu về bộ quần áo vải thô và đôi dép "cu li" nhuộm vẻ phong trần của người thanh niên có khuôn mặt tuấn tú này. Anh Ba hơi bối rối. Ông khách vẫn nhìn anh Ba, và trong mắt ông lộ rõ niềm xúc động khó tả. Ông phó bảng Huy giục con:


- Thành chuyên trà mời quan bác, con!


Anh Ba thay ấm trà cũ. Anh tráng ấm chén qua nước sôi và đang chuyên trà thì khách đã xin cáo lui:


- Xin phép quan bác, tôi còn ở Sài thành sẽ còn tới hầu chuyện quan bác. Giờ này để quan bác và cậu ấm bàn bạc việc nhà.


Ông phó bảng đứng lên, tay chắp trước bụng. Ông cử nhân Lục tỉnh nhìn anh Ba, nói:


- Tôi đã kính mộ quan bác: một đại nhơn, đại đức. Nay tôi càng kính phục quan bác có một người con, đúng như cổ nhơn dạy: "Ty dĩ tự mục, khiêm nhi dũ quang, tiến đức tu nghiệp". (93)


(93) Ý: lấy cái khổ cực để chăn giữ mình, khiêm tốn thì vinh quang, đức độ cao ắt lập được nghiệp lớn.


Ông phó bảng chắp tay xá ông bạn và mỉm cười.


Anh Ba hơi bối rối về lời khen mình, anh lễ phép:


- Thưa bác, cháu cũng chỉ học hỏi theo người xưa là "Lập nghiệp thủy ư tu thân" thôi ạ. (94)


(94) Việc xây dựng sự nghiệp phải bắt đầu bằng sự rènluyện bản thân mình.


Ông cử đặt bàn tay lên vai anh Ba, nói giọng cảm phục


- Cậu ấm ơi! Hậu sanh khả úy. Hậu sanh khả úy. Nhìn thấy cậu, tôi đã nói ngay với quan bác: một con người thành nhân trước khi thành nghiệp...


- Dà không dám, thưa bác, cháu chỉ là...


Anh Ba chưa nói hết điều định nói, ông cử đã chắp tay xá xá đi ra...


*


* *


Không khí trong phòng lặng ngắt. Ông phó bảng Huy vẻ băn khoăn hỏi:


- Sao con vẫn còn quanh quẩn ở đây?


- Thưa cha, con sắp đi xa Tổ quốc. Con gặp cha lần này có lẽ... có lẽ... - Anh Ba rưng rưng nước mắt.


Ông Huy sắc mặt biến đổi, giọng hơi dịu:


- Con đi xuất dương đến nước nào?


- Dạ, con sang Pháp và có thể còn đi nhiều nước khác nữa để học hỏi...


- Đế quốc Pháp là kẻ thù của Việt Nam mình, sao con lại sang Pháp để mưu việc cứu nước?


- Dạ, thưa cha, con đã giãi bày với cha cái điều ấy từ hồi còn ở kinh đô Huế ạ.


- Bấy giờ con hãy còn thơ, vừa qua tuổi vị thành niên. Nay cha muốn biết được điều suy nghĩ của con ở tuổi hai mươi.


- Từ ngày con ngồi trên ghế trường Quốc học Huế, con học lịch sử nước Pháp, con chú ý nhiều về cuộc cách mạng 1789. Họ đã lật đổ chế độ vua quan phong kiến. Rồi con đọc sách, tìm thấy ở nước Pháp có tự do, bình đẳng, bác ái. Đặc biệt là coi trọng nhân quyền. Có tổ chức bảo vệ nhân quyền, gọi là Hội Nhân Quyền. Con muốn được nhìn thấy tận mắt cái nước Pháp có nhân quyền lại vừa là nước Pháp đi xâm lược các nước nhỏ yếu khác.


Ông phó bảng chống tay xuống thành ghế, bước đến bên con trai. Anh Ba đứng lên, môi anh mím mím, sợ bật lên tiếng khóc. Ông phó bảng đưa vòng tay khóac vào cổ anh Ba và đứng tựa bên khung cửa sổ rợp bóng trúc xanh. Ông nói:


- Thành à! Bây giờ cha mới thực tin con quyết chí ra đi. Con đi vì một mục đích lớn. Con có thể thực hiện được cái điều mà cha và lớp người như cha phải bó tay. Con ơi! (Anh Ba níu chặt cánh tay cha. Nước mắt của hai cha con nhỏ xuống khung cửa). - ông nói, giọng đằm thắm: - Xưa nay cha vốn ít nói. Với các con, cha càng ít nói nữa. Cha chỉ nói khi thấy không nói không được. Lần này là lần đầu mà cũng có lẽ là lần chót cha nói nhiều với con. Bởi cha con mình gặp nhau lần này, chưa biết rồi đây còn có dịp được gặp lại nữa không? Con đi xa nước, xa cha. Sinh ly có khác gì tử biệt, con! Có khi "nỗi đau tử biệt không bằng sinh ly". Nhưng cha khóc lần này không chỉ vì đau buồn mà còn có phần tự hào về con nữa.


- Con biết, con đi xa, cha ở lại đây một mình...


- Đừng, con đừng nghĩ về cuộc sống của cha! - ông khóat tay, nói cao giọng. - Cha đang tự hào về chí lớn của con. Con phải gạt bỏ những tính tóan bé nhỏ, tầm thường. Cha rất vui trong lòng về mục đích con đi tìm độc lập cho nước, tự do cho dân. Nhất là nhân quyền... Con nói tới hai tiếng ấy, cha nghe mà nao nao lòng! Cũng như vừa rồi, ông Diệp Văn Cương nói với cha lúc cùng ông Hồ Tá Bang ngòai Phan Thiết vô thăm các bằng hữu là: Hội Nhân Quyền bên Pháp đòi trả tự do cho ông Phan Chu Trinh. Cha lấy làm lạ vì những tên Pháp ở trên đất chúng ta thật đáng nguyền rủa, sao bên Pháp lại có nhân quyền, có HộNhân Quyền bênh vực cho cả người nước thuộc địa của họ. Con đi sang bên đó coi thực sự có nhân quyền không.


- Con cũng rất ngờ về những "nhân quyền", "tự do", "bình đẳng", "bác ái"... e là những cái nhãn đẹp thôi, cha ạ!


- Có thể là như vậy. Ông Mạnh Tử nói: "'Dân vi quý, quân vi khinh" (95) cũng chỉ nói để mà nói chứ chẳng là sự thật ở trên đời này. Nhưng con phải ra thiên hạ xem xem. Cha gẫm thấy từ thuở lập quốc tới giờ ở đất nước mình có rất nhiều vị anh hùng dân tộc chống giặc ngoại xâm, cả nước vô cùng oanh liệt, mà chưa từng có một vị anh hùng nào vừa cứu được nước thóat vòng nô lệ vừa đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân.


(95) Dân là quý, vua là thường.


- Quyền lợi nhân dân có phần trong quyền lợi của Tổ quốc rồi cha?


- Tổ quốc, nhân dân tuy một mà là hai, con ạ. Nước độc lập mà chắc gì dân có hạnh phúc, có cơm no, áo ấm hả con. (96)


(96) Trong thư gửi cho các Ủy ban nhân dân, Hồ Chủ tịch viết: "Nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập không có nghĩa lý gì". - "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trang 80.


Anh Ba chớp chớp mắt để lắng vào tâm hồn mình lời cha tâm sự. Ông phó bảng vẫn nhìn ra vườn xanh phất phơ bóng trúc, giọng trầm trầm:


- Cha nói với con về bát cơm manh áo và địa vị làm người của lương dân là điều mà cha đã nghĩ nhiều về nó...


Ông nén tiếng thở dài và bá vai con cùng đi quanh phòng. Anh Ba nén xúc động trước cử chỉ đặc biệt của cha mà suốt cả quãng đời niên thiếu anh chưa từng được thấy. Cho nên, anh đi sóng bước với cha mà lòng lâng lâng nghe cha nói như đang trong một giấc mơ:


- Nhân dân ta có một đặc tính quý vô giá, con ạ. Kẻ ngoại bang kéo đến dù là Hán, là Đường, là Tống, là Nguyên, là Minh, là Thanh... bất kể chúng nó mạnh, chúng n đông mức nào, dân ta vẫn không biết sợ mà lo sao có một đấng minh quân biết đưa họ đi dẹp giặc cứu nước. Một khi giặc ngoại xâm bị quét sạch ra khỏi bờ cõi, các triều đại vua quan muốn đối xử với bất kể chính sách gì, dân mình đều nghe theo. Sống có trên, có dưới một lòng. Cả những khi nước nhà gặp phải ông vua bạo ngược, hoang dâm vô độ, dân mình cũng chỉ có than thầm, óan trộm. Cốt giữ sao đừng để sơ hở cho kẻ thù bên ngòai lợi dụng nhảy vào cướp nước. Tổ quốc là tài sản thiêng liêng nhất của mọi người dân. Nhân dân mình trung hậu vậy đó. Nhưng nước mình ít có ông vua thương dân, dành cho dân một quyền sống xứng đáng. Lê Lợi, từ một người bình thường ở xứ Thanh, trước cảnh nước mất nhà tan, ngài đã phất cờ tụ nghĩa ở chốn Lam Sơn. Sau ngài vào đứng chân ở đất Nghệ. Dân ta đã từng phò đấng minh quân, nuôi nghĩa quân, một lòng một dạ kháng chiến cứu nước. Nhưng lấy lại được độc lập, Lê Lợi lên ngôi làm Lê Thái Tổ, còn dân ta trước sau vẫn là:


Muôn dân một lũ cơ hàn,


Vua ngồi chễm chệ ngai vàng hiếp dân.


Nếu có được ông vua nhân từ, thỉnh thoảng đi vi hành, ghé thăm nhà dấn là quý lắm rồi. Nhưng con ơi: Vua đến nhà dân vua được tiếng, dân mất buổi cày.


Anh Ba rót nước mời cha. ông phó bảng uống ngụm trà nóng, mắt ông hướng về anh Ba. Ông nói, vẻ mệt mỏi:


- Cha luôn ngẫm nghĩ đến những gì bất công, nhưng cha, không thể làm được gì hơn. Cha chỉ còn có mong ở con, trút hết nỗi lòng với con như mẹ con đã bóc cái bánh trao tay con vậy. Cha yên tâm thấy con đã biết nhìn vào lịch sử của dân tộc, con biết nghĩ đến sự giải phóng nhân dân trong khi đi tìm đường cứu nước. Cha dặn thêm: Dân Nam ta sống nặng với nghĩa nước tình nhà. Cả làng chung nghe một tiếng trống đình: tiếng trống họp làng, tiếng trống thu thuế, tiếng trống tế th tiếng trống hộ đê, tiếng trống có cướp... Cả nhà ăn chung một nồi, đầu đũa chấm chung một bát nước chấm mặn, ngọt, cay, chua. Khi đi xa đất nước, con hãy nhớ hãy nghĩ về những điều bình thường ấy, con sẽ thấy trong tâm hồn mình cả một quê hương, cả một dân tộc... Thôi. Cha nói đã có phần nhiều lời, - ông đứng lên - mà cũng chỉ nói được với con lần này thôi. Từ nay con đi... đi vào tương lai. Cha từ đây thuộc về dĩ vãng (Anh Ba ôm mặt khóc). Đừng khóc lúc này, con! Phút quyết định đừng nhỏ lệ. Con nhìn cha xem. Mắt cha chỉ còn lại niềm tin đợi chờ nước độc lập, dân hạnh phúc. Đây - ông lấy cái ví lận trong lưng quần tai tượng. Ông nói, giọng khỏe: - Cha đinh ninh sẽ có một ngày con ra đi. Cha dành số tiền này để góp vào số lộ phí cho con lên đường. Số tiền tuy ít, nhưng là tiền cha ra vốn cho con... Sống phải có "tiền lưng gạo bị", con ạ.


Anh Ba lau nước mắt, đỡ lấy tay cha. Anh thốt lên:


- Cha!


Ông phó bảng ngăn lại:


- Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi: Tổ quốc! Đồng bào! Đi... đi con!


Những ngọn trúc quân tử ngòai vườn xanh gục đầu vào cửa sổ chiêm ngưỡng hai trái tim thương nước thương dân.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom