• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.INFO TỪ NGÀY 1/4

Full Búp sen xanh (1 Viewer)

Advertisement
Advertisement
  • Búp sen xanh - Phần 3 chương 25

25


Từ những ngày đầu đến Sài Gòn, anh Ba luôn luôn tìm hướng đi ra một phương trời xa khác để thực hiện ước mơ lớn, nhưng anh vẫn canh cánh bên lòng việc đi tìm gặp cha. Anh đinh ninh cha mình đã rời huyện đường Bình Khê vào Sài Gòn từ ngày anh còn dạy học ở Phan Thiết.


Một ngày chủ nhật, anh tìm đến nhà Diệp Văn Kỳ, người bạn chí thân từ tuổi tóc trái đào ở Huế. Diệp Văn Kỳ bàng hoàng khi gặp lại Nguyễn Tất Thành và thốt


- Ô! Ai như... anh Thành? Anh Nguyễn Tất Thành!


- Thành đây. Kỳ đã không nhận được ra mình kia à?


- Trời... đất! - Diệp Văn Kỳ dài giọng. - Nếu hổng có hai con mắt sáng như sao thì đã lầm anh là một cha cu li rồi! Chứ ai đày đọa anh mà dữ vầy?


- Mình. Mình tự nguyện đến với cuộc sống này.


- Không hiểu nổi! Thầy, một bậc đại khoa, bỏ quan trường làm ông lang đi lang thang ở các hiệu thuốc bắc. Anh, một cậu ấm con quan, một học trò của "Thiên đường trường học" Huế, một thầy giáo trường Dục Thanh, tự nguyện làm "cu li" để rồi đi đến đâu?


- Đi đến chân trời mơ ước. - Anh Ba vừa cười vừa nói.


Diệp Văn Kỳ cũng bật cười theo, nhưng vẫn chưa hết ngạc nhiên:


- Cái chân trời mơ ước! Mơ ước của anh để rồi làm một đức Chúa hay đức Phật của thời đại mới hay sao mà anh phải đổi giá tu luyện đắt dữ vậy?


- Làm người trung chính ở giữa cái thế gian này còn chưa ăn nhằm gì huống hồ mơ làm một thứ siêu nhân nào đó vô nghĩa anh ạ.


Qua cái phút bất ngờ, Diệp Văn Kỳ bình tâm lại:


- Anh Tất Thành à. Với tình bạn thiêng liêng, Kỳ hỏi thiệt, thâm tâm anh đã dứt việc học, quyết đi làm nghề thì tôi sẽ lo liệu được nơi làm đáng để anh đua tài chứ không thể chịu cái bề anh đi làm "cu li" vầy được. Nhất là thầy thầy mà biết anh tự đày đọa mình kiểu này, lòng thầy buồnền biết chừng nào...


- Không sao đâu, anh Kỳ ạ. Cha tôi đã từng dạy anh em tôi: "Ở đời nghề nào cũng tốt, không có nghề xấu mà có người xấu, có người tốt. Ông quan tham nhũng của dân là kẻ bất nhân. Người lặt phân bón ruộng, người đốt than trên ngàn kiếm sống đều là những người lương thiện". Tôi muốn được gặp cha, thăm sức khỏe và chuyện trò với cha ít phút, anh ạ.


- Được rồi. Ở đây dùng cơm trưa xong tôi đưa anh đến chỗ thầy ở. Giờ này thầy còn khá bận với đám khách đến xin thầy bắt mạch, cho toa (đơn thuốc).


- Tôi vừa ăn cơm xong. Hôm khác tụi mình sẽ vui "tẩy trần" một bữa với nhau mà.


Kỳ phủi phủi bụi trên vai áo cho anh Ba, giọng trìu mến:


- Hiện thời anh ở đâu vậy, anh Thành?


- Tôi ở xóm thợ, gần Bến Nhà Rồng. Ờ mà... vô đây tôi không còn gọi tên Thành nữa. Gọi là Ba, nghe thuận hơn.


- Phải rồi. Người trong này ưa gọi bằng thứ hơn là gọi tên lót ổ, anh Ba ạ. - Kỳ như chợt nhớ ra: - Ờ nầy, anh là con thứ ba của thầy thì phải gọi là Tư chứ?


- Tôi nhận kết nghĩa anh em với một anh thợ ở Bến Nhà Rồng. Anh là Tư, tôn tôi lên là Ba, anh Hai ạ. - Anh Ba gọi thân mật Diệp Văn Kỳ.


- Hì hì... - Kỳ cười giòn: - Ai đã gặp anh là dính như thép gần đá nam châm vậy. Ngay cái ngày còn chơi trong sân cỏ thành nội Huế, hễ vắng anh là cả buổi chơi ấy tẻ ngắt. Anh còn nhớ có dạo Công tôn nữ Huệ Minh đã ghen tị với tôi vì được anh kết thân hơn không?


Anh Ba cười:


- Cái thời trẻ con ấy sao nhiều thú vị và trôi qua mau ghê. Ngày chúng mình gặp nhau lần đầu, mới đó mà đã mười bốn, mười lăm năm rồi!


- Gần đây - Kỳ hỏi - anh Ba có gặp Công tôn nữ Huệ Minh không?


- Lúc còn nô đùa trên sân, cùng đuổi bắt chuồn chuồn, bắt bướm ngòai vườn nó khác với khi đã là cô gái có bao nhiêu bức tường ngăn cách! Hơn thế, Huệ Minh là hàng công tôn, chúng mình phải biết dừng bước trước những bậc thềm chênh lệch, anh Hai ạ.


Hai người im lặng, cùng hồi tưởng về một thời thơ ấu trong thành nội. Kỳ tâm sự.


- Ba má tôi đã muốn cột tôi vô cái "xiềng" gia thất, anh Ba ơi!


- Chắc hai bác... "nhắm" Hạnh cho anh, phải không?


- Trời đất! Anh Ba tài quá ta!


- Có gì là tài Ngày còn ở kinh đô Huế, mỗi lần tụi này đến chơi đằng nhà anh, hai bác khen Hạnh hết lời. Còn anh thì ba má của Hạnh cưng quá trời mà!


- Anh Ba nè, - Kỳ dè dặt - hoàn cảnh của tôi, việc lập gia đình sớm hay muộn cũng chỉ là theo lẽ thông thường. Còn anh... tôi rất xót xa mỗi bận trông thấy thầy sống vất vưởng một mình. Cha tôi đã nhiều lần mời thầy về dạy học, nhiều người đã nghe danh tiếng của thầy. Nhưng thầy chối từ. Thầy thích đi lang thang đến các hiệu thuốc Phúc Sinh Đường, Tam Thiên Đường, Thiện Phúc Đường... để coi mạch cho các con bệnh. Ai đưa cho thầy bao nhiêu tuỳ lòng. Mà thầy cũng chỉ lấy đủ tiền ăn của ngày hôm đó, còn ai đến sau thầy chỉ coi mạch giùm. Người ta đồn: "Quan phó bảng Huy sống như chim, nay ăn trái cây ở rừng này, mai ăn ở rừng khác, không để dành của cải cho ngày sau. Cảnh tình của thầy như vậy, thiết tưởng anh phải lập gia đình sớm để thầy...


- Chết chửa! Không ngờ, - anh Ba vẻ ngạc nhiên - không ngờ anh Hai mà cũng nghĩ rằng cha tôi đợi con cái lập gia đình để có nơi nương tựa?


- Nè anh Ba! - Kỳ siết chặt tay anh Ba. - Tôi hiểu nhơn cách của thầy, của anh lắm chớ. Địa vị, tiền tài, thầy coi các thứ đó là đồ bỏ đi. Thầy đã từng dạy:


Nhân sinh nhược đại mộng


Thế sự như phù vân


Uy thế bất túc thị


Xảo hiểm đồ tự hại


Giới chi! Giới chi! (86)


(86) Đời người như giấc mộng lớn


Việc đời tựa mây trôi


Uy thế không đủ để cậy


Gian trá là tự hại mình


Răn đấy! Răn đấy!


- Sao anh còn khuyên tôi lập gia đình sớm?


- Tôi biết không có một thứ sức mạnh nào ngăn nổi chí hải hồ của anh. Cho nên tôi bàn với anh cái kế lấy vợ để có người thay anh săn sóc cha già thì anh mới yên cái bụng mà lo việc lớn được.


- Thiệt không ngờ... thiệt không ngờ - anh Ba ôm lấy vai Kỳ vừa cười nói, vừa lắc lay - anh xui dại tôi đi làm cái việc dã man ấy.


- Trời... đất... quỷ thần ơi! Sao lại coi việc lập gia đình là "làm cái việc dã man", anh Ba?


- Lấy vợ thì phải làm tròn cái nghĩa, cái tình chồng vợ chứ lại bắt người ta thay mình gánh vác mọi việc để mình rảnh chân bay nhảy! Làm như vậy là cột một người con gái vào cái cửa buồng nhà mình. Dã man quá chứ, anh Hai!


- Thì ông già bà già tôi cứ biểu tôi: "Muốn học lên các lớp trên hay đi du học đều được hết. Nhưng phải cưới vợ cho có đôi có lứa đã". Bà già tôi còn nói: "Con trai có vợ như con thuyền có bến". Tỉ như:


... Anh lấy em về lo liệu trăm đường


Để anh buôn bán trẩy trương tung hoành.


Cha mẹ già em săn sóc thay anh...


Anh Ba giọng nghiêm, buồn buồn:


- Quan nhiệm về đường hôn nhân của các cụ, ta coi trọng nó thuộc về thời đại của các cụ. Nhưng, chúng mình phải biết chọn lựa cái gì hay thì học, chứ không thể nào lại làm theo cái cũ kỹ của ngàn xưa ấy được.


- Anh Ba đã nói đến vậy, tôi càng chịu cái sự nhìn xa, trông rộng của anh. Vậy ra anh... - Kỳ chùng giọng - anh đi tìm gặp thầy là chỉ cốt để thăm sức khỏe của thầy...


- Cha tôi mong tôi đi xa, làm nên việc ích nước lợi nhà. Người không ưa con cái bằng lòng với cuộc sống nhỏ hẹp, Người càng ghét sự bịn rịn, sự yếu đuối trong tình cảm. Dù vậy, tôi còn ở đây ngày nào là còn tìm đến thăm cha, anh Hai ạ.


- Thầy không ở một chỗ nhất định. Nơi thầy thường lui tới nghỉ ngơi, là chùa và lữ quán (87) Nam Đồng Hương ở đường A-mi-ran Cuốc-bê. Anh đợi lúc chiều tối đến những nơi đó, đừng đến tiệm thuốc bắc gặp thầy, không tiện lắm.


- Tôi cũng nghĩ thế...


(87) Quán trọ


* *


Thành phố lên đèn. Những người không gia đình đủ hạng tuổi, nằm, ngồi trên hè phố ngổn ngang, nhếch nhác. Một vài người giành chỗ tốt đang cãi nhau om sòm. Có người nằm gối đầu lên một khúc gỗ thường kê hàng, chân gác vắt vẻo lên thùng hàng, ca một giọng ca buồn nẫu ruột...


Anh Ba rẽ vào con đường Cuốc-bê. Hai ba cô gái từ trong bóng tối, dưới mái hiên đi ra đón mời: "Em mời thầy Hai... mời thầy Hai vô chỗ em... Xài tốt mà hổng mắc tiền... Đi với em nghe thầy Hai..." Anh Ba ớn xương sống, suýt co chân chạy khỏi đám gái giang hồ. Nhưng thấy có nhiều người đi qua đi lại, anh trấn tĩnh được và lẳng lặng bước đến lữ quán Nam Đồng Hương.


Một ông lão ngồi coi hàng ngay trước cửa thấy anh Ba ăn mặc quần áo đặc sệt dân "cu-li", liền xua tay:


- Quan phó bảng tối nay không về đây nghỉ. Chắc chú mày đến mời quan đi coi mạch cho người bệnh hả?


- Dạ, không ạ. Cháu đến thăm sức khỏe của ông phó bảng Huy thôi ạ.


- Chú mày quen quan phó bảng à?


- Vâng ạ.


- Tối mai hãy đến nghe. Tao sẽ thưa trước với quan phó bảng cho. A! Mà tên chú mày là gì?


- Tên cháu là Thành ạ.


- Làm thợ ở hãng nào đó?


- Dạ... cháu làm ở Bến Nhà Rồng ạ.


- Khá heng. Trông ngi như học trò mà chịu chơi cái nghề phu bốc vác là có chí anh hùng đó chớ.


- Cháu cảm ơn ông, cháu xin đi ạ.


- Rồi... Rồi. Tối mới đến đây gặp quan phó bảng Huy, heng.


Cả đêm nhớ cha, anh Ba trằn trọc cho tới sáng hôm sau. Anh không đợi tối mới đến lữ quán Nam Đồng Hương tìm cha. Anh nghỉ việc buổi sáng, đi thẳng đến hiệu thuốc bắc Tam Thiên Đường, tại đường Đét-xpa- nhơ (d'Espagne). Anh đi đã khá sớm mà lúc tới nơi, người bệnh đợi xin đơn thuốc trước cửa hiệu thuốc đã đông rồi. Anh Ba đứng khuất trong đám người bệnh, ông phó bảng Huy mải xem mạch, không thấy được người con trai thứ hiện đã có mặt ở bên ông. Hai mắt anh cứ muốn trào lệ khi nhìn thấy hình hài cha tiều tụy, chiếc áo năm thân sờn vai, vá hai miếng ở cùi chỏ, quần tai tượng (88) chỉ dài quá gối, chiếc khăn rằn cũ vắt qua vai. Ông ngồi ở cái ghế đẩu, bên cạnh là chiếc bàn độc nhỏ để nghiên mực, giấy bút. Ông xem mạch xong quay sang phía bàn viết đơn thuốc; bệnh nhân tự đưa đơn vào quầy hàng cân thuốc, thanh tóan tiền với chủ hiệu Tam Thiên Đường.


(88) Kiểu quần cạp rộng, có hai má như tai voi để thắt thay dây nút


Anh Ba đợi một lúc lâu lâu, nhân khi người đến khám bệnh đã vãn, anh bước đến bên cha. Ông phó bảng Huy nhìn lên. Anh Ba xúc động:


- Cha! Cha!


- Thành... Thành đó à! - ông đứng dậy. - Con vô đây từ bao giờ?


- Thưa cha, con mới vô ạ.


Ông chỉ tay về chiếc ghế mà bệnh nhân thường ngồi để ông xem mạch:


- Con ngồi xuống đó!


Anh Ba nhấc ghế chếch sang bên cạnh cha và ngồi xuống. Anh vẫn còn chưa hết xúc động, giọng còn hơi run:


- Bấy lâu sức khỏe của cha... có được...


- Con đừng bận tâm về cha. Cha mong đợi ở con những điều khác chứ không phải mong đợi sự săn sóc của con. - ông hỏi đột ngột: - Hôm nay con đi đâu mà ghé lại đây?


Mắt anh Ba rơm rớm lệ:


- Con đi tìm cha ạ.


- Nước mất, con lo tìm đường cứu nước. Con tìm cha lúc này chẳng có nghĩa lý gì.


Anh Ba hai mắt lấp lánh nỗi đau nhìn mái đầu cha đã ngả màu tiêu muối:


- Thưa cha, con không bao giờ dám sao lãng lời cha dạy, cha ạ.


Anh Ba định nói thêm với cha về dự định những công việc của mình thì một ông già mặc bộ đồ lụa tơ tằm màu mỡ gà rộng thùng thình, chống gậy trúc bước đến, lễ độ thưa:


- Bẩm quan lớn!


Ông phó bảng ngạc nhiên nói:


- Tôi còn đợi quan tài chứ có còn đâu cái quan lớn, quan bé nữa mà quý ông thưa với bẩm.


Anh Ba đứng lên nhường ghế cho ông khách. Ông phó bảng chìa tay mời:


- Xin quý ông ngồi tạm.


Ông già vẫn giữ lễ phép:


- Bẩm quan! Đã là quan thanh liêm thì dù chỉ ngồi ở ghế quan trường một ngày cũng để lại tiếng thơm trong dân mãi mãi không hề phai. Kẻ tham nhũng thì dù dang ngồi trên nóc nhà quan, dân đã hạ xuống gót giày đi giữa thế gian. Với lòng kính mộ quan phó bảng cho nên kẻ lẩn thẩn này mới dám nói những lời sỗ sàng ấy.


- Thưa quý ông, - quan phó bảng Huy sửa lại cổ áo, nói - xin hẹn ông sáng hôm sau tới đây tôi sẽ xem lại mạch và trở đơn, giờ thì tôi đang có chút việc bàn với con trai tôi.


Ông già nhìn anh Ba:


- Ồ! Chào cậu ấm.


- Cháu không dám. Cháu đã chào cụ ban nãy ạ. - Anh Ba đáp lại.


Ông già nói khoan thai:


- Thưa quan phó bảng, tôi đến yết kiến quan xin được biết nhà để đưa chút lễ bạc lòng thành đến tạ ơn quan đã chữa cho tôi, con gái tôi khỏi bệnh.


- Cảm ơn ông đã có tấm lòng nghĩ đến tôi. Nhưng, xin ông miễn cho kẻ hàn sĩ này cái việc lễ lạt ấy. Nước mất, tôi đâu còn nhà nữa! Cha con tôi sống nay đây mai đó, ông ạ.


Nghe cha nói với ông già, anh Ba hơi cúi đầu, bàn chân anh gí mũi dép xuống đất, hai mắt anh nhiễu lên những tia đom đóm muôn màu.


Ánh nắng xẻ dài đường phố. Bóng cây in xuống bên đường nơi anh Ba đứng.


Ba người ra khỏi ngõ hẻm, Út Huệ nói với cha:


- Xem chợ Tết, đừng để anh Ba đi bộ, cha ạ.


- Ừ. Tao cũng đã nghĩ cái việc đó. Con gọi xe tay đến, mau đi!


Anh Ba vẻ băn khoăn:


- Đừng gọi xe nữa, cô Út ạ. Ta đi bộ lên phố, đâu cô xa là bao.


- Hừ, - ông già Huệ giục con gái - cứ gọi xe, Út! Lội bộ lên tới phố Sặc-nè, phố Mặc-má-hồng bở hơi tai rồi còn sức đâu mà đi coi kiểng Tết?


- Mình là dân thợ mà ngồi xe cho người khác kéo, coi bộ kỳ quá, chú Út ạ!


- Dêề - ông già phát bàn tay lên vai anh Ba. - Gì mà câu nệ vậy Ba? Cả tháng, cả năm chúng mình đã làm tôi tớ. Lúc năm cùng, tháng tận này chúng mình lên ngôi ông chủ, bà chủ ngồi xe, dạo ta phố mới vui chớ! - ông già hạ giọng: - Có kẻ còn dám chơi “nhứt dạ đế vương” cơ mà.


Anh Ba đành cười trừ. Ba người cùng bước lên xe ngồi: ông già và anh Ba ngồi trong thùng xe, cô Út Huệ ngồi dưới sà, nơi để chân của hai người ngồi trên. Lần đầu tiên ngồi trên xe kéo, anh Ba cảm thấy ngượng ngập. Ông già dặn:


- Lên tới chợ Bến Thành, Út đi sắm đồ rồi về trước. Còn cha với anh Ba mầy đi dạo xem bông (hoa), xem cây kiểng ở Sặc-nè (89), Mặc-má-hồng (90) đó nghe.


(89) Phố Nguyễn Huệ bây giờ


(90) Đường trước nhà thờ Đức Bà
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom