• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full [Zhihu] MÙA HÈ ĐẾN MUỘN (2 Viewers)

  • Phần II

4.

Tôi quen Giang Thì năm tôi mười ba tuổi.

Mùa hè năm ấy, anh ấy chuyển đến tiểu khu nhà tôi.

Tiểu khu này đã cũ, tiền thuê cũng rẻ, chủ yếu là mấy ông bà lớn tuổi.

Một nhà Giang Thì có vẻ không hợp với nơi này.

Trà dư tửu hậu, mọi người thích nhất là buôn chuyện nhà anh ấy.

Nghe người ta nói nhà anh vốn sống trong một căn biệt thự lớn, sau đó bố anh làm ăn bị người ta lừa, thiếu một đống nợ, từ đó bố anh không gượng dậy nổi, chỉ biết uống rượu, uống rượu xong thì đánh mẹ và anh.

Khi hàng xóm đang tụ tập dưới sân buôn chuyện, Giang Thì đúng lúc đi ngang qua.

Đó là một buổi chiều hoàng hôn mùa hè, không khí oi bức đến khó chịu.

Tôi đang ngồi xổm bên chân bà nội gặm dưa hấu, vừa ngẩng đầu lên đã thấy anh ấy thân hình mảnh khảnh đeo một cái cặp sách lớn, khiến anh trông càng cô đơn và u ám hơn.

Anh ấy mím môi, trên mặt còn nguyên vết bầm tím, làm ngơ trước ánh mắt thương hại của mọi người.

“Chậc chậc, sao có thể xuống tay với trẻ con nặng thế chứ?” Các bà các bác đều lắc đầu thương xót.

Khi ấy tôi mới học một thành ngữ mới là “Hạc trong bầy gà”.

Chú hạc kiêu ngạo Giang Thì nhẹ nhàng bước qua, làm lơ chú gà con là tôi.

Tôi quên cả gặm dưa, chỉ cảm thấy anh tựa như một đóa hoa kiêu sa trên cao không thể chạm tới, so với mấy nam sinh chỉ biết xì mũi ăn que cay ở lớp tôi, thật sự khác một trời một vực.

Nhà Giang Thì không qua lại với ai trong tiểu khu.

Mãi cho đến đêm giao thừa năm ấy, mẹ anh và anh bị bố đuổi ra khỏi nhà.

Trên người Giang Thì chỉ mặc một cái áo mỏng, mẹ anh thậm chí còn đi chân trần, mấy nhà hàng xóm đều đứng bên cửa sổ thập thò hóng chuyện.

Bà nội tôi nghe được động tĩnh, nhanh chóng chạy ra kéo Giang Thì và mẹ anh vào nhà, không quên quát mấy người hàng xóm: “Về, về, về đi, xem cái gì mà xem, Tết nhất còn không chịu tích đức cho mình đi!”

Trong tiểu khu không ai dám chọc vào bà nội tôi, bà là một người già vừa cứng đầu vừa nóng nảy.

Các ông bà khác đều có tiền lương hưu để hưởng phúc, bà nội tôi thì không.

Bố mẹ tôi ly hôn từ khi tôi còn rất nhỏ, sau khi bố tôi hy sinh, bà nội liền mở một hàng rau nhỏ trong chợ, bán các loại rau dưa bà tự muối, lấy tiền cho tôi đi học.

Như bà nói thì bà sống không cần dựa vào ai, thẳng lưng mà sống.

Bà nội bình thường keo kiệt tìm bật thêm một cái đèn trong nhà lên, cả căn phòng lập tức trở nên ấm áp.

Tôi nhường phòng mình cho mẹ con Giang Thì.

Tôi tìm cồn y tế và nước muối, đưa cho mẹ Giang Thì.

“Cám ơn Duyệt Duyệt.” Dì ấy nhận lấy.

Mẹ Giang Thì thật xinh đẹp, dù sa sút nhưng vẫn luôn lộ ra hơi thở nhàn nhã quý phái, giờ tôi đã biết khí chất “hạc trong bầy gà” của Giang Thì được truyền lại từ ai.

Giang Thì ngẩng đầu lên, tôi mới thấy đoạn trên mi mắt anh ấy sưng u lên một cục, che gần hết mắt.

Anh ấy bị bố dùng khóa dây lưng đập trúng.

Sau này bác sĩ nói suýt chút nữa thôi thì mắt anh ấy đã mù.

Tôi xuýt xoa.

Khi lau cồn lên vết thương chắc hẳn sẽ rất đau.

Nhưng Giang Thì không kêu tiếng nào.

Tôi dè dặt hỏi: “Anh ơi, anh không đau à?”

Thật lâu về sau tôi mới biết, khi Giang Thì bị đánh, chỉ cần kêu ra tiếng, bố anh sẽ đánh càng dã man hơn.

Có lẽ bị tôi hỏi nhiều quá đến phiền, anh không thèm nhìn tôi, nói: “Quen rồi.”

Ánh mắt anh ấy hờ hững và tê dại, khiến trái tim tôi nhói lên một cái.

Rõ ràng tôi không phải đứa hay khóc nhè, nhưng không biết tại sao, nước mắt tôi chợt rơi.

“...Này… Đừng khóc.”

Giang Thì hơi hoảng hốt, anh ấy bỗng dưng chỉ vào bức ảnh bố tôi treo trên tường.

“Đó là bố em à? Thật ngầu!”

Trong ảnh, bố mặc đồng phục cảnh sát đang bế tôi.

Đó là bức ảnh chụp từ ba năm trước, trước khi bố hy sinh.

“Đúng vậy! Bố em ngầu nhỉ?”

Giang Thì có lẽ chẳng hiểu tại sao con gái thoáng cái là khóc, thoáng cái lại nín ngay.

“Nếu bố em ở đây, bố sẽ bắt hết những người xấu như bố anh lại.”

“Nhưng mà bố em không còn nữa…”

Thấy nước mắt tôi lại sắp rơi, Giang Thì luống cuống.

“Nhưng sau này em sẽ giống như bố, trở thành một cảnh sát.”

“Lúc đó em sẽ bắt bố anh lại, để ông ấy không đánh anh nữa.”

“Được… được… được.”

Thấy tôi không khóc, Giang Thì nhẹ thở phào.

Tôi đang nói chuyện với Giang Thì, mẹ anh ấy không biết từ lúc nào đã đứng phía sau chúng tôi.

Dì ấy nhìn tôi, nở nụ cười dịu dàng: “Duyệt duyệt, con giúp dì chăm sóc Giang Thì được không.”

“Dì đi giúp bà làm cơm.”

Tôi gật gật đầu.

Một mâm cơm thịnh soạn nóng hổi được bê lên.

Giang Thì và mẹ Giang ở nhà tôi ăn cơm giao thừa.

Từ đó, Giang Thì thường xuyên qua nhà tôi ăn cơm.

5.

Các bạn ở trường biết Giang Thì giống như anh trai tôi, liền đưa thư tình nhờ tôi chuyển cho anh.

Khi đó tôi cũng chưa biết thích là gì.

Chỉ cảm thấy cũng là đồng phục nhưng mặc trên người Giang Thì đẹp hơn nhiều.

Chỉ cảm thấy mấy bức thư tình kia khiến tôi trong lòng không vui.

Nhưng tôi vẫn đưa cho anh ấy.

Khi tôi lấy lá thư đầu tiên ra, Giang Thì không nhìn tôi, nhưng ngòi bút dừng trên đề thi một lúc, một ít mực đã nhòe ra giấy.

Đến lúc tôi lấy ra lá thư thứ ba, mặt Giang Thì tối sầm, bảo tôi vứt đi, từ giờ không được nhận nữa.

“Anh không bóc ra xem à?”

“Không xem.”

Không biết vì sao khi anh nói không xem, tôi lại có chút mừng thầm.

Nhiều năm như thế, tôi vẫn luôn không biết Giang Thì có thích tôi không.

Bởi vì Giang Thì rất ít khi để lộ cảm xúc ra mặt, chỉ duy nhất một lần khi ăn cơm ở nhà tôi.

Anh ấy không cẩn thận làm rơi vỡ bát sữa đậu nành.

Ngay khi cái bát rơi xuống.

Anh ấy theo bản năng ôm đầu.

Cả người anh nháy mắt cứng đờ lại, sắc mặt tái nhợt.

Sau này tôi mới biết, mỗi khi Giang Thì làm vỡ cái gì trong nhà, bố anh đều sẽ đánh anh thừa sống thiếu ch.ế.t.

Trong nhà Giang Thì, một cái bát, một đôi đũa còn quan trọng hơn anh.

Nhưng bà nội không mắng chúng tôi, đầu tiên bà nhìn dưới chân tôi và Giang Thì, vội vã dặn chúng tôi ngồi im, cẩn thận không đạp vào mảnh vỡ.

Anh ấy lẳng lặng nhìn tôi.

Đó là lần đầu tiên tôi thấy nỗi thống khổ hiển hiện trong mắt Giang Thì.

Khổ sở vì không được yêu thương.

Bà nội dọn dẹp xong, lại bưng ra một bát sữa đậu nành khác đặt lên bàn.

Tôi thấy Giang Thì ngửa đầu uống cạn bát sữa đậu nành, nhưng rất lâu không hạ bát xuống.

Tôi nghĩ có lẽ trong bát sữa đậu nành ấy sẽ trộn lẫn không ít nước mắt.

Chúng tôi ai cũng biết nhưng không nói ra.

Năm Giang Thì nghỉ hè chuẩn bị lên lớp mười hai, người đàn ông độc ác kia tuyên bố trước khi Giang Thì thi đại học sẽ đánh gãy tay anh, xem anh thi thế nào.

Chiều hôm đó khi đi học về, tôi gặp mẹ Giang Thì mặc một thân sườn xám, dì ấy nhờ vả tôi giống như đêm giao thừa năm xưa: “Duyệt Duyệt, con có thể giúp dì chăm sóc Giang Thì không?”

Tôi chỉ nghĩ là tối nay Giang Thì sẽ lại đến nhà tôi ăn cơm.

Vậy là tôi gật đầu nói: “Vâng ạ.”

Hôm sau cảnh sát đến nhà Giang Thì.

Bởi vì tối hôm trước, mẹ Giang Thì tỉ mỉ nấu cơm tối cho chồng, rồi trộn thêm một lọ thuốc trừ sâu vào đó.

Buổi tối trước khi ăn cơm, dì ấy dịu dàng xoa đầu Giang Thì: “Con đi tìm Duyệt Duyệt đi, mẹ nói với em ấy rồi.”

Sau đó Giang Thì dùng thành thích thứ mười toàn tỉnh, đứng đầu thành phố ứng tuyển vào trường đại học bậc nhất thủ đô.

Khi Giang Thì học năm thứ tư, tôi thi đậu trường Đại học Cảnh sát.

Để trả nợ số tiền bố còn nợ công nhân, Giang Thì bắt đầu gây dựng sự nghiệp ngay trong thời gian học đại học, mấy năm đó không biết anh đã vất vả đến mức nào.

Còn tôi sau khi tốt nghiệp đại học, sẽ tiếp nhận vị trí của bố, trở thành một cảnh sát.

Giang Thì và tôi, mỗi người đều có khát vọng và mục tiêu riêng.

Tôi nghĩ chờ đến khi cuộc sống của cả hai ổn định, tôi sẽ thổ lộ với anh ấy.

Nếu anh ấy cự tuyệt, tôi sẽ nói tôi chỉ đùa thôi, thế mà Giang Thì cũng tin.

Còn nếu anh ấy đồng ý, tôi sẽ nhào vào lòng anh, nói với anh ấy yêu thầm thật là mệt.

Nếu… Không có chuyện ngoài ý muốn kia.

6.

Những ngày này, tôi trơ mắt nhìn Phương Chỉ dần dần xóa nhòa ký ức của Giang Thì.

Tôi thích hoa hướng dương, cô ấy liền nói mình cũng thích.

Tôi thường mặc váy trắng, cô ấy liền nói ký ức của Giang Thì hỗn loạn, cô ấy thích mặc váy, nhưng không phải màu trắng.

Mỗi khi Giang Thì tỏ ra nghi ngờ, cô ấy liền nổi giận chỉ trích Giang Thì vô tâm.

Cô ấy luôn muốn Giang Thì ăn nói khép nép, cầu xin cô ấy đừng không để ý tới anh.

Khi nói chuyện điện thoại với bạn, Phương Chỉ rất đắc ý:

“Trước kia tớ theo đuổi anh ấy, anh ấy còn không biết điều.”

“Giờ không phải cũng như cún con chạy theo tớ đấy thôi.”

“Cái này gọi là gì nhỉ? Truy thê hỏa táng tràng, ha ha ha.”

Ngày mai bọn họ sẽ chuyển đi.

Nếu thật sự như Phương Chỉ nói thì chỉ cần bọn họ tới Vọng Kinh, sống trong một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ, Giang Thì sẽ không thể nhớ ra tôi nữa.

Tôi đi theo Phương Chỉ, cũng sẽ vĩnh viễn không gặp lại được bà nội.

Nhưng tôi chỉ là một linh hồn, không thể làm được gì.

Tôi trơ mắt nhìn cô ấy thu dọn số đồ đạc ít ỏi của Giang Thì.

Khi Giang Thì đẩy cửa ra, tôi liều mạng giữ tay anh ấy lại.

Anh ấy giật mình như cảm nhận được cái gì, sau đó lại cười cười lắc đầu.

“Anh còn chần chừ gì vậy?” Phương Chỉ bất mãn khoanh tay đứng chờ bên ngoài.

“… Không có gì.”

Vali hành lý cuối cùng bị nhét lên xe.

Tay Giang Thì đặt trên vô lăng, hơi do dự: “Phương Chỉ, không biết vì sao, anh thấy mình không thực sự muốn tới Vọng Kinh…”

“Giang Thì!” Sắc mặt Phương Chỉ tối sầm, “Em đã chấp nhận chuyện anh mất trí nhớ, chịu đựng chuyện anh thỉnh thoảng nói linh tinh, giấy tờ thủ tục em cũng làm xong hết rồi, anh sớm không nói muộn không nói… Thôi, em đi một mình!”

“Phương Chỉ, em đừng tức giận, chỉ là anh cảm thấy trong người không thoải mái lắm, chúng ta cùng đi.”

Giang Thì rất sợ cô ấy không cần anh nữa.

Ô tô khởi động, cảnh sắc bên đường từ từ lùi lại phía sau.

Đi ngang qua con phố chúng tôi thường đi mỗi khi tan học, ở đó có một hàng bán bún thịt xay rất ngon, bác bán hàng biết tôi, mỗi khi tôi đưa Giang Thì đến ăn, bác sẽ múc cho Giang Thì một muỗng thịt xay thật đầy.

Đi ngang qua trường trung học chúng tôi từng học, giữa trưa trên sân trường vẫn rải rác vài học sinh, áo khoác buộc ở eo, ăn mặc cà lơ phất phơ.

Những kỉ niệm ấy vẫn rõ ràng sống động trong đầu tôi, nhưng Giang Thì chỉ bình tĩnh lái xe.

Anh ấy không còn cơ hội nhớ đến tôi nữa.

Mắt tôi nhòe nước.

Bỗng nhiên xe phanh gấp một cái.

“Chuyện gì vậy?”, Phương Chỉ giật mình.

Giang Thì ngơ ngác nhìn sang bên trái.

Tôi nhìn theo ánh mắt anh.

Là bà nội.

Dưới ánh nắng chói chang, mặt bà đỏ bừng, người ướt sũng mồ hôi.

Bà mặc một chiếc áo thun thô ráp, trên áo in thông báo tìm người mất tích.

Ảnh chụp trong thông báo ấy chính là của tôi.

Bà khom lưng lấy lòng từng người đang vội vã bước qua, đưa tờ rơi trên tay cho bọn họ, khẩn cầu bọn họ nhận lấy, nhìn một lần thôi.

Đây là cửa một trung tâm thương mại mới khai trương, dòng người qua lại hối hả như nước.

Không có ai dừng lại vì bà chứ đừng nói là nhận tờ rơi.

Bà đứng ở đó, giống như một cục đá cứng đầu giữa dòng nước xiết.

Có một hai người tiện tay cầm tờ rơi rồi lại ném xuống đất.

Bà chậm rãi nhặt hết lên, vuốt phẳng từng tờ rồi đưa cho người sau.

Phớt lờ Phương Chỉ đang la hét phía sau, Giang Thì ngơ ngẩn tháo dây an toàn, hốt hoảng chạy qua đường.

Khi Giang Thì run rẩy hỏi, bác bảo vệ của trung tâm thương mại ngoáy ngoáy lỗ tai.

“Bà ấy à? Cháu gái bà ấy chết rồi, ai cũng biết. Ban đầu bảo là mất tích, vài ngày sau đã tìm thấy x.á.c nhưng đầu óc bà ấy cứ mê mê mang mang vậy đấy.”

“Nói là người ch.ế.t kia không phải cháu gái bà ấy, cháu gái bà ấy chỉ mất tích thôi, ngày nào cũng tới đây phát tờ rơi tìm người.”

“Bà ấy lớn tuổi rồi, cũng đáng thương, tờ rơi mà rớt xuống đất bà ấy luôn nhặt lên ngay, không ảnh hưởng gì đến vệ sinh xung quanh nên tôi cũng mặc kệ.”

“Cháu gái bà ấy tôi cũng biết, rất có tương lai, đang học trường Đại học Cảnh sát, muốn sau này ra làm cảnh sát như bố.”

“Cháu biết con bé à?”

Giang Thì nhìn bức ảnh trên tờ rơi, hai mắt nhanh chóng đỏ hoe.

“Cháu… biết.”
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom