• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full Vạn Dặm Thương Nhớ (1 Viewer)

  • Phần 1

Vạn Dặm Thương Nhớ​





Phần 1


Vạn Dặm Thương Nhớ
Nguyễn Nhật Thương


Chap 1


– Ông bà Tuấn Thoa đâu rồi?


Giọng nói lanh lảnh của thằng Cuội, đầy tớ nhà phú hộ Trịnh vang lên từ ngoài cổng.
Cái Diệp, con gái ông Tuấn đang lúi húi nhóm lửa dưới bếp liền vội vàng chạy lên, vừa nhìn thấy ông bà phú hộ Trịnh đi dẫn trước thằng Cuội, Diệp vội vàng đi lại cúi đầu chào:


– Con chào ông bà, ông bà tìm thầy bu con có chuyện gì ạ?


Trịnh Huấn là phú hộ giàu có nhất làng, ông ta có đến 7-8 sào ruộng đang cho thuê cày cấy, nhà thì khỏi phải nói, to như 1 biệt phủ của quan chúa ngày xưa, rộng gấp mấy lần cái đình làng. Người ở thì nhiều không xuể, một ngày phải chi bao nhiêu khoản tiền mà ông ta vẫn cứ giàu lên mỗi ngày.


– Thầy bu mày có nhà không?


– Dạ thầy con đang ở trong, còn bu con mới ra ngoài chợ rồi.


Vừa nghe vậy, ông Huấn và bà vợ của ông liền đi thẳng vào nhà, thằng Cuội theo sau lúc ngang qua Diệp còn nói nhỏ:


– Mau chạy ra gọi bà bu về nhanh đi!


Diệp không biết có chuyện gì, nhưng cũng có phần kiêng dè ông phú hộ nên gật đầu rồi chạy vội ra chợ.
Dáo dác tìm mãi mới thấy mẹ mình đang ngồi bên cạnh 1 cái mẹt thưa thớt vài bó rau khoai mà đi lại:


– Bu ơi, về nhà nhanh, ông phú hộ đến!


Vừa nghe thế, người phụ nữ mặc chiếc bà ba tối màu với những miếng chắp vá lộ rõ, gương mặt có phần già nua liền hốt hoảng đứng dậy:


– Ông bà phú hộ đến rồi à? Con lại gánh rau về giúp bu, bu chạy ù về cho kịp.


Không đợi Diệp nói gì, bà Thoa đã liền cầm lấy cái nón lá đội đầu rồi chạy thẳng một mạch hướng về nhà.
Cái Diệp khó hiểu đứng gãi đầu, gãi tai sau đó cũng xếp gọn vài bó rau rồi bê mẹt về.


Vừa đi đến cổng, đã nghe thấy ông phú hộ lớn tiếng:


– Xin xỏ cái gì? Khất bao nhiêu lần rồi, nếu không có tiền trả thì bán cái nhà lụp xụp này mà trả đỡ đi, hay muốn ăn quỵt của ông?


– Mong ông thư thư cho vợ chồng con ít hôm nữa, dạo này chồng con ốm yếu, chợ búa bữa được bữa không chứ con nào muốn quỵt của ông?


Cái Diệp đem mẹt rau để xuống bếp nhưng vẫn lắng tai để nghe.
Nhà cô thuộc diện nghèo khó trong làng, mấy năm gần đây ba cô lại sinh bệnh đau xương khớp, không làm được việc nặng nhưng vì miếng cơm manh áo, ông lại làm liều, rồi dẫn đến biến chứng. Má cô phải chạy đến nhà ông phú hộ mượn tiền để chữa bệnh cho ông.
Cái làng này chỉ có ông Huấn mới có tiền để cho mượn, nhưng ông đòi lãi rất cao, má cô bất bí đường cùng nên đành cắn răng vay.
Thời gian đầu còn cáng đáng gánh được, nhưng về sau ba cô sức yếu không còn đỡ đần được, nhiều hôm ốm đau phải cần người chăm nên má con cô phải thay nhau làm.


Diệp cũng là cô gái hiền lành, ngoan ngoãn, hễ trong làng cứ có việc gì, ai thuê cô đều làm tuốt. Mặc dù cô không được đi học hết nhưng trời sinh tư chất cũng thông minh, lanh lợi, nên ai sai bảo gì cô đều hiểu mà làm tốt.


“Khụ….khụ….khụ”


Tiếng ho nặng nề của ông Tuấn vang lên khiến Diệp vội vã chạy lên nhà, thấy ông đang ngồi trên giường cả người gầy quắt queo trong bộ quần áo rộng thùng thình mà đi lại đỡ ông:


– Thầy đang ốm, sao lại ngồi dậy làm gì? Thầy mau nằm xuống đi.


Ông Tuấn không nghe lời cái Diệp, nhìn phú ông lại cầu xin:


– Vợ chồng con đợt này cũng bí, hay là ông xem có thửa ruộng nào còn cần người, ông cho vợ chồng con cày trả công dần.


Lúc này, vợ ông Huấn là bà cả Tú Liên lại nhìn chằm chằm cái Diệp, sau đó ghé tai ông Huấn thì thầm gì đấy, chỉ thấy ông ta cứ gật gật vẻ vừa ý.
Lúc sau, ông Huấn chợt đứng dậy đi qua lại phía ông bà Tuấn Thoa mà nói:


– Bây giờ thế này, nếu ông bà không có tiền trả không thì để con gái trả thay đi.


Vừa nghe vậy, bà Thoa liền vội vàng nói:


– Ông có việc gì cho con bé làm sao ạ?


– Cũng không phải việc gì ghê gớm đâu, là chuyện tốt cho nhà ông bà đấy.


– Chuyện gì vậy ông?


– Như này, tôi sẽ cho phép con gái ông bà gả cho con trai tôi về làm dâu nhà họ Trịnh. Ông bà yên tâm, lễ cưới hỏi nhà tôi lo hết, nợ bao nhiêu tôi sẽ xí xoá, lại còn cho thêm hai người khoản tiền để mà đi chữa bệnh. Các người thấy sao?


Ông Huấn giàu nứt đố đổ vách trong cái làng này, nhưng không ai mà không biết chuyện đứa con trai duy nhất của ông ta mấy năm nay bệnh tật ốm yếu chỉ nằm một chỗ.
Vợ chồng ông nghe lời 1 đạo sĩ trong làng, mấy năm qua cưới về cho con trai mình 3 cô vợ chỉ để xung hỷ nhưng không mấy khả quan.
Người trong làng tuy không dám nói trước mặt ông ta nhưng cứ đồn thổi truyền tai nhau là con trai ông phú hộ mệnh yểu chết sớm, rồi ba cô vợ cũng sẽ thành goá phụ dễ bị chôn theo tuẫn táng.


– Vậy sao được thưa ông? Con bé nhà chúng con còn nhỏ, nó chưa biết gì cả, hơn nữa cậu ấm cũng có 3 mợ rồi.


Nghe vậy, ông Huấn quát lên:


– Ơ hay, tạo điều kiện tốt để cho các người trả nợ mà các người không muốn, thế giờ tính sao?


Ông Tuấn lúc này giọng yếu ớt chen vào:


– Xin ông cho con thư vài ngày thôi, chứ giờ gả con bé vào nhà, chỉ sợ nó nhỏ không hiểu chuyện lại làm phật ý ông bà.


Cái Diệp cứ nghĩ đến việc đi lấy chồng là không muốn, nhưng không dám mạnh miệng chống đối phú ông, cô chỉ đành im lặng ngồi bên không dám ho he.
Bà Tú Liên suốt từ đầu im lặng, bây giờ mới lên tiếng:


– Nếu không đồng ý thì cũng không phải xin xỏ gì cả, nhà các người nợ bao nhiêu thì hôm nay phải trả bằng hết.


Thấy ông bà phú hộ làm căng, thằng Cuội tôi tớ lúc này chen vào:


– Ông bà nghĩ cho kỹ, được gả vào nhà họ Trịnh là điều mà bao cô gái trong làng ước cũng không được đấy. Ở đó được ăn sung mặc sướng, tiền rủng rỉnh tiêu, lại còn có người hầu hạ bên cạnh, sao lại không chịu. Trong chuyện này là gia đình ông bà được hời, chứ ông chủ tôi vừa bỏ tiền, xoá nợ lại nuôi thêm con gái ông bà thực ra là làm phước thôi.


Ông bà Tuấn Thoa nghe vậy lại khó xử suy nghĩ, những lời đổn thổi trong làng khiến họ lo sợ sẽ đưa con gái vào chỗ chết.
Thấy bọn họ im lặng như vậy, bà Tú Liên lại lên tiếng:


– Sao nào? Nhà chúng tôi còn nhiều việc không rảnh rôi ở đây đứng chơi với mấy người đâu. Không gả thì đem tiền ra trả đi.


Ông Tuấn nghe vậy mới lên tiếng:


– Bà cả à, con chúng tôi nó……Khụ…khụ…


Chưa kịp nói hết, một tràng ho dữ dội kéo đến.
Cái Diệp lo lắng vuốt ngực ông:


– Thầy, thầy không sao chứ? Thầy nằm xuống nghỉ đi.


Vừa nói cô vừa đỡ ba mình nằm xuống, nhìn ông quằn quại, đau đớn trong cơn ho kéo dài mà nước mắt đã rưng rưng trực chảy trào ra.
Không biết Diệp nông nổi nghĩ gì lại đứng dậy nói với ông bà phú hộ:


– Con đồng ý gả cho cậu chủ, thưa ông bà!


Vừa nghe thế, bà Thoa đã liền hốt hoảng:


– Diệp, con suy nghĩ kỹ chưa?


Diệp nhìn bà gật đầu 1 cái rồi nói:


– Con gả cho cậu chủ là nhà mình đã xoá được món nợ có làm mấy năm cũng không trả hết. Lại được thêm khoản tiền, bu nhớ lấy nó đưa thầy đi chữa bệnh, chứ cứ để tình trạng thầy thế này con không yên lòng.


Ông Huấn nghe vậy cưới lớn:


– Đấy, con gái của ông bà còn biết suy nghĩ hơn nhiều. Được rồi, các người ở nhà chuẩn bị đi, được ngày được giờ tôi sẽ cho người đến rước.


Nói rồi, ông bà phú hộ cũng trở về, thằng Cuội lẽo đẽo theo sau chân.
Đợi cho đến khi bọn họ đi xa hẳn, ông Tuấn nằm trên giường thều thào nói:


– Diệp, uỷ khuất cho con quá, thầy bu thấy có lỗi với con, nếu con không muốn hay là ta cứ bán cái nhà này đi, trả được đâu hay đó rồi xin ông Huấn khất thêm vài bữa.


Diệp ngồi xuống bên cạnh giường, nhìn ông mếu máo nói:


– Bán rồi thì nhà mình ở đâu, thầy lại đang ốm đau như vậy nữa. Thầy bu đừng lo, gả về đó con sẽ cố gắng theo gia quy nhà họ, hầu hạ cậu chủ tốt, còn nếu đúng như người làng nói, âu thì cũng là cái số con phải chịu.


Nghe vậy, bà Thoa liền chạy đến ôm lấy con gái, 3 người họ cùng khóc trong cái gian nhà lá đơn sơ cũ nát.


Về phần ông bà phú hộ, sau khi trở về nhà, ông Huấn liền sai người ở đi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa.
Bà cả cũng hớt hải đi tìm thầy mo xem ngày giờ tốt để còn xung hỷ.


Thấy người trong nhà nháo nhác chạy qua, chạy lại, mợ Hiền – là cô con dâu đầu của phú ông liền đi lại kéo thằng Cuội hỏi:


– Cuội, nhà có chuyện gì thế?


Thằng Cuội nghe vậy hớn hở nói:


– Cậu chủ cưới thêm mợ Tư thưa mợ!


– Cưới vợ tư á? Con nhà ai thế?


– Con ông bà Tuấn Thoa trong làng ấy mợ. Thôi, con còn có việc phải làm, con đi đã không ông chủ chửi chết.


Nói rồi, thằng Cuội cũng chạy một mạch đi, mợ Hiền lúc này sắc hơi khó coi, lại thở hắt 1 cái rồi nói nhỏ:


– Cưới 3 người vợ rồi cũng có khá lên được đâu mà còn cưới thêm. Đúng là lắm tiền thì hay sinh chuyện.


Lời vừa dứt, một giọng nói khác vang lên phía sau:


– Ông bà Tuấn Thoa chẳng phải là cái hộ nghèo nhất làng sao? Xem ra lại là 1 cô gái hám của không biết lượng sức.


Nghe vậy, mợ Hiền quay người lại, liền thấy mợ Yên ở đấy, khẽ cười nhếch 1 cái:


– Vậy chắc mợ hai tự biết lượng sức?!


Nói xong câu đấy, mợ Hiền cũng bỏ đi, mợ Yên ở đấy hậm hực nhìn theo, mấy ngón tay bấu vào nhau bức bối mà nói:


– Hừ, cứ ra vẻ mình thanh cao lắm, bước chân vào nhà này chẳng phải cũng vì hám tiền sao?


Ai cũng biết mở cả nhà họ Trịnh – con dâu đầu của phú ông cũng là con gái của một điền chủ trong làng. Tuy không giàu sụ như nhà họ Trịnh nhưng cũng xem là có của để riêng, 3 đời không phải lo.
Ấy thế mà không hiểu sao khi nhà phú ông treo tin tuyển dâu để xung hỉ thì mợ Hiền lại là người chủ động đến xin được gả.
Trong 3 cô con dâu thì mợ ta là người được ông bà chủ ưng ý nhất, cũng vì cái gia thế của gia đình mợ xếp vào hạng bá hộ trong làng.


Cô con dâu thứ hai là mợ Yên, chỉ là con gái của một tá điền, ba mẹ mợ ta cày ruộng thuê cho ông Huấn, biết gia thế nhà ông chủ, mợ ta muốn được đổi đời nên ra sức xu nịnh ông bà chủ, xui khiến thế nào lại được ông bà đưa về làm dâu thứ.


Còn cô thứ ba, là mợ Đoan, cô này là con gái của 1 nông phu bình thường. Mợ Đoan được cưới về là do lời của vị đạo sĩ mà ông Huấn nhờ, nghe nói là hợp tuổi, hợp mệnh, hợp tướng số gì đó.


Vậy xem ra, sắp tới trong 4 cô con dâu nhà phú ông, thì Diệp là người có gia thế thấp kém nhất.
Nói là cưới về để xung hỷ cho con trai, nhưng thựa ra chuyện gia thế cũng quyết định vị trí thế nào trong nhà phú ông.


Lúc này, ông Huấn đẩy cửa 1 căn phòng lớn bước vào, liền thấy cậu Đăng – con trai mình đang ngồi dựa thành giường đọc sách, ông liền vội vã đi lại kéo rèm cửa xuống, căn phòng trở nên tối tăm mà nói:


– Ai lại kéo rèm lên thế này?


Cậu Đăng nghe vậy bỏ quyển sách xuống mà yếu ớt trả lời:


– Là con bảo cái Sen kéo lên đấy, con muốn đọc sách 1 lúc.


Nghe thế, ông Huấn liền đi lại giật quyển sách trên tay cậu:


– Trời đất, đạo sĩ nói là con phải nên tránh ánh sáng mặt trời, cũng nên nằm nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt sao không chịu nghe lời?


Cậu Đăng sắc mặt có phần nhợt nhạt, nhưng nét nào ra nét ấy, khuôn mặt trông thư sinh tuấn tú, lại mang vài phần công tử hào hoa, từ nhỏ được sống trong nhung lụa nên sự cao sang cũng vận vào khí chất. Tuy ốm yếu nhưng nhìn cậu vẫn đẹp mê hồn.


– Thầy đừng nghe lời của gã đạo sĩ đấy nữa, toàn mê tín vớ vẩn. Sức khoẻ của con thế nào con biết, mấy năm qua nghe lời ông ta, cái gì cũng làm, đến cưới vợ xung hỉ cũng 3 lần mà thầy thấy có gì thay đổi không?


Vừa nghe vậy, ông Huấn lại cười nói:


– Đạo sĩ nói rồi, cứ làm vậy bệnh ắt tự khỏi. Ngày mai thầy lại xung hỉ tiếp cho con, nên hôm nay con phải nghỉ ngơi cho tốt, mai gắng sức ra còn lễ bái.


Nghe thế, cậu Đăng khẽ nhăn mày:


– Thầy lại cưới vợ cho con?


– Phải, con bé Diệp lần này tuy gia thế không có nhưng được cái xinh xắn, lanh lợi. Ta với má con vừa nhìn con bé đã thấy khởi sắc, lần này chắc chắn con sẽ khỏi bệnh.


– Thầy đừng có mê tín nữa, bệnh không dùng thuốc thì làm sao mà khỏi được? Đã 3 người rồi, đừng làm liên luỵ đến con nhà người ta nữa.


– Ơ, thế nào là liên luỵ, được gả vào nhà này có mà cầu không được đấy. Thôi, con không phải lo gì cả, cứ nghỉ ngơi cho tốt là được.


Nói rồi, ông Huấn cũng đi vội ra ngoài, cậu Đăng ở đấy chỉ biết thở dài bất lực.
Cậu quá hiểu tính khí của ba mình, ông muốn làm gì thì nhất quyết phải làm cho được, mà không được là ông sẽ trút giận lên người khác.


Còn nhớ lúc mợ hai được gả về, cậu Đăng không chịu ra mặt làm lễ cưới, ông Huấn tức giận liền đánh mợ hai, nói mợ là điềm xấu của nhà họ Trịnh.
Biết chuyện, cậu lại phải ra mặt, bản thân cậu mang bệnh, vốn dĩ không muốn làm liên luỵ đến cô gái nào, nhưng thấy ba cậu trút giận xuống mợ hai, cậu lại thấy day dứt nên đành phải nghe theo.
Rồi cứ thế lại đến mợ ba được gả về trong sự có mặt miễn cưỡng của cậu Đăng, và đến giờ lại là mợ tư.


Nói là cưới về xung hỉ nhưng thật ra sau hôm cưới, phòng ai người đó ở, có khi cả 3 mợ cậu gặp mặt số lần chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mà họ đối với cậu cũng chẳng phải là có tình gì, có mợ cả thi thoảng còn hỏi han đến cậu, còn lại đều đất ai người đó sống.


Bản thân cậu cũng không quan tâm đến họ lắm, không tiếp xúc nên không có gì để bận lòng, chỉ là bọn họ vì cậu mà phải mang cái danh gái có chồng, vợ lẽ nhưng thực chất lại không phải như vậy nên cậu mới thấy day dứt.


Cậu Đăng có chút chán nản chỉ biết nhắm mắt thở dài, cảm thấy bản thân vô dụng, đã không làm được gì còn ảnh hưởng đến người khác. Lắm lúc bệnh trở nặng, cậu chỉ muốn có thể chết sớm 1 chút cho đỡ cực.


Chỉ là có 1 điều cậu không đoán trước được, lần xung hỉ này, lại khiến cậu thương nhớ một đời không nguôi.


Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ . Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom