• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full Ván bài lật ngửa (1 Viewer)

  • Ván bài lật ngửa - Phần IX - Chương 20 phần 1

P9 - Chương 20


Việc mà Luân và Dung linh cảm sẽ đến đã đến. Jones Stepp và Saroyan rời Sài Gòn theo lệnh của Bộ Quốc phòng Mỹ, với lí do “Thiếu tướng Jones Stepp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Việt Nam Cộng hòa” và đồng thời vinh thăng lên Trung tướng. Cái không bình thường là hạn kì rời Sài Gòn của trung tướng – trong vòng ba hôm.


Jones Stepp không tỏ ra bối rối trước quyết định của Chính phủ Mỹ, hình như ông đã biết từ lâu. Mời Luân đến nơi làm việc, Jones Stepp tỏ vẻ hài lòng thời gian gian ông có mặt ở Việt Nam. Cuộc trao đổi bên ngoài coi như rất cởi mở nhưng mỗi bên đều thăm dò lẫn nhau.


- Tình hình Nam Việt tất nhiên là xấu, có thể đi đến chỗ tồi tệ nữa. Song, xét về chức trách cá nhân tôi cố gắng hết mức. Tổ chức tình báo quân sự do tôi lãnh đạo đạt nhiều kết quả hơn tôi hi vọng, và nếu tình hình không ổn thì rõ ràng do ngươi ta chưa biết sử dụng các kiến nghị của tôi và do nội bộ chính trị xứ này quá phức tạp... Tôi cảm ơn đại tá về tình cảm dành cho Saroyan và tôi cũng như về những đóng góp của đại tá vào chính sách chung của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Đại tá dự định sẽ làm gì trong tương lai?


- Người cần phải cảm ơn tướng quân là tôi. Tình bạn mà tướng quân và phu nhân không ngừng thể hiện với tôi và nhà tôi khiến tôi xúc động. Trong tương lai, tôi làm gì? Tôi là một quân nhân và sẽ theo sự điều động của cấp trên...


- Rất tiếc tôi không ở Sài Gòn nữa và càng tiếc hơn tôi sẽ nghỉ hưu khi về đến Mỹ, nên không thể cộng tác với đại tá. Dù sao, tôi không bao giờ quên đại tá và khi cần, đại tá và phu nhân báo với chúng tôi một tiếng, lập tức đại tá sẽ được hỗ trợ của chúng tôi, dĩ nhiên, với tư cách riêng. Tại sao đại tá không vận động ra đơn vị, nơi đó phù hợp với thói quen năng nổ của đại tá.


Luân cười:


- Tôi không bao giờ vận động cho mình một cái gì đó.


- Nhưng bạn bè của đại tá rất thích đại tá cầm quân.


Luân nhún vai:


- Chúng ta là quân nhân và quân nhân cần kỉ luật...


Mắt của Jones Stepp ánh lên một thoáng giễu cợt:


- Đúng... tôi đồng ý. Tôi sẽ không cần giới thiệu đại tá với người tiếp nhiệm tôi. Ông James Casey chẳng lại gì với đại tá – ông ta cũng vừa được thăng đại tá. Tôi không được ủy quyền thay mặt cho nước Mỹ nói mấy lời sau đây, song tôi nghĩ bổn phận buộc tôi phải nói: Nước Mỹ tự hào có ở đây những người bạn tốt như đại tá.


Saroyan đến nhà Luân. Cuộc chia tay thật buồn.


- Ai biết được cái gì sẽ xảy ra với anh Luân, Thùy Dung và bé Lý... Tất cả đều kì quặc. James Casey thành thạo mọi thứ và tôi rất lo. – Saroyan ngập ngừng, liếc Dung – Gã thuộc hạng dâm đãng... Ngay với tôi, hễ có dịp là hắn sỗ sàng...


- Cái đáng lo không phải từ gã James Casey đâu. – Luân bùi ngùi bảo Saroyan... - Cuộc tranh giành ghế bất kể sống chết từ khi ông Diệm chết, đến đỉnh cao. Người Mỹ, qua thí nghiệm, đang sửa soạn tốp kéo cỗ xe mới và họ quyết định chơi một canh bạc lớn, thậm chí lớn hơn canh bạc Triều Tiên. Vai trò của Jones Stepp chấm hết, dù Saroyan ở lại hay về Mỹ, tình hình vẫn không thay đổi.


- Anh lo lắng điều gì? – Saroyan hỏi.


- Tôi và Dung mến Saroyan. Chúng ta gần như cùng một nhà với nhau. Tôi nhớ lại, có lần Saroyan nói rằng ở lâu trên mảnh đất này, Saroyan hiểu thêm và kính trọng thêm dân tộc chúng tôi. Một dân tộc như thế mà bị vùi dập bằng bom, bằng pháo, bằng hàng trăm nghìn quân ngoại quốc. Saroyan có thấy nỗi bất công, nỗi đau không? Tại sao? Tại sao người ta nhất quyết bắt dân tộc chúng tôi phải sống theo mẫu của người ta? Tôi bất lực ngăn ngừa thảm họa đó...


- Em hiểu. Nhưng, nếu anh cho phép, em có lẽ khuyên: anh bất lực với cả một ý đồ khó mà cưỡng lại nổi, song lẽ nào anh không đủ sức bảo vệ anh, Thùy Dung và bé Lý? Điều đó chẳng khó khăn mấy, thậm chí dễ dàng nữa...


- Saroyan khuyên tôi khom lưng làm ngựa à?


- Không! Không đời nào! Em trọng anh và dù có mặt Thùy Dung ở đây, em cũng không giấu em yêu anh... vì anh không chịu khom lưng. Tại sao anh không xin giải ngũ và sống ở nước ngoài?


- Saroyan! Em hiểu cho anh, anh ghét thói khom lưng ngang thói đào ngũ...


- Anh đâu có đào ngũ? Anh đã phục vụ hết mình và anh có quyền nghỉ ngơi...


Dung nãy giờ lặng lẽ theo dõi cuộc đối thoại, chợt lên tiếng:


- Saroyan, mỗi người có một lí do riêng. Cám ơn Saroyan quan tâm đến chúng tôi. Nhưng, Saroyan yên tâm. Chúng ta biết cư xử thế nào cho phù hợp...


Bữa cơm tiễn biệt không có lấy một tiếng cười.


- Anh đã từng cứu mạng sống em, suốt đời em không quên... Em nghĩ cách trở lại Sài Gòn... - Saroyan nói.


Luân hốt hoảng:


- Chớ! Saroyan đừng li dị Jones. Nguy hiểm lắm.


- Và tai tiếng nữa – Dung thêm vào.


- Nguy hiểm? Tai tiếng? Em đâu cần. Em cần cái khác chỉ có anh, Thùy Dung mới giúp em đủ can đảm mà sống. Tại sao em không thể sống có ích hơn?


- Bất kể như thế nào, tôi van Saroyan đừng trở lại đây... – Luân nói thiểu não.


- Đó là quyền của em... Thôi, ta từ biệt. Chúc may mắn.


Saroyan vào phòng, hôn bé Lý, trở ra hôn Dung thật lâu rồi hôn Luân – nước mắt đầm đìa.


Vợ chồng Saroyan lên máy bay được hai hôm thì Luân đựoc công lệnh: bổ nhiệm là Tùy viên Báo chí của tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ.


Nhận công lệnh, Luân gặp Quốc trưởng Phan Khắc Sửu; vị quốc trưởng ngớ ra: Tại sao điều động người phát ngôn của Quốc trưởng mà không tham khảo Quốc trưởng lấy một tiếng?


Luân thấy không cần trao đổi với Phan Khắc Sửu – ông ta vẫn có thể nhận một công lệnh tương tự!


- Tổng trưởng Ngoại giao Phạm Đăng Lâm kí công lệnh à? – Sửu hỏi.


Luân biết Phạm Đăng Lâm chỉ là cái máy kí, nơi quyết định là ở chỗ khác.


- Chắc họ thấy tôi nghe lời đại tá trong một loạt vụ hủy bỏ án tử hình, thả sinh viên học sinh bị bắt nên muốn đẩy đại tá đi xa. Thôi, đại tá cứ thi hành, tôi sẽ bàn lại với ông Hương...


Hẳn là Phan Khắc Sửu chẳng bao giờ bàn lại với ông Huong. Trong đầu Luân, một kế hoạch hành động hiện rõ dần.


Dung không đi theo Luân. Tổng giám đốc cảnh sát quốc gia Trần Thanh Bền dứt khoát bác bỏ đơn xin nghỉ việc của Thùy Dung:


- Bà chưa thể nghỉ, dù nghỉ có thời hạn... Bao giờ tôi thôi nhiệm vụ Tổng giám đốc, lúc đó sẽ tùy bà...


Luân chào tướng Dương Văn Minh tại nhà riêng.


- Thưa đại tướng...


Luân chưa nói hết câu, Big Minh đã ngăn anh:


- Đừng gọi tôi là đại tướng... Tôi không nhận cấp bậc đó, đại tá hiểu từ lâu...


- Thưa trung tướng, – Luân sửa cách xưng hô – Tôi trình với trung tướng tôi được lệnh sang Mỹ, làm Tùy viên Báo chí Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa...


Tướng Minh không tỏ một chút ngạc nhiên:


- Vậy đó! Tướng Khiêm đi, bây giờ anh. Và, sắp tới, tôi cũng đi, lần này giống anh, đi luôn!


- Làm sao đi luôn được, thưa trung tướng?


- Ờ... Nhưng, họ nắm quyền...


- Ta đành chịu mãi số phận cá nằm trên thớt hay sao?


Tướng Minh nhìn Luân mệt mỏi:


- Không chịu cũng không được! Ngay mấy bạn của tôi nay chỉ đóng vai trò hụ hợ... Cỡ ông Đôn mà trợ lí cho ông Nguyễn Khánh thật tức cười... Anh có biết ông Hinh sang Pháp làm chức gì không?


Luân không theo dõi việc này nên lắc đầu.


- Nguyễn Văn Hinh, bạn của ông Đôn, hàm tướng 4 sao Pháp, tư lệnh không quân Pháp kiêm Tổng tham mưu phó!


Trong cách nói của tướng Big Minh, Luân tìm thấy nhiều ẩn ý: Người Pháp biết trọng dụng nhân tài hơn người Mỹ, loại tướng lĩnh do Pháp đào tạo giỏi hơn loại tướng lĩnh do Mỹ đào tạo...


Luân thở dài. Anh mong chờ một Dương Văn Minh khác.


- Thưa trung tướng, nghe tin ông Dương Văn Nhựt đang cầm quân...


Tướng Minh không phản ứng gì cả, nói rất bình thản:


- Gia đình tôi chia làm hai xu hướng. Chú Nhựt theo Việt Minh từ ngày đầu. Tôi không giống chú Nhựt... Đó là chuyện mấy chục năm qua...


- Còn bây giờ? – Luân hỏi, hơi lộ liễu.


- Bây giờ, có lẽ chú Nhựt đúng... Việt Minh, Việt Cộng có cái gì đó như lí tưởng. Còn tôi, anh nhiều bạn bè, chúng ta có cái gì?


- Nếu người Mỹ mời trung tướng ra làm Quốc trưởng, trung tướng có chấp nhận không?


Tướng Minh cười, cái cười vừa hộc hạc vừa chua chát:


- Lúc này, Mỹ không nghĩ đến tôi đâu. Nếu họ nghĩ đến tức là tách tôi khỏi Nam Việt. Họ đang thí nghiệm một lí thuyết và tôi phản đối. Tôi đã gặp tướng Taylor, khuyên ông ta thận trọng. Chết hàng triệu người không phải chuyện chơi. Mỗi ngày nghe tin chiến sự gia tăng tôi buồn lắm. Taylor hỏi tôi chịu ném bom miền Bắc không, tôi lắc đầu: ném bom ở đâu cũng không được.


- Nhưng, theo tôi biết, ông Trần Văn Hương đồng ý...


- Ồ! Ông Hương là thầy dạy tôi, nhưng ông tìm lối đi khác tôi, ông muốn tiêu diệt Cộng sản, cả Cộng sản miền Bắc. Ông thích làm lãnh tụ, nhưng...


- Xin nghe trung tướng...


- Nhưng ngày cái ghế Thủ tướng của ông cũng chẳng vững vàng gì. Ông hạ thấp mình trước Nguyễn Khánh...


- Trung tướng có nhiều bè bạn, anh em, học trò, cấp dưới đang nắm quân... - Luân gợi ý chẳng lấy gì làm khéo.


- Anh, Đại tá Nguyễn Thành Luân, cũng có nhiều bè bạn, anh em, học trò, cấp dưới đang nắm quân. Anh làm được cái gì? Trừ khi anh là Tổng thống Mỹ hoặc đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Tôi không ưa lối làm lơ lửng của anh Dương Văn Đức, Lâm Văn Phát.


- Thưa trung tướng, tôi biết trung tướng rất quả quyết trong vụ 1-11-1963.


- Cám ơn anh, nhưng anh phải trừ cho tôi tội giết anh em ông Diệm...


- Trong tương lai, trung tướng sẽ làm gì?


- Sẽ gặp anh ở một nước nào đó, ngoài Việt Nam Cộng hòa!


Tướng Dương Văn Minh rõ ràng thối chí, bi phẫn. Luân từ giã “thần tượng 1-11-1963” và đến gặp Nguyễn Khánh.


- Tôi biết quyết định cử anh là Tùy viên Báo chí tại Mỹ. - Nguyễn Khánh nói liền – Quyết định đó do áp lực của tướng Thiệu và Kỳ. Anh chịu khó một thời gian, rồi đâu sẽ vô đó...


- Liệu “đâu sẽ vô đó” không? – Luân cười mỉm.


- Ờ! Thì nói vậy... Biết ngày mai ra sao? Tôi đang được thổi lên mây đây. Nhưng, có khi tôi gặp anh ở Mỹ... Huê Kỳ mà! Họ làm chính trị y như trên phim, biến các cấp chức y như Garry Cooper, cần giật gân thì rút hai khẩu Colt 45 bắn lia lịa...


- Nhưng đại tướng...


- Trời đất! Đại tướng ăn thua mẹ gì, Chủ tịch cũng chẳng ăn thua mẹ gì. Tụi nó điếm đàng lắm. Tôi hơi chậm hiểu...


- “Tụi nó” là ai?


- Trời đất! Anh còn hỏi đố tôi. Thằng Thiệu, thằng Kỳ, chớ ai!


- Nhưng, hai người đó khó hợp tác với nhau lắm...


- Đúng, rồi hai đứa nó sẽ lôi ông bà ông vải ra chửi nhau, trong khi trước mặt, hai đưa phải ngoi lên cái đã.


- Còn tướng Nguyễn Chánh Thi nữa?


- Ối! Thằng bá láp. Đại xạo. Nó không nằm trong thực đơn của Mỹ đâu.


- Đại tướng căn dặn gì tôi trước khi tôi sang Mỹ?


- Căn dặn anh là kiếm cho tôi một tiệm ăn nào đó để tôi sang có chỗ mà sống!


- Đại tướng bi quan quá!


- Kép hát nào cũng chỉ một thời ăn khách. Tôi tính toán rồi, bọn Mẽo xài tôi bấy nhiêu thôi...


- Và đại tướng cam chịu số phận?


- Không cam chịu thì làm cái gì? – Anh có một cái đầu để Mẽo suy tính cách đối phó với anh. Tôi thua anh xa quá!


Luân không nói nhiều với Dung. Hai vợ chồng biết rõ bước ngoặt trong đời họ bắt đầu.


- Cố liên lạc với A.07, báo cáo... - Luân dặn.


- Anh nên tin cho anh Nguyễn Thành Động, Lưu Khánh Nghĩa, cả anh Lâm biết anh ra đi...


- Báo chí sẽ công bố. Anh đề nghị báo công bố... Anh lo cho em. Có gì bất trắc, nên vào khu ngay...


- Anh yên tâm. Em đủ sức đương đầu với mọi bất trắc. Nhất là em biết chúng ta xa nhau chẳng bao lâu.


Luân ghì vợ vào lòng, hôn thắm thiết. Đó là đêm cuối cùng của Luân và Dung trên chiếc giường quen thuộc, vương hơi của cả hai gần mười năm...


*


Thông cáo của Bộ Ngoại giao:


Chính phủ Việt Nam Cộng hòa vừa cử Đại tá Nguyễn Thành Luân làm Tùy viên Báo chí tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.


*
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom