• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Hot Truyện ngôn tình thầy trò (1 Viewer)

  • Ký ức độc quyền - Chương 12 - Phần 1

Chương 12


Anh yêu em


1


Trong ngày hội diễn đầu tiên, trường đã thêm vào khẩu phần ăn cho sinh viên một món cá, vì vậy giống như đang ăn một bữa tiệc chia tay vậy. Sau bữa tối, mọi người đều về phòng, thu dọn đồ đạc, bởi vì ngày mai, sau buổi hội diễn, mọi người sẽ quay về thành phố.


Có vài đứa trẻ bắt đầu đa cảm, cứ quấn lấy huấn luyện viên đòi ca hát, chuyện trò. Vài đứa còn kéo áo thầy huấn luyện, xin số điện thoại và địa chỉ nhà. Nhưng nhà trường có quy định không được để lại bất kỳ phương thức liên lạc nào với sinh viên, do đó thái độ của họ rất dứt khoát.


Một vài nữ sinh van nài tôi đi xin giúp.


Hôm ấy lại đúng là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, bụng tôi đau dữ dội, lại còn bị nhiễm lạnh nên cổ họng tôi có chút khó chịu. Trong lúc đang một mình chịu đựng và đau đầu bởi đám nhóc con này cứ bám lấy thì Mộ Thừa Hòa gọi tới, chắc là anh muốn báo với tôi anh đã về đến nhà.


Tôi cười cười, nói với học trò: “Được rồi, được rồi, để cô nghe điện thoại xong rồi nói tiếp, được không?”


“Im lặng! Bạn trai của cô Tiết gọi điện.” Một cô gái có biệt danh “Đường Đường” nói lớn, sau đó còn ra dấu “suỵt” bảo mọi người yên lặng.


Cô bé không nói còn đỡ, gào lên như thế càng khiến cho mọi người cùng trêu ghẹo.


“Ối ối, cô Tiết của chúng ta không phải còn độc thân sao?”


“Tiêu rồi, đêm nay có nhiều bạn nam bị thất tình rồi.”


“Cô Tiết, tim của chúng em đang rỉ máu.”


Tôi vừa tỏ ý ra hiệu cho lũ nhóc nói nhỏ thôi, vừa mỉm cười ấn nút nghe.


“Đủ rồi, đủ rồi, đừng làm ồn. Sư mẫu và sư công[39] giận bây giờ!” Đường Đường lại hét to lên.


[39] Sư mẫu và sư công: tên gọi vợ/chồng của sư phụ (người thầy của mình), đây là cách gọi cổ của người Trung Quốc.


Mộ Thừa Hòa đúng lúc nghe được câu cuối cùng, bèn hỏi: “Sư công?”


“Hay anh muốn được gọi là sư mẫu?” Tôi hỏi lại.


“Trước đây anh nghe có người gọi là sư trượng[40]nữa.” Anh nói rất nghiêm túc.


[40] Chữ “trượng” có nghĩa là “chồng”.


“Gì mà lung tung vậy?”Tôi không nhịn được cười, chạy về phòng mình, đuổi hết tụi nhóc ra ngoài rồi đóng cửa lại.


“Còn nhớ lúc trước có người gọi anh là tổ sư gia, không ngờ hai năm sau lại bị giáng cấp.” Nói xong thở dài đánh thượt.


“...” Cái người này, đúng là đã được ăn còn được nói.


Đám sinh viên bên ngoài vẫn chưa chịu rời đi, tôi đành nói vội vài lời rồi cúp máy.


“Không có gì ghê gớm.” Đường Đường đứng nghe trộm nãy giờ thở dài tiếc nuối.


“Đúng đó, đúng đó.”


“Chí ít cũng nên “chụt” một cái chứ!”


“Biến mất trong vòng ba phút cho tôi!” Tôi ra oai.


Đợi khi bọn chúng đã đi cả rồi, tôi lại nhìn điện thoại trong tay, tôi muốn hỏi anh, đêm nay ở nhà một mình nếu sợ hãi thì phải làm sao. Đắn đo giây lát, cuối cùng tôi không gọi, đặt điện thoại xuống bàn rồi ra sân xem họ tập luyện đêm.


Tuy nói đây là đêm cuối cùng, mọi người phải tập luyện để chuẩn bị cho hội diễn ngày mai, nhưng thực ra giáo viên huấn luyện của mỗi đội tập hợp đội hình của mình lại, cho họ ngồi hát.


Tôi đi lấy nước suối chia cho các thầy huấn luyện. Lúc này cả nhóm người như túm được tôi.


“Cô Tiết cũng hát một bài đi!”


Tôi cười cười lắc đầu, trốn ra phía sau đội hình, ngờ đâu bên này nghe thấy động tĩnh cũng liền bảo tôi hát.


Tuy tôi là vua hát hò nhưng trước mặt bao nhiêu sinh viên thế này, tôi làm gì có khả năng xem như không có ai, mọi người nói kiểu gì tôi cũng không chịu! Nhưng tôi càng không chịu thì mọi người càng nài ép, đúng lúc này, một lính gác chạy vào, đứng từ xa gọi to.


“Cô Tiết ơi, ngoài cửa có một người đến tìm, nói là người nhà của cô.”


Doanh trại có quy định, bất kỳ người ngoài nào cũng không được vào, vì thế cho dù là người thân hay gì gì đi nữa cũng không được phép, chỉ có thể gọi điện thông báo trước hoặc để sĩ quan huấn luyện ra xem là ai, sau đó mới cho ra ngoài một lúc. Có lúc không tìm được sinh viên đó thì cũng không có cách nào giải quyết.


Người lính gác này tính tình rất tốt, cũng khá thân với tôi, thường xuyên xách đồ giúp tôi, thật không ngờ hôm nay còn chạy vào đây để thông báo.


Nhưng mà giọng cũng lớn quá chăng?!


“Người nhà?” Tôi ngượng ngùng lẩm bẩm. Tôi làm gì có người nhà ở đây?


Thật không ngờ tai của người này lại thính đến vậy, liền vội giải thích: “Cậu ấy nói là người nhà của cô, tôi cũng không rõ là ai nữa. Tóm lại là con trai, độ gần ba mươi tuổi.”


“Chắc chắn là sư công của chúng ta rồi!” Một nam sinh đứng dậy nói lớn.


“Ha... ha...” Cả bọn cùng cười.


Mặt tôi thoáng chốc đỏ ửng, cùng người lính gác đi rẽ ra phía cổng, quả nhiên nhìn thấy Mộ Thừa Hòa đang đứng đợi bên ngoài cửa lớn.


Anh đứng trong bóng tối, phía trước xe của mình, vóc dáng cao lớn, mạnh mẽ, rắn rỏi, trông như cây thông xanh rì kiêu ngạo đứng trong gió rét, giản dị, cao quý, không có gì cản ngăn được sự sinh trưởng của nó, tiếp tục vươn cao thẳng tắp, chạm tới mây xanh.


Anh đi vài bước về phía tôi, ánh đèn dần dần soi rõ từng đường nét trên gương mặt.


Tôi vẫy vẫy tay với anh.


Anh thấy vậy, liền gật đầu cười rồi đứng yên chờ tôi đi đến, trầm tĩnh, ôn hòa, như nước như ngọc.


Khi từ trong doanh trại đi ra, tôi vốn cũng chỉ đi với tốc độ bình thường, nhưng nhìn thấy tình cảnh này, lại không vững vàng được nữa, co chân chạy về phía Mộ Thừa Hòa.


Có điều, hai người đứng trước cổng như thế cũng không hay lắm.


Xung quanh đây đồng không mông quạnh, nhưng tôi và Trương Lệ Lệ đã khá quen thuộc với địa hình nơi này nên tôi dắt Mộ Thừa Hòa đến sát đường quốc lộ.


Ở đây rất vắng, ngoại trừ thỉnh thoảng có một chiếc xe chở hàng chạy qua, còn không cũng chẳng có ai qua lại. Trời tối thế này, nếu không phải có Mộ Thừa Hòa ở đây thì một mình tôi đến cửa lớn cũng chẳng dám bước qua nữa là.


Hai chúng tôi cứ thế dạo bước trên đường, còn dàn hàng ngang nữa.


Anh đi bên ngoài, tôi đi bên trong.


Vai của anh cao hơn vai tôi, vì thế hai chúng tôi... không thể gọi là vai kề vai.


Đối diện với anh như thế này, trong lòng tôi bỗng chốc như tĩnh lại. Tại sao anh lại nói với người khác là người nhà của tôi, mà không phải là người yêu hay bạn trai? Tính khí trẻ con của tôi lại không nghe lời sai bảo, đột nhiên xuất hiện trong đầu và tính ương ngạnh lại bắt đầu giở quẻ không lý trí.


“Sao không gọi điện cho em trước?” Tôi hỏi.


“Gọi rồi, không có người nghe.” Anh giải thích.


Tôi thọc tay vào túi áo, chính xác là không mang theo điện thoại.


“Em bị cảm sao?” Anh hỏi.


“Ừm, hơi nghẹt mũi.”


“Cổ họng có đau không?”


“Không đau.”


“Nếu biết trước thì anh mang thuốc cho em rồi.”


“Em có mang thuốc dự phòng. Hơn nữa, ở đây có bác sĩ mà.” Không cần anh tốt bụng vậy đâu.


“Vậy lát nữa về nhớ uống thuốc đấy, nếu không khỏi thì phải tìm bác sĩ.” Anh nói.


“Chuyện của em, em tự biết lo.” Tôi chặn ngang câu nói của anh.


Anh càng quan tâm đến tôi như thế, tôi càng cảm thấy hình như anh đang thiếu tự tin, không kiềm chế nổi tôi đi cách anh ra một chút, để ở giữa hai chúng tôi có một khoảng trống.


“Tiết Đồng.”


Tôi ậm ừ một tiếng.


“Em đang giận anh sao?” Anh hỏi.


“Không có.” Tôi không chịu thừa nhận.


“Em không thích anh đến thăm em?”


“Không phải.”


“Anh đã làm sai chuyện gì?”


“Không có.”


Mộ Thừa Hòa khẽ thở dài.


Không biết là người này đã thật sự tin lời tôi nói hay sao mà không nói thêm lời nào nữa.


Trong lòng tôi càng thêm bực bội. Tôi nói không giận là thật sự không giận sao? Chỉ số EQ của anh thấp đến vậy sao? Không nhìn ra được nỗi lòng của con gái sao? Không biết tự kiểm điểm sao? Không thể dỗ dành tôi một chút sao? Suy nghĩ như thế, tôi càng đi càng nhanh hơn, chẳng bao lâu để lại một mình Mộ Thừa Hòa đi phía sau, và rồi bụng tôi chợt đau thắt lại, không đi thêm được nữa.


Anh bước tới gần, như đã phát hiện ra sắc mặt tôi hơi khác lạ: “Em sao thế?”


“Đau bụng.” Tôi đáp.


“Vậy hãy mau về nghỉ ngơi, đừng đi nữa.”


“Ừm.” Tôi nói.


“Đi ngược lại đường cũ à?”


“Bên này có một đường tắt, đi hết đoạn này sẽ tới nơi.” Tôi tiếp tục đáp.


Anh nhìn con đường bên cạnh chưa được đổ bê tông toàn là đất đá, liền nói: “Để anh cõng em.”


Tôi rất ngạc nhiên: “Em làm gì mà yếu đuối như vậy. Đi chầm chậm là được.”


Không chờ anh nói thêm, tôi liền nhảy qua cái cống nhỏ, nhảy đến con đường nhỏ bên kia. Một loạt các động tác tôi vừa thực hiện khiến tôi cảm thấy trong cơ thể có một luồng khí nóng đang muốn trào ra.


Bụng dưới bỗng nhiên co thắt, đau đến nỗi khiến tôi khó đứng thẳng người.


Anh vội chạy đến bên tôi, cúi người xuống, lại nói: “Mau leo lên, anh cõng em.” Hình như anh có vẻ giận rồi.


Nhưng tôi vẫn đứng yên một chỗ, không động đậy.


Còn tưởng rằng chúng tôi sẽ đứng đực ra đấy thêm một lúc nữa, không ngờ anh đột nhiên nói: “Có phải anh càng khó chịu thì em càng vui phải không?”


“Em không có.”


“Em không có sao?” Mộ Thừa Hòa thấp giọng phản bác lại tôi. “Rõ ràng em biết rằng chỉ cần em không vui, hoặc cảm thấy không khỏe thì anh sẽ đau lòng, nhưng em vẫn cứ cứng đầu như vậy.”


“Em không có, không có, không có.” Tôi lại bắt đầu hồ đồ.


“Tiết Đồng, nếu em ghét anh, em có thể dùng cách khác để chọc giận anh, nhưng em đừng tự hành hạ bản thân mình.” Anh cúi thấp đầu nhẹ nhàng nói.


“Em đâu có ghét anh!” Tôi lập tức phản bác.


Gương mặt anh vẫn mang vẻ âm u, anh không đáp lại lời tôi.


Tôi chợt cảm thấy uất ức: “Em ghét anh hồi nào? Em đâu có... Em chỉ cảm thấy trong lòng rất khó chịu, và thủ phạm làm cho em cảm thấy như vậy chính là anh, nên em muốn anh cũng phải khó chịu, ngờ đâu... ngờ đâu thấy anh khó chịu, tim em lại như bị dao cứa vậy, càng đau đớn hơn.”


Trước khi quen biết Mộ Thừa Hòa, tôi không thích khóc. Nhưng khi nói hết những lời này, tôi cảm thấy mình vừa ngốc lại vừa buồn cười, nhớ lại những lần trước khi cố tình chọc giận anh, nước mắt tôi đột nhiên lại thi nhau rơi xuống..


Mộ Thừa Hòa thấy vậy, vội ôm tôi vào lòng, thì thầm: “Đang yên đang lành mà, sao lại khóc rồi. Cũng tại anh hết, tại anh cả. Em nói gì cũng được, anh không giận, anh không đau lòng nữa...”


Anh nhận hết lỗi về mình, giống như là nuông chiều dỗ dành tôi vậy.


Đã sống hai mươi mấy năm rồi, chưa bao giờ có người chiều chuộng tôi như vậy.


Lúc nhỏ, mỗi khi tôi khóc, mẹ sẽ bực dọc, bà nội sẽ mắng tôi luôn là người làm cho người khác thất vọng. Tôi không giống những đứa trẻ khác, hễ khóc là sẽ được những gì mình muốn. Dần dần, tôi không thích khóc nữa, vì vậy, tôi chưa bao giờ xem nước mắt là vũ khí hay là thứ gì đó quý giá của mình.


Nhưng lúc này đây, với Mộ Thừa Hòa, lại hoàn toàn khác biệt.


Anh ôm tôi thật chặt, giống như nước mắt của tôi chính là đòn chí mạng đánh vào điểm yếu nhất của anh.


Những con côn trùng mùa hạ xung quanh cất tiếng gọi nhau, anh cũng gọi tôi như có ý thăm dò: “Tiết Đồng?”


“Chuyện gì ạ?” Tôi cất giọng oang oang hỏi lại.


“Anh chưa cõng em bao giờ. Cho anh cõng em một lần, được không?” Anh nhẹ nhàng hỏi.


Tôi do dự một lúc, cuối cùng gật đầu, lau nước mắt.


Khi mới ngồi trên lưng anh, toàn thân tôi cứng đơ, thậm chí đến thở mạnh tôi cũng không dám, chỉ sợ anh cảm thấy tôi nặng quá. Lát sau, tôi phát hiện mình đã lo lắng thừa, anh cường tráng hơn tôi tưởng rất nhiều.


Thế là, tôi áp vào lưng anh một cách thoải mái, vòng hai tay qua cổ anh, đầu khẽ kề vào vai anh.


“Em còn đau không?”


“Đau.” Thật ra tôi không thấy đau nữa rồi, nhưng tiểu ác ma trong lòng tôi lại muốn tôi phải trả lời như thế. Có lẽ đúng như Mộ Thừa Hòa nói, nhìn thấy anh lo lắng vì tôi, tôi cảm thấy rất mãn nguyện.


Con đường trải đá này tuy rộng hai, ba mét nhưng lại lồi lõm, gồ ghề, trời tối không có đèn, chỉ có ánh trăng và ánh đèn đường từ phía xa hắt lại để soi sáng cho nên anh đi rất chậm.


“Anh cố gắng đi ở giữa đường ấy, nhìn thấy cái gì đen đen cũng đừng giẫm vào, không chừng là rắn đấy.”


“Ừm.” Anh đáp.


“Từ nhỏ anh đã lớn lên ở thành phố nên chưa từng đi đường núi đúng không?”


“Anh đi rồi, nhưng không nhiều, hơn nữa, đều là do bố anh cõng.”


Nhắc đến bố của anh, tôi không kìm được lòng, áp mặt vào cổ anh.


“Bố anh chắc chắn là một người rất giỏi giang.”


Mộ Thừa Hòa lặng im một lúc mới nói: “Không phải. Có thể ông ấy là một người giỏi giang, nhưng không hẳn là một người cha tốt.”


“Tại sao?”


“Một người cha tốt sẽ không như ông ấy, bỏ lại con của mình...”


Tôi không lên tiếng.


Đi được vài bước anh lại nói: “Nhưng cũng không thể trách ông ấy, đều là lỗi của anh.”


Đi được nửa đường, anh quay đầu lại, hỏi: “Em còn đau không?”


Lần này tôi không dám làm càn nữa, thành thật trả lời: “Hết đau rồi.”


Nghe thấy thế, hình như anh yên tâm hơn, thở phào nhẹ nhõm, nhưng cũng không có ý định thả tôi xuống, tiếp tục đi.


Tôi nói: “À, em đã nghĩ ra mình muốn làm gì rồi. Năm sau, em sẽ đi thi chương trình nghiên cứu sinh của Học viện Phiên dịch, hình như bắt đầu đăng ký từ tháng sau. Tóm lại, em sẽ vừa làm việc bên này vừa ôn tập để đi thi, không phí thời gian, còn có thể kiếm tiền. Trước đây, em luôn mơ ước được dịch cabin, cho dù không thành công nhưng chí ít em đã từng cố gắng hết sức, sau này cũng không hối hận.”


“Có chí thì nên.” Anh cười.


“Ngoại ngữ 2 em chọn tiếng Nga đấy. Anh phải ôn tập cho em.”


“Được thôi.” Lại cười.


Chỉ đi một đoạn đường đêm ngắn ngủi, tôi ở trên lưng anh. Cảm nhận được hơi ấm và hơi thở từ một người khác, tôi chợt cảm thấy dường như giữa hai chúng tôi đã có một sợi dây liên kết vĩnh hằng.


Lâu nay, tôi không biết phải gọi anh như thế nào, lúc trước gọi thầy, sau này thì gọi chung chung, lúc tức giận lần trước thì gọi luôn cả tên họ của anh. Những người xung quanh có người gọi là Tiểu Mộ, có người gọi Thừa Hòa, anh bảo bố gọi anh là Tiểu Hòa.


Còn Mộ Thừa Hòa, từ đầu đến cuối vẫn chỉ dùng hai chữ ấy gọi tôi: Tiết Đồng.


Có lẽ vì khi ở nhà, bố mẹ rất ít gọi tên thân mật cho nên tôi luôn cảm thấy gọi tên thân mật hơi kỳ quặc. Nhưng trong giây phút này, giữa cảnh đêm gió mát, tôi đột nhiên rất muốn gọi tên anh.


Suy đi nghĩ lại, cuối cùng tôi dịu dàng thỏ thẻ: “Thừa Hòa.”


Bước chân của anh hình như hơi khựng lại, sau đó anh nghiêng mặt đáp: “Ừm?”


“Thừa Hòa.” Tôi lại gọi.


Lần này anh không đáp lại nữa, nhưng trên mặt lộ rõ nét cười.


2


Ban đầu kế hoạch của chúng tôi là đi câu cá vào lễ Quốc khánh, chẳng ngờ trời đổ mưa.


Mưa từ đêm hôm trước cho đến sáng hôm sau, rả rích, rả rích khiến không khí cũng trở nên mát mẻ như tiết trời mùa thu vậy.


Với kiểu thời tiết này, tôi rất thích được ngồi trong nhà với Mộ Thừa Hòa.


Anh làm việc trong phòng khách, tôi bận bịu qua lại nhưng cũng không làm phiền đến anh. Có lúc tôi tự ôn tập đề thi, có khi lại quét dọn nhà cửa, thỉnh thoảng cũng rót cho anh một ly nước.


Dù không nói lời nào nhưng tâm trạng chúng tôi rất tốt. Tiếc rằng, một cuộc điện thoại gọi đến đã phá vỡ sự yên tĩnh này.


Bác gái ở bên kia đầu dây nói: “Tiết Đồng, đến đây đi, ông nội của con... sắp không được rồi.”


Mặt tôi tức thì trắng bệch.


Mộ Thừa Hòa bước tới, hỏi: “Xảy ra chuyện gì vậy?”


Anh chở tôi đến bệnh viện. Trên đường, trời đột nhiên mưa to hơn, tôi mơ hồ nhìn hai cần gạt nước ở trước mặt đưa đi đưa lại... Trong lúc đợi đèn đỏ, anh nhìn tôi, trầm ngâm không nói.


Khi đến phòng của ông, chúng tôi chỉ trông thấy bác gái và bà nội đang ngồi trước giường bệnh. Ông nội đang nằm trên giường, ống thở trước đó đã bị thay thế bằng máy chụp oxy. Thiết bị hỗ trợ bên cạnh không ngừng kêu tít tít, ông đắp tấm chăn mỏng, lồng ngực phập phồng cùng với nhịp hô hấp của máy móc...


Bác gái thấy tôi đi vào, liền nói: “Tiết Đồng, con đến rồi à? Chú và bác hai của con đã đi thảo luận với bác sĩ rồi.” Nói xong, nhìn thấy Mộ Thừa Hòa ở phía sau tôi, ánh mắt của bác gái hơi hồ nghi. Nhưng vì tôi không nói gì, nên Mộ Thừa Hòa lễ phép cúi đầu chào. Không phải là muốn cố tình giấu giếm anh, chỉ vì lúc này tôi không còn tâm trạng nào để ý đến những việc này.


Bác gái lại nói: “Lần trước con đến đây, chắc cũng biết gần đây sức khỏe của ông nội con không mấy lạc quan, bác sĩ cũng đã nói các cơ quan nội tạng của ông đã bắt đầu suy kiệt, mới sáng nay, huyết áp lại tăng đột ngột, não bộ đã xuất huyết lần thứ hai...” Nói đến đây, bác gái nghẹn ngào, không nói nên lời nữa, bắt đầu lau nước mắt.


Trái lại, bà nội rất bình tĩnh, bà lấy tay vuốt mái tóc của ông lại cho gọn gàng.


Bấy giờ, bác hai và các chú của tôi cùng đi theo bác sĩ vào phòng. Bác sĩ đi đến bên giường, móc từ trong túi ra một chiếc đèn pin nhỏ, mở mắt ông lên soi soi rồi bảo bác sĩ thực tập bên cạnh ghi lại số liệu, sau đó rời khỏi.


Bác hai kéo tay áo của bác sĩ thực tập ấy, hỏi: “Thật sự là không còn chút hy vọng nào sao?”


Bác sĩ thực tập nói: “Điều này rất khó nói, cũng không thể nói là không có kỳ tích.”


Bác gái nói: “Đã nằm ở đây năm năm rồi, lúc ấy các người cũng nói có lẽ sẽ có kỳ tích, đến hôm nay vẫn là câu nói ấy.”


Bác sĩ thực tập đáp lại: “Các bác sĩ ở đây thực sự đã cố gắng hết sức, tuổi tác của bệnh nhân lại cao như vậy...”


Căn phòng im lặng trong giây lát. Bác sĩ thực tập gấp hồ sơ lại, định rời đi. Chú tôi lại hỏi: “Vậy bây giờ phải làm sao?”


Bác sĩ thực tập trả lời: “Không phải lúc nãy bác sĩ đã nói rất rõ ràng rồi sao? Thực ra, nếu bây giờ rút máy hô hấp ra thì bệnh nhân chẳng khác nào người đã chết. Trong tình trạng này, chỉ xem người nhà của bệnh nhân định thế nào thôi.” Nói xong, người đó đi ra khỏi phòng.


Bác hai lấy ra một điếu thuốc và bật lửa, vừa định đốt lên thì bác gái ở bên cạnh liền nhắc nhở, bác ấy bèn đi ra ban công. Hút liền vài hơi xong, lại quay trở vào. Những người khác vẫn đứng bất động.
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom