• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full Truyện dài : Ma quỷ dân gian kỳ truyện (1 Viewer)

  • KỲ 4: TRUYỀN THUYẾT CHUỘT TINH NGŨ SẮC

1f479.png
1f42d.png
Trong kho tàng văn học dân gian của nước ta tồn tại không ít tác phẩm văn học nổi tiếng theo lối viết truyền kỳ. Tức là ghi chép lại những chuyện lạ kỳ trong dân gian mang màu sắc tâm linh, liêu trai ví như Lĩnh Nam Chích Quái, Truyền Kỳ mạn Lục, Việt Điện U Linh Tập, Thánh Tông Di Thảo, … Trong đó không thể kể đến tác phẩm Thánh Tông Di Thảo được cho là Viết dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497), ông là vị vua thứ 5 của triều Hậu Lê. Ở Lĩnh Nam chích quái nơi mà người Việt sau này biết tới các loại Quái như Thánh Quỷ Xương Cuồng (Mộc Tinh) , Bạch Kê Tinh (Gà) , Ngư Tinh (Cá), hay Hồ Tinh (tức Cáo thành Tinh)… thì ở Thánh Tông Chi Thảo chúng ta cùng tìm hiểu đến một loài Yêu quái trong dân gian cũng ma mãnh không kém. Đó chính là Chuột Tinh.

Chuột là loài gặm nhấm nhỏ bé mà nhiều người không mấy mặn mà sau chú Gián Tiểu Cường hay bé Na…. Chuột trở thành nỗi ám ảnh của ngành nông nghiệp và được cho là nguyên nhân gây ra nạn Dịch hạch. (Có giai đoạn nạn Dịch hạch bùng nổ trên khắp thế giới gây ra cái chết cho hàng triệu người (thế kỉ XIV) được biết đến với cái tên Cái Chết Đen.)

Người dân ta sợ chuột hơn sợ Cọp vì sự phá hoại mùa màng của chúng cực kì ghê gớm. Ở nước ta ngày xưa từng có giai đoạn người dân còn bày lễ giữa đồng cúng ông Tý vào mỗi vụ mùa để ông không phá phách nữa, không thôi cả làng chết đói. Mỗi đêm khi đi ngang những cánh đồng lúa nghe tiếng chuột rít ai nấy đều không khỏi lo sợ.

Nỗi sợ Chuột đi vào chuyện kể dân gian qua những hình tượng Chuột khổng lồ, Người hóa chuột , Tinh Chuột …lưu truyền trong dân gian.

—————

1f479.png
Vậy CHUỘT TINH của Việt Nam có gì? Mời bạn đọc tìm hiểu trong bài viết tuần này.

1f42d.png
TINH THỬ NGŨ SẮC:

Chuột tu luyện lâu năm thành tinh trong văn hoá dân gian Việt Nam.

Tên gọi: CHUỘT TINH NGŨ SẮC ( TINH THỬ NGŨ SẮC), Thử = theo tiếng Hán Việt là Chuột, Ngũ là 5, Sắc trong từ màu sắc. Tên gọi một loài chuột sống lâu năm thành tinh , có 5 màu sắc trên lông để nhận diện.

Xuất xứ: Made in Việt Nam, tồn tại trong “ lưu bút ngày xanh” của vua Lê Thánh Tông thời nhà Lê Sơ. (Tác phẩm Thánh Tông Di Thảo)

1f42d.png
ĐẶC ĐIỂM NHẬN DẠNG:

Râu trắng như tuyết, môi đỏ như son, máu đen như gỗ mun. Con này độc lạ hơn chuột bình thường là bốn chân mỗi chân lại thừa thêm một ngón. Nhìn chung các loài yêu ma đều có thêm chân hay móng đeo để tạo nét. Khi ấy dễ phân biệt với loài tầm thường.

Mỗi con chuột tinh có một cân nặng lý tưởng tầm 30 cân, tương đương với một con chó nhà cỡ lớn ngày nay.

1f42d.png
ĐẶC TÍNH TÂM LINH:

Chuột tinh thường là chuột đực sống lâu năm, vì cơ duyên nào đó nó ăn nhiều tinh khí mà thành tinh, dần có trí óc và tính cách như con người.

Chúng có khả năng thay đổi hình dạng, không sợ lửa cũng như các loại bùa chú.

Sở dĩ người ta biết nó là chuột đực vì chúng rất đam mê sắc dục, chúng hay giả dạng biến thành những người đàn ông đẹp để quyến rũ, hãm hi.ếp phụ nữ. Nhiều trường hợp chúng còn cải trang thành người chồng nạn nhân khi anh ta không có ở nhà mà “ ứ ừ” rồi hút tinh khí người vợ. Con người tiếp xúc với chuột tinh dần hao mòn mà chết đi.

Tính năng thay đổi hình dạng còn giúp chuột tinh tiếp cận được nhiều người hơn, có tài liệu cho rằng chuột còn lừa bắt ăn thịt trẻ con (đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi nhỏ hơn tuổi Tý). Thích uống dầu trong đèn.
—————

1f42d.png
TÍCH TRUYỆN VỀ CHUỘT TINH TRONG DÂN GIAN: (Tham khảo)

1️⃣
Tích thứ nhất: VUA LÊ THÁNH TÔNG XỬ ÁN CHUỘT TINH.

‘Thánh Tông di thảo’ quyển hạ có ghi chép một vụ kỳ án liên quan đến chuột tinh ngũ sắc như sau:

Có một anh học trò nhà giàu cưới được vợ đẹp. Hai vợ chồng mặn nồng được nửa năm thì cha mẹ anh ta gửi con đi học ở xa với mong muốn sớm thành tài đỗ đạt. Người chồng vâng lời cha mẹ bèn lên đường trọ học, còn người vợ ở nhà ngoan ngoãn phụng dưỡng song thân, nề nếp lẫn đức hạnh đều không có gì đáng chê trách.

Nửa năm sau, một đêm khuya khoắt bỗng người vợ thấy chồng mình trèo tường vào nhà, vừa về đã vào ngay trong buồng. Hỏi ra thì chàng ta nói rằng quá nhớ vợ nên lén trốn khỏi chỗ trọ học để gặp vợ một đêm rồi gà gáy sáng sẽ đi ngay. Người vợ tin tưởng nên vui vẻ ân ái với chồng. Từ đó trở đi, cứ cách vài đêm hai vợ chồng lại gặp nhau một lần. Kéo dài suốt nửa năm, chỉ thấy nhan sắc người vợ ngày một tiều tụy.

Cha mẹ chồng thương con dâu, cho là nàng nhớ chồng bèn viết thư gọi con trai họ về cho cả hai thỏa nỗi lòng. Thế nhưng, điều lạ là khi người chồng về nhà thì vợ lại không tỏ ra vui mừng săn sóc. Anh học trò bực tức, nghi kị rằng vợ đã có người khác nên buông lời xa gần. Lúc này người vợ bị tiếng oan mới thanh minh và kể chuyện gặp nhau hàng đêm giữa hai người. Đến đây người chồng lại ngạc nhiên vô cùng, anh ta cam đoan suốt cả năm qua chưa về nhà lần nào chứ đừng nói đến gần gũi với vợ. Cha mẹ chồng cũng làm chứng con dâu ngoan ngoãn, đức hạnh. Gia đình bỗng chốc lôi thôi vì ai cũng cam đoan mình không gây chuyện sai trái. Cuối cùng, cha mẹ chồng đâm nghi ngờ có yêu ma quấy nhiễu nên lập mưu bắt tên gian phu rồi đưa lên quan huyện.

Thật giả lẫn lộn, không ai phân biệt được, họ cậy nhờ đến vua phán xử. Cuối cùng sau nhiều cách bất thành, vua Lê Thánh Tông phải lập đàn thỉnh mời Phù Đổng Thiên Vương đến giúp sức. Thiên Vương nhập xác cô đồng, bèn nói rõ kẻ gian phu kia nguyên là do con chuột tinh ngũ sắc biến thành và giúp nhà vua tiêu diệt yêu tinh này.

Ngài cho dán 2 lá bùa vào sau lưng 2 người đàn ông giống hệt nhau đang đứng giữa sân rồng. Tới ngày tiếp theo, cả 2 lại được triệu tới và đến lúc này, trời đất bỗng tối sầm, luồng kiếm khí của Phù Đổng Thiên Vương sáng lên như chớp. Khi mây tan, người ta thấy con chuột tinh ngũ sắc đã nằm chết từ lúc nào.

Người vợ sau đó phải uống thuốc ròng rã hơn một năm mới tan hết yêu khí của chuột.

2️⃣
Tích thứ 2: CHUỘT GIẢ DẠNG VUA THEO TÍCH TRUYỆN Ở TQ (?) theo Thánh Tông Di Thảo.

♦️
Chuột giả dạng vua:

Một câu chuyện tương tự được ghi nhận vào thời nhà Tống ở Trung Quốc được trích ra từ chính truyện trên (tích 1).
Loài này vốn có khả năng biến hình rất giỏi, thời Tống từng giả làm vua Nhân Tông, Long đồ Lão tử tra án cũng phải bó tay không trừ khử được. Cuối cùng đành tâu lên Ngọc Hoàng thượng đế xin mượn Ngọc diện miêu (con mèo mặt ngọc) để phân biệt thật giả rồi bị mèo thần cắn chết.

♦️
Chuột tinh Trung Quốc còn xuất hiện trong Tây Du Ký với 2 kiếp nạn của Đường Tăng:

Ngọc Thử Tinh (Chuột Tinh): cô gái xinh đẹp do chuột tinh biến thành,vốn là con gái nuôi của Tháp Tháp Lý Thiên Vương trên thiên đình. Ngọc Thử Tinh sở hữu nhan sắc xinh đẹp thậm chí khiến vài vị lạt ma cũng không thoát khỏi việc bị quyến rũ mà mất mạng
Hoàng Phong Quái là yêu quái trong Tây Du Ký, vốn là con chuột đắc đạo ở Linh Sơn (hay là một con chồn lông vàng ở Linh Sơn Tây Thiên), do uống được dầu trong chén lưu ly của Phật tổ mà thành tinh, trốn xuống trần.

3️⃣
Tích thứ 3: CHUỘT “ÔNG CỐNG” NGHỆ AN

♦️
Truyền thuyết chuột tinh “ Ông cống” của người Nghệ An
(Nguồn: Tham khảo sachayonline,net phần Dị khảo)

Ngày xưa có một nhà nọ nuôi con chuột đực. Con chuột này sống ngoài một trăm năm, trở thành yêu, có nhiều phép biến hóa, có thể biến thành người được, nó lại thông thạo mọi việc trong nhà.

Sau đó, chủ nhà đỗ hương cống, đi làm quan xa lâu ngày không về. Cũng như truyện ở trên, ở đây chuột hóa thành người giống ông cống như tạc, hắn nói dối với người nhà rằng mình mới được phép vua về nhà nghỉ ít lâu. Vợ thấy chồng về thì vui mừng, hai bên ăn ở với nhau hơn một năm, sinh được một đứa con gái.

Một hôm, ông chồng thật về, cả nhà đều ngạc nhiên, nhìn lại cả hai thì giống nhau như hai giọt nước, hỏi đến mọi việc từ kế tự cho đến của chìm của nổi, cả hai đều nói rành mạch, giống nhau không sai một tý gì.

Việc lên quan. Quan hỏi dân làng xem có ai biết được việc riêng của nhà ấy như thế nào thì cho khai ra. Có một người khai rằng: nhà ấy ba đời không nuôi mèo, chỉ nuôi một con chuột đực giữ nhà, những con chuột khác đều không dám đến cắn phá. Hỏi người nhà thì biết rằng gần đây không thấy con chuột ấy nữa, không biết nó đi đâu.

Quan bèn đoán rằng: trong hai ông cống này tất có một người do chuột hóa ra. Mới mời một thầy phù thủy nổi tiếng đến. Thầy bắt một tay quyết "linh miêu", lại dọc một đường chú "bổ thử". Lập tức ông cống giả cùng đứa con gái tự nhiên biến thành chuột, vỡ mặt ra mà chết. Vụ rắc rối của nhà ấy nhờ thế được tỏ rõ. Ngày nay, người ta gọi chuột là "ông cống"chính là vì thế.

Cách lý giải khác cho tên gọi Chuột Ông Cống: Theo Nguyễn Văn Ngọc thì sở dĩ người ta gọi chuột là “ông cống” vì những năm có khoa thi, chuột thường hay vào lục lọi các quyển thi, gặm nát hết cả, quan trường sợ bị tội nên phải kiêng cái tên “chuột” để nó khỏi vào quấy phá. Không biết gọi bằng tên gì họ bèn tặng cho nó học vị cử nhân, gọi tên là “ông Cống” (Truyện cổ nước Nam, tập II, đã dẫn). Theo truyện Tống Trân – Cúc Hoa thì khi Cúc Hoa bị bố là đình trưởng ép duyên, nàng có hai con hầu mang cỗ dâng mẹ chồng và trao cho bà tám nén vàng để lo ma chay khi chết. Hai đứa bất lương không đưa, chia nhau số vàng nhưng sau đó bị đàn chuột lấy trộm vàng tha về cho Trạng. Trạng bèn phong chuột học vị hương cống.

♦️
Người Nghệ An còn có một truyện khác kể rằng:

Có một con chuột ở trên núi, sống lâu năm thành yêu, thường hiện hình làm người, đi hiếp đàn bà. Trong làng có người học trò đi thi chưa về. Chuột bèn hóa thành anh học trò, mặt mũi, quần áo, lời ăn tiếng nói y hệt. Được năm ngày anh học trò thật trở về, ban đêm gọi cổng. Vợ anh ở trong nói vọng ra: "Chồng ta đi thi không đỗ đã về đây rồi, không biết ai gọi gì ngoài ấy?". Anh học trò phá cổng vào. Anh học học trò giả cũng mắng. - "Tao đã về đây rồi không biết đứa nào dám mạo nhận". Hai bên đánh nhau. Việc đưa lên quan. Nhờ có một pháp sư cao tay lập đàn cáo với Trời. Trời cho một con "kim miêu" xuống, bắt yêu chuột hiện nguyên hình. Truyện này nghe qua giống truyện ở tích số 2, đâu cũng là dị bản dân gian.

4️⃣
Tích thứ 4: CHUỘT TINH Ở HUẾ

Người Huế cũng có truyện Tinh con chuột nhưng có nội dung khác hẳn truyện Tinh con chuột trên kia. Đại khái cái một người đàn bà góa chồng nghèo khổ. Một hôm, chị gặp một người đàn ông, ăn ở với nhau như vợ chồng.

Nhờ có người chồng hàng ngày mang thức ăn về nên cuộc sống có phần dễ chịu hơn trước. Nhưng dần dần, xóm giềng nhận thấy thức ăn của mình hay bị mất trộm. Họ rình đánh kẻ gian. Và khi ông lão, chồng người đàn bà, ngã xuống, thì hiện nguyên hình là một con chuột lớn.

5️⃣
Tích Thứ 5: LÀNG CHUỘT BẮT NGƯỜI Ở MIỀN TÂY.

Chuột tinh ở Nam Bộ xưa là nỗi khiếp sợ của cánh thương hồ rày đây mai đó. Những khách bộ hành, đi buôn thường bị chuột tinh lừa bắt ăn thịt. Chúng biến hoá khôn lường thành làng, bản, đám nhậu rồi dụ người ta vào mà vây bắt mà ăn thịt. (Hiện truyện này ghe nhiều nơi kể lại nhưng chưa rõ thực hư, bạn nào biết có thể gióp ý thêm)

6️⃣
Tích thứ 6: CHUỘT TINH Ở NHẬT BẢN

Tên yokai: Tesso
Có một nhà sư tên Raigo,tu hành tại ngôi chùa Mii Dera, nằm ở thành phố Otsu, tỉnh Shiga. Ở thời điểm đó, ông đã được lệnh cầu nguyện để xin cho hoàng thất sinh được con trai, đổi lấy lời hứa sẽ được mở rộng chùa nếu lời cầu nguyện thành hiện thực. Nhưng khi bé trai đó ra đời, phần thưởng mà ông ta kỳ vọng lại bị từ chối. Tức giận vì bị bội ước, vì những mâu thuẫn chính trị làm đảo lộn kế hoạch của mình, Raigo liền tuyệt thực mà chết. Sau đó hoá thành hình dạng yêu quái Tesso. Tesso là 1 tạo vật quái dị lai giữa người và loài động vật gặm nhấm có cái miệng chứa đầy răng sắt với sức phá hoại ghê gớm. Về mặt cơ bản thì ông ta trở thành 1 con chuột răng sắt khổng lồ cao cỡ 1 người trưởng thành, nhưng đáng sợ hơn cả, Tesso lại sở hữu khả năng triệu hồi và kiểm soát chuột tùy theo ý muốn.
Tesso dẫn theo 1 đoàn quân chuột (theo 1 ghi chép, đàn chuột mà Tesso chỉ huy khi đó lên tới 80.000 con) nhằm càn quét khắp thư viện trong các chùa đối thủ của Raigo, nổi bật nhất là chùa Enryaku ở Kyoto. Với đàn chuột tay sai, Tesso ngốn sạch vô số tượng Phật, kinh Phật và các loại văn tự tôn giáo quan trọng khác.
(Nguồn bài viết: Rùng mình với Tesso - Yêu quái Chuột nổi tiếng của Bình An Kinh Gamek,vn)

1f479.png
Ngoài ra chuột tinh còn xuất hiện trong truyện của người Khmer, người Lào với những motip tương tự mà phạm vi bài viết mình chưa thể nêu ra hết. Các bạn có thể tìm qua từ khoá “ Tinh con chuột | Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam | Nguyễn Đổng Chi - SachHayOnline,com”. Tất cả các truyện kể về những lần yêu tinh biến hình giả dạng người, khi lên quan phán xử đều dùng tài trí, thần linh mà lộ chân tướng.

❤️
Cảm ơn mọi người đã theo dõi bài viết tuần này của Ma Quỷ Dân Gian Ký. Mong rằng những kiến thức này sẽ làm tài liệu khảo cứu hữu ích cho những ai tìm hiểu về Yêu Quái ở Việt Nam. Bọn mình không khuyến khích các hoạt động tuyên truyền mê tín dị đoan, buôn Thần bán Thánh.

Suy cho cùng tích chuột tinh dựa trên những gì dân gian thêu dệt vì sự đáng sợ của loài chuột, qua đó lồng ghép vào các bài học về nhân quả, báo ứng. Sự linh thiêng của các vị Thần Thánh.
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom