• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Tôi Yêu Lịch Sử Việt Nam. (1 Viewer)

Mie

Tìm về 1 chốn yên bình
TÔI YÊU LỊCH SỬ VIỆT NAM.


Người viết: Mie (có tham khảo tài liệu một số báo)

* Nêu hiểu biết của em về Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập mồng hai tháng chín. Nêu dẫn chứng tiêu biểu về những đóng góp của quê hương em cho thắng lợi cách mạng tháng Tám. Theo em, độc lập có ý nghĩa như thế nào đối với một quốc gia?


Khi tôi sinh ra thì đất nước đã thống nhất, khi tôi lớn lên chưa bao giờ trải qua một ngày khói lửa. Nhưng năm tháng đổi thay, qua từng bài học Lịch sử trên lớp, tôi hiểu rất rõ chiến đấu giành lại tự do, độc lập cho dân tộc, cho đất nước là một cuộc hành trình dài đằng đẵng với vô vàn khó khăn, gian khổ. Nhưng nhân dân ta đã vượt qua, đã chiến thắng tất cả để đi lên từ sự cơ hàn với bao kì tích oanh liệt mà tiêu biểu trong số đó, là Cách mạng tháng Tám và Tuyên ngôn Độc lập 1945. Tháng ba năm ấy, Nhật đảo chính Pháp. Vào thời khắc lịch sử đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn thể đồng bào ta hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” nhằm phát động cao trào kháng chiến. Hơn hai mươi triệu người từ Bắc và Nam hưởng ứng lời kêu gọi xuống đường biểu tình. Sáng ngày mười chín tháng tám, hàng chục vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận trong một rừng cờ đỏ sao vàng kéo đến bao vây Nhà hát lớn, chiếm Phủ Khâm Sai, Trại bảo an… dưới sự bảo vệ của Thanh niên Tự vệ và tổ chức Việt Minh. Cuộc mít tinh nhanh chóng lan rộng trên toàn quốc và giành được thắng lợi to lớn, trở thành nguồn động viên và cổ vũ cho tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc. Quê hương Hà Thành nghìn năm văn hiến của tôi đã trải qua những ngày máu lửa năm ấy, đã có người gục ngã, gia đình mất con, nhưng tất cả đều cháy bỏng một niềm hy vọng về tương lai tươi sáng của đất nước, tất cả đều chấp nhận sự hy sinh của người thân yêu như một điều vốn dĩ phải xảy đến để giải phóng đất nước. Nhân dân Hà Nội kiên cường, anh dũng, bất khuất. Từ đàn ông đến phụ nữ, không phân biệt tôn giáo giai cấp, phàm là người yêu nước đều sẵn sàng đứng lên chống quân thù, “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…”. Những con người anh hùng ngày ấy, với trái tim rực cháy lửa căm thù, vẫn tiếp tục xông lên, những viên đạn vô tình kia đâu thể dập tắt tinh thần và ý chí của họ. Họ đâu còn gì để mất, chỉ còn một niềm tin cuối cùng vào Việt Minh, và họ xông lên, không màng cái chết cận kề, một lòng sống chết với Tổ quốc. Bên cạnh đó, còn một điều không thể thiếu để góp phần tạo nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc, là sự lãnh đạo sáng suốt của Việt Minh. Sáu tháng sau cái ngày trọng đại ấy, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản “Thiên cổ hùng văn” tuy ngắn gọn nhưng đó là kết tinh truyền thống lịch sử kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, là bản anh hùng ca mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và góp phần làm phong phú về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới - quyền độc lập tự do. Lời Bác trầm ấm “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” cùng giọng đọc trang trọng, ấm áp, gần gũi đi sâu vào lòng người, chạm đến trái tim mỗi công dân Việt Nam. Bản Tuyên ngôn tràn đầy giọng điệu hùng tráng, thuyết phục và giàu cảm hứng. Ta có thể thấy rõ độc lập có vai trò to lớn trong việc quyết định vận mệnh một dân tộc. Chân lý “Không gì quý hơn độc lập, tự do” Người nói đã trở thành biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc, và mục đích chiến đấu, là nguồn sức mạnh tạo nên chiến thắng của nhân dân ta, đồng thời là nguồn cổ vũ tinh thần cho những dân tộc đã và đang bị áp bức trên thế giới trong công cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do và hạnh phúc của nhân loại. Là nòi giống Rồng Tiên mang trong mình dòng máu đỏ, con cháu những con người yêu nước, tôi thấu hiểu sâu sắc chân lý ấy. Một đất nước phụ thuộc liệu có phát triển được chăng hay sau một trận càn quét của “Mẫu quốc” thì chỉ còn lại là một đống hoang tàn? Mỗi con người sinh ra đều có quyền được sống, quyền được tự do và quyền “mưu cầu hạnh phúc”, đó là điều không thể chối cãi. Nhân dân không có cơm ăn áo mặc, trẻ em không được tới trường, không hiểu biết thì làm sao có thể đứng lên cởi ách thống trị? Có tự do là sẽ có tất cả!


* Trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội, em yêu thích nhất nhân vặt nào? Vì sao? Trình bày hiểu biết của em về nhân vật lịch sử đó.


Hà Nội là trái tim yêu thương của cả nước, là nơi “rồng bay lên”. Năm 1010, vua Lý Công Uẩn đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La bởi đức thánh thượng thấy rõ nơi đây có thế “rồng cuộn hổ ngồi, nhìn sông dựa núi, muôn vật phong phú tốt tươi”. Trên khắp đất nước ta, có lẽ chỉ có nơi này là “thánh địa’, là nơi hội tụ của bốn phương muôn đời, điểm đến của biết bao tao nhân mặc khách. Và Thủ đô cũng là nơi đã chứng kiến sự đổi thay của Tổ quốc qua từng triều đại mà trong đó, tuyệt vời nhất, rực rỡ nhất, chính là triều Tây Sơn dưới sự cầm quyền của hoàng đế Quang Trung – người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Nguyễn Huệ sinh năm 1753. Thuở nhỏ Ngài còn có tên là Thơm, sau gọi là Bình. Gia đình có ba anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Tất cả đều theo học thầy Hiến, một nhà nho vì phản đối chính sách của Trương Phúc Loan nên bỏ trốn vào Quy Nhơn mở trường dạy học ở ấp Yên Thái. Theo miêu tả, Nguyễn Huệ tóc quăn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm. Sách Tây Sơn thuật lược còn miêu tả đôi mắt Quang Trung "ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ mắt soi sáng cả chiếu". Tuổi thơ, Huệ giúp gia đình thả bò đi ăn ở mạn Nam sông Côn; thường hay bày trò "đánh trận giả" với đám chăn bò trong các làng lân cận. Phe của Huệ luôn giành phần thắng, nên lũ trẻ rất thích... theo phe Huệ! Qua đó, ta có thể thấy tài lãnh đạo của ông được bộc lộ khi còn rất nhỏ. Người thầy dạy võ đầu tiên cho ba anh em Nguyễn Nhạc, là ông Đinh Văn. Cả ba phải khăn gói, mang gạo thóc xuống tận Phương Danh (xã Đập Đá - huyện An Nhơn) để tầm sư học võ. Nước Nam lúc bấy giờ đã bị phân chia làm hai miền, lấy Sông Gianh làm giới tuyến: Họ Nguyễn hùng cứ phương Nam - gọi là Đàng trong. Họ Trịnh tự xưng chúa phương Bắc ở Đàng Ngoài. Trên tuy còn có Vua Lê, nhưng quyền hành thuộc cả vào tay hai chúa Trịnh - Nguyễn. Trong nước đã có Vua, lại có chúa, nên Vua chẳng phải là Vua, tôi không phải là tôi. Đất nước hỗn loạn, phân hóa trầm trọng. Ba anh em Nguyễn Nhạc âm thầm tập luyện, chiêu mộ binh sĩ với mong ước lật đổ chế độ thối nát đương thời, xóa bỏ ranh giới ngăn cách, thống nhất đất nước. Nguyễn Huệ còn đích thân đi cầu người hiền tài, thông hiểu binh pháp, về giúp sức cùng nghĩa binh. Vì vậy, có nhiều tướng giỏi, trung thành, trở về cùng ba anh em ông mưu tính việc khởi nghĩa. Ta có thể thấy rõ ở ông tài thu phục lòng người. Dưới quyền của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, ông được phong làm Long Nhương tướng quân khi mới hai mươi sáu tuổi. Là một tay thiện chiến, hành quân chớp nhoáng, đánh đâu được đấy, Nguyễn Huệ nhanh chóng trở thành vị tướng trụ cột của vương triều Tây Sơn. Khi mà vua Thái Đức đang phải lo củng cố xây dựng triều đình, thì Nguyễn Huệ là người được trao cầm quân đánh Đông dẹp Bắc. Tất cả những chiến thắng lớn vang dội của quân Tây Sơn đều gắn liền với tên tuổi của vị tướng trẻ tài ba này. Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài. Trong hoạt động quân sự, ông chủ động tập trung lực lượng đánh vào những mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất và hành động liên tục, bất ngờ, chớp nhoáng, quyết liệt làm cho đối phương không kịp đối phó. Đó cũng là nguyên nhân làm nên trận chiến lịch sử “đại phá quân Thanh”. Cuối cùng, sau hàng chục năm chiến tranh liên miên, Bắc Nam đã sum họp một nhà. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Quang Trung đẩy mạnh việc cải cách đất nước. Ông chú trọng việc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, ban bố Chiếu lập học, khuyến khích các xã mở trường học. Tiếng nói dân tộc được coi trọng. Quang Trung muốn đưa chữ Nôm lên địa vị chữ viết chính thức của quốc gia. Lập Viện Sùng chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Các văn kiện của Nhà nước dần dần viết bằng chữ Nôm. Quang Trung thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa to lớn của tiếng nói và chữ viết đối với một dân tộc. Ông thực hiện ngay công việc cải cách, xây dựng đất nước, từ việc chính trị, quan chế, đinh điền, giáo dục, văn hoá, tôn giáo, cho đến công cuộc chuẩn bị để đánh Tàu. Trong những năm tháng trị vì, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có sáu mươi phần trăm nhân dân làm công nghiệp. Con dân ấm no, sung túc dưới sự quan tâm của triều Tây Sơn – triều dại duy nhất không có gian thần. Quang Trung đã được Vua Càn Long nhà Thanh sắc phong là An Nam Quốc Vương, được Vua mời sang yết kiến, lại tặng nhiều lễ vật, được hoạ sĩ Tàu vẽ chân dung, tiếp đón trọng thể với nhiều nghi lễ đặc biệt. Ông đã có ý định yêu cầu nhà Thanh trả lại đất Lưỡng Quảng, tuy nhiên điều đó đã không thành hiện thực. Ông đột ngột lâm trọng bệnh và qua đời. Thi hài ông được táng ngay trong thành, tại phủ Dương Xuân. Đó là tin sốc lớn nhất cho toàn dân tộc. Đau thương trước sự ra đi quá đột ngột của Hoàng Đế Quang Trung, lúc tuổi xuân đang phơi phới, sự nghiệp đang phát triển rực rỡ, đất nước đang hồi hưng thịnh, thái bình, và tình yêu đang nồng thắm, Hoàng Hậu Ngọc Hân đã viết nên bài "Ai Tư Vãn" để khóc thương chồng. Bài thơ là áng văn tuyệt tác trong dùng văn học chữ Nôm thời Tây Sơn. Có lẽ nếu còn sống thêm nhiều năm nữa, Quang Trung nhất định sẽ thay đổi được tương lai của đất nước. Nhớ năm xưa, ông từng có ý định vươn tay đến bờ bên kia đại dương, kết thân với những nước Châu Âu, tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với họ, đó là một suy nghĩ cực kì tiến bộ và mới mẻ bởi mãi cho đến tận thế kỉ mười chín, hai mươi, những bậc anh hùng của dân tộc vẫn hướng tới Trung Quốc và Nhật Bản. Ông cũng từng cho xây dựng những con đường lớn với mục đích xây dựng nền kinh tế phồn hoa, hưng thịnh. Có thể nói, tư tưởng của Quang Trung đã đi trước thời đại ít nhất hai trăm năm, một con số vô cùng lớn. Chỉ đáng tiếc, trời phụ lòng người, một con người hiền tài, cao cả như thế, cuối cùng lại phải nằm dưới nền đất lạnh khi tuổi đời còn quá trẻ, khi nghiệp lớn vẫn còn đang dang dở. Và tôi, cho đến tận bây giờ, vẫn không nguôi thương tiếc cho vị một bậc anh hùng quân sự, chính trị vĩ đại của dân tộc. Đáng buồn thay, bi ai thay! Hỡi đức hoàng đế, liệu Ngài ở trên cao kia có còn đang dõi theo bước đường đi của đất nước mà năm xưa Ngài từng đánh Nam dẹp Bắc, mưu đồ việc lớn suốt một tuổi xuân hay không?
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom