• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

New Tam Thi Ngữ (1 Viewer)

  • Chương 11-15

Chương 11: Trương Cáp Tử, Trùng Khánh

Bác hai tôi là một cảnh sát, đến tận giờ phút này ông ấy vẫn chưa quên điều đó. Lúc tôi và ngài Trần bị dọa đến không thở ra nổi, bác hai tôi đã gầm lên: “Cứu người.”

Tôi không biết cứu người bằng cách nào, quay đầu nhìn ngài Trần. Dường như ông ta cũng bị lời bác hai tôi thức tỉnh, vội vàng nói: “Lật bọn họ lại.”

Nghe ngài Trần nói xong, ba người chúng tôi mặc kệ xác đám động vật, lao vào trong lật cơ thể của mấy người kia lại. Cũng may, bọn họ vẫn còn hơi thở, điều này khiến cho lòng tôi thấy dễ chịu hơn một chút. Nếu như những người này vì vậy mà mất mạng, mặc kệ là ông nội tôi hay cái vị nằm dưới kia đều sẽ tính lên đầu nhà họ Lạc chúng tôi. Phía trước đã có một thợ nề Trần, hiện tại tôi vô cùng sợ hãi lại có người mất mạng nữa.

Thế nhưng, tuy những người này vẫn còn thở nhưng mặc kệ chúng tôi vỗ thế nào, bọn họ đều không tỉnh lại. Tôi và bác hai cố gắng lôi kéo bác cả lên, để ông ấy ngồi bên cạnh. Nhìn hai mươi chín người trước mặt, cả tôi lẫn bác hai đều không biết làm sao.

Chúng tôi đi tới trước mặt ngài Trần, bác hai hỏi: “Bạn học cũ, hiện tại phải làm sao?”

Tôi thấy ngài Trần nhíu mày, móc ra đồng xu từ trong túi tiền, sau khi suy nghĩ một hồi lại thả về, nói: “Tôi thử cách này xem.”

Nói xong, ngài Trần hừ vài tiếng, dường như đang hắng giọng. Tôi đoán chắc ông ta lại bắt đầu niệm chú giống như trên tivi diễn: Thái Thượng Lão Quân, nghe lệnh ta, lập tức tuân theo các loại. Tôi cũng dựng thẳng lỗ tai chuẩn bị ghi nhớ tất cả câu thần chú, như vậy sau này gặp phải sự việc tương tự, tôi cũng không đến mức luống cuống tay chân như hiện tại.

Thế nhưng, biểu hiện sau đó của ngài Trần khiến tôi trợn mắt há miệng.

Sau khi hắng giọng, ông ta không niệm chú, cũng không xướng kinh phật mà ngửa cổ kêu lớn: “Cục… Cục… Cục… Tác…” Thế mà ông lại học tiếng gáy của gà trống! Hơn nữa còn học giống như thật!

Tôi và bác hai nhìn nhau, nghĩ thầm, như thế cũng được?

Nhưng sau khi ngài Trần kêu một tiếng cũng không dừng lại, ông ấy gáy hết tiếng này đến tiếng khác, tiếng sau vang hơn tiếng trước, giống như bị nghiện.

Sau vài tiếng, ngài Trần dừng lại, nghiêng tai nghe ngóng động tĩnh trong thôn. Hơn mười giây sau, ngài Trần lại học gà trống gáy lên, hơn nữa âm thanh lúc này còn vang dội hơn cả lần trước. Đối với vùng nông thôn yên tĩnh, tiếng ông ta càng rõ rệt hơn.

Sau ba tiếng gáy, ngài Trần lại ngừng, nghiêng tai nghe ngóng. Tôi cũng học theo dáng vẻ của ông ta, vểnh tai nghe động tĩnh trong thôn.

“Cục… Cục… Cục… Tác…”

Một âm thanh yếu ớt phát ra từ trong thôn, sau đó là tiếng thứ hai, thứ ba, thứ tư... Rồi những con gà trống nuôi trong thôn bắt đầu gáy vang, hết đợt này đến đến đợi khác, lần sao cao hơn lần trước, truyền tới từ bên kia thôn.

Nói thật, sống ở thôn nhiều năm như vậy, đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng gà trống gáy dữ dội như vậy. Có lẽ do hồi trước thích ngủ nướng nên tôi đã bỏ lỡ cảnh tượng hoành tráng thế này.

Một phút sau, tôi thấy những người nằm trong mộ bắt đầu di chuyển. Đôi mắt tất cả bọn họ đều nhắm chặt, nhưng cơ thể lại đứng dậy, đi về phía thôn như đang mộng du.

Bác cả tôi cũng giống vậy, chỉ khác là ông ấy lại đi đến nhà thợ nề Trần ở đầu thôn.

Ngài Trần nói: “Tạm thời bọn họ không có việc gì, đợi đến khi trời sáng, bọn họ sẽ không nhớ rõ chuyện tối hôm nay.”

Ba người chúng tôi đi theo phía sau bác cả, cách một đoạn vì sợ đánh thức ông ấy.

Đến lúc này, tôi mới có thời gian khen ngợi ngài Trần: “Bác Trần, bác lợi hại quá, cháu vô cùng ngưỡng mộ bác.”

Tôi đang nói sự thật. Kể từ khi ngài Trần đến thôn chúng tôi, ông nội không bò ra khỏi mộ nữa, ba tôi mất tích cũng tìm về được, hơn nữa còn bình an không xảy ra chuyện gì. Bây giờ không tốn nhiều sức đã cứu được tính mạnh của hai mươi chín người, trong lòng tôi vô cùng khâm phục ông ta.

Ai ngờ ngài Trần lại xua tay nói: “Cháu đừng vui vẻ quá sớm, bọn họ chỉ tạm thời không có việc gì thôi. Nếu bác không đoán sai, tối hôm nay, chắc chắn bọn họ lại đến nơi này bày tư thế ngũ thể đầu địa.”

Tôi và bác hai gần cùng thốt lên: “Lại tới nữa?”

Ngài Trần nặng nề gật đầu: “Nếu ngũ thể đầu địa dễ dàng phá giải như vậy thì nó đã không được gọi là ngũ thể đầu địa rồi.”

Trong ấn tượng của tôi, ngũ thể đầu địa là cách lạy chụm hai tay, hai gối và đầu sát đất. Đây là một trong những nghi thức hành lễ nghiêm trang nhất của Phật giáo cổ ở Ấn Độ, ý nghĩa là thể hiện lòng tôn kính nhất. Từ này xuất phát từ kinh ‘Tỳ Bà Thi Phật’ của Phật giáo, mang nghĩa ca ngợi. Thế nhưng tôi hiểu, chắc chắn ngũ thể đầu địa trong miệng ngài Trần không phải giải thích theo nghĩa này.

Thế là tôi hỏi ngài Trần: “Tại sao lại gọi là ngũ thể đầu địa?”

Ngài Trần giải thích: “Thời cổ đại, chỉ có Hoàng đế mới được hưởng thụ đãi ngộ ngũ thể đầu địa. Trong giới của bác cũng giống như vậy, những kẻ đã có thành tựu cũng thường yêu cầu người khác ngũ thể đầu địa với mình. Mỗi khi trời tối, mấy tên có năng lực sẽ gọi những người đó tới, kêu bọn họ nằm rạp xuống bên cạnh ngôi mộ bản thân, sau đó chậm rãi xơi tái ba hồn bảy vía của bọn họ. Đợi bảy bảy bốn chín ngày sau, hồn phách của những người kia đều bị ăn tươi hết, đến lúc đó những người này chỉ còn con đường chết, thần tiên có xuống trần cũng không cứu được.”

Quả nhiên, ngài Trần vừa nói xong, sắc mặt tôi lập tức thay đổi. Nếu đúng như vậy, há chẳng phải bác cả tôi không sống quá bốn mươi chín ngày ư? Tôi vội vàng hỏi ngài Trần: “Vậy làm sao để phá giải? Mỗi lúc trời tối lại đến nơi này học tiếng gà gáy ư?”

Ngài Trần lắc đầu nói: “Có thể lừa dối một lần, lẽ nào có thể gạt bốn mươi chín lần tiếp theo? Hơn nữa, hôm nay bác học tiếng gà gáy chỉ là phương pháp trị ngọn không trị được gốc, nhiều nhất để bọn họ về nhà sớm hơn mà thôi, giống như câu nói kia, chẳng có nghĩa lý gì hết!”

Tôi không bỏ cuộc, tôi vừa mới mất đi một thành viên trong gia đình, tôi không muốn mất thêm một người thân nào khác. Vì vậy tôi lại hỏi ngài Trần: “Nếu như buổi tối trói mấy người này lại, không cho bọn ra ngoài thì sao?”

Ông ta bảo: “Vậy bọn họ còn chết nhanh hơn. Vốn dĩ còn có thể sống bốn mươi chín ngày, bị cháu trói lại sẽ chết ngay trong hôm đó.”

Tôi nhìn theo bóng lưng chậm rãi của bác cả phía trước, lòng nóng như lửa đốt nhưng lại không có cách nào. Trước đây ở trường học, dù vấn đề có khó khăn đến đâu đều có một cách giải quyết, sau đó đạt được đáp án chính xác. Thế nhưng tôi bỗng phát hiện ra những thứ tôi từng học được, mẹ nó đặt lên người bác cả lại chẳng có tác dụng gì.

Cũng chính trong khoảnh khắc này, tôi mới hiểu được trước mặt sự sống và cái chết, con người thật sự quá nhỏ bé. Trên đời này có biết bao nhiêu điều chưa biết, mức độ rủi ro cũng vô cùng lớn, dường như suy nghĩ sống yên lành đã trở thành một hy vọng xa vời.

Tôi không biết khi ông nội tôi luyện bản thân thành xác sống có từng nghĩ đến hậu quả này không. Nếu không nghĩ đến, biết được tình hình hiện tại của bác cả, liệu ông cụ có hối hận không? Nếu ông nội nghĩ tới những hậu quả này, tại sao ông cụ vẫn còn khăng khăng cố chấp luyện xác sống? Tại sao lại muốn cướp đoạt vận thế của vị kia?

Trong ấn tượng của tôi, ông nội là một ông cụ hiền lành, luôn cầm quạt đuổi muỗi cho tôi suốt đêm hè. Trước đây tôi luôn nghĩ mình rất hiểu ông, nhưng tại sao sau khi ông cụ mồ yên mả đẹp, tôi mới phát hiện ra hóa ra trên người ông cụ lại che giấu nhiều bí mật như thế?

Nếu đây là bài toán khó ông đặt ra cho cháu, liệu ông có thể cho cháu một phương hướng giải quyết và đáp án không?

Bác hai nhìn thấy dáng vẻ uể oải mất tinh thần của tôi liền vỗ vai an ủi: “Tiểu Thiên, đừng lo lắng quá, vẫn còn hơn bốn mươi ngày nữa, rồi sẽ tìm được biện pháp thôi, xe tới trước núi ắt có đường. Vả lại, dù không có cách nào thì đó cũng là số mạng của bác cả cháu, cháu lo lắng cũng chẳng có ích lợi gì.”

Tôi gật đầu, không nói gì.

Ngài Trần cũng quay đầu lại nói với tôi: “Tiểu Thiên, bác chưa từng gặp qua ngũ thể đầu địa, hơn nữa thợ đóng giày như bác cũng không am hiểu mấy thứ này nên không biết cách phá giải. Thế nhưng chuyện này không đồng nghĩa không có cách giải, bác biết có một người, rất giỏi xử lý những chuyện như này, có điều không dễ mời lắm.”

Tôi bảo dù có khó khăn đến đâu cũng muốn mời.

Bác hai cũng gật đầu tỏ vẻ đồng ý, còn nói: “Nếu thật sự không mời được thì trói lại mang về đây. Đừng quên, tôi là người có súng.”

Tôi hỏi đối phương là ai, ngài Trần bảo: “Trương Cáp Tử, ở Trung Khánh.” (Cáp Tử nghĩa là mù lòa).
Chương 12: Dãy núi Vòi Voi

Trương Cáp Tử? Trùng Khánh?

Trường đại học của tôi ở Trùng Khánh, tôi không quá quen thuộc Trùng Khánh nhưng chắc chắn không xa lạ gì. Vì vậy, tôi nói với ngài Trần: “Bác cho cháu địa chỉ của Trương Cáp Tử, cháu đi mời ông ấy.”

Không ngờ ngài Trần lại xua tay: “Không gấp, trước tiên đưa thợ nề Trần lên núi đã. Dù sao cái chết của thợ nề Trần cũng có quan hệ với nhà cháu, ông ấy lại không có con nối dõi. Mấy chuyện như đưa tang này, nhà cháu vẫn nên đứng ra làm.”

Ngài Trần nói không sai, dù nguyên nhân cái chết của thợ nề Trần là đau tim nhưng trên thực tế ai cũng biết vì xuống dưới sửa lại mộ cho ông nội, chọc trúng thứ không sạch sẽ nên ông ấy mới bất ngờ qua đời. Lúc trước ngài Trần cũng từng nói, những năm gần đây thợ nề Trần thường sửa mộ cho người chết, lâu lắm rồi không sửa nhà cho người sống. Âm khí vốn đã tích lũy tới một trình độ nhất định rồi. Mà mộ ông nội tôi chính là cọng rơm cuối cùng đè chết thợ nề Trần.

Tôi nhớ ngài Trần từng nói, trên đời này, bất kể là người nào hay làm việc gì đều phải chú ý cân bằng âm dương. Vì vậy những người có thể giao tiếp với người chết đều thích tiếp xúc với người sống, mục đích là để dính hơi người. Giống như ngài Trần, ông ta là thợ đóng giày, làm giày âm cho người chết hơn ba mươi năm. Thế nhưng trong xã hội, nghề nghiệp của ông ta lại là ông chủ tiệm giày, đóng giày rồi bán cho người sống, mục đích để trung hòa âm khí trên người.

Thợ nề Trần thì khác, hiện tại xã hội phát triển quá nhanh, nghề thợ xây của ông ấy chỉ có ở trong thôn mới cần dùng đến. Thế nhưng nông thôn nào có nhiều người cần xây nhà chứ? Vì vậy vì kiếm sống, thợ nề Trần không thể không sửa chữa mộ người chết, dường như đây chính là duyên trời định.

Tôi còn nhớ rõ sau khi ngài Trần nói lời này xong, ông ta thở dài một hơi, than một câu: Sống trên đời, ai cũng không dễ dàng!

Trong khi suy nghĩ những chuyện này, chúng tôi đã đi theo bác cả quay về sân nhà thợ nề Trần. Cả ba ngừng nói chuyện, cẩn thận theo dõi những động tác tiếp theo của bác cả.

Chỉ thấy ông ấy đẩy cổng sân nhà thợ nề Trần ra, nhấc chân phải bước vào. Sau khi đi vào, ông ấy đi thẳng tới phía trước linh đường, ngồi xuống ghế, sau đó cơ thể mềm nhũn xuống, giống như đang ngủ say. Chúng tôi cũng vào trong, lúc này phía động đã lóe lên vài tia sáng, xem ra không lâu sau trời sẽ sáng.

Ngài Trần đứng dậy đi đến linh cữu thợ nề Trần, thắp ba nén nhang, sau đó lấy mấy đồng xu dán trên di ảnh xuống, nói một câu: “Chết rồi thì yên ổn chút đi, lần này phong ấn ánh mắt của ông, lần sau còn kiếm chuyện nữa là tôi phong ấn cả người luôn đấy.”

Tôi không biết có phải bản thân xuất hiện ảo giác không nhưng cảm giác bị theo dõi lúc trước không còn nữa. Hơn nữa, khi tôi nhìn lại di ảnh của thợ nề Trần, ánh mắt của ông ấy đang nhìn về phía trước, không phải phía tôi.

Trời đã rạng sáng, sau khi thầy tu làm lễ cúng bái cho thợ nề Trần tới, bác cả tôi cũng tỉnh lại. Ông ấy thấy bọn tôi thì hỏi: “Sao mọi người lại đến đây?”

Tôi đáp: “Bọn cháu tới đón bác về nhà.”

Bác cả cười đáp: “Bác cũng không phải con nít ba tuổi, còn có thể không biết đường về à?”

Nói xong, ông ấy bước ra ngoài sân.

Quả nhiên, bác cả không nhớ được những chuyện đã xảy ra đêm qua.

Bác hai đuổi theo đi bên cạnh ông ấy, không biết bọn họ đang nói chuyện gì. Tôi tụt lại phía sau đi cùng với ngài Trần. Nói thật, bây giờ tôi vô cùng tò mò với người trong giới ngài Trần, cảm thấy bọn họ có thể giải quyết những chuyện kỳ quái là một việc rất thần kỳ.

Tôi hỏi ngài Trần: “Bác Trần, tại sao bác cả tôi cũng bị chọn đi làm ngũ thể đầu địa?”

Tôi đã định hỏi câu này từ tối hôm qua. Nếu chỉ là chọn hai mươi tám thanh niên cường tráng kia thì tôi sẽ hiểu đơn giản là do bọn họ đã đào mộ của người ta, vị kia không vui trong lòng nên muốn báo thù. Thế nhưng bác cả tôi lại không hề làm chuyện đó.

Ngài Trần nói: “Nguyên nhân chính là lúc trước ông nội cháu trộm vận thế của vị kia, đối phương không đối phó ông nội cháu được nên đành ra tay với người nhà ông cụ là mấy người.”

Tôi hỏi lại: “Vậy tại sao không phải là bác hai, không phải ba cháu, cũng không phải cháu?”

Ngài Trần nghe được câu hỏi này thì cười gằn một tiếng, điệu cười của ông ta khiến tôi khẽ run lên. Sau đó tôi bỗng nghe ông ta nói: “Bác hai của cháu là cảnh sát, là nghề nghiệp đặc biệt, có nghề che chở, đoán chừng vị kia không dám tìm đến. Bác cũng không hiểu được nguyên nhân tại sao không tìm ba cháu, có thể là do may mắn. Về phần tại sao không đi tìm cháu là bởi vì ngày hôm qua cháu ở cùng với ông nội. Nếu không buổi tối hôm nay cháu thử ngủ một mình xem? Để coi sáng mai cháu có ngủ trên mộ ông nội không.”

Nghe xong lời này của ngài Trần, trong đầu tôi bỗng vẽ ra một hình ảnh:

Trong màn đêm đen kịt, tôi đứng dậy khỏi giường, nhắm mắt mở cửa bước ra ngoài sân, rồi một mình bước đi trên con đường tối thui như mực, mục tiêu chính là ngôi mộ của ông nội tôi. Dọc theo đường đi, có lẽ sẽ có rất nhiều cặp mắt nhìn chằm chằm vào tôi, thậm chí có những thứ không sạch sẽ chỉ trỏ tôi, nhưng tôi lại không gì cả, cứ thế đi về phía trước. Sau khi đến mộ ông nội, tôi bò lên phía trên ngôi mộ, nằm xuống và ngủ tiếp. Đến sáng ngày hôm sau, tôi tỉnh dậy và phát hiện bản thân đang nằm trên mộ...

Tôi vội rùng mình, cảnh tượng này quá đẹp, tôi vẫn không nên nghĩ tới. Vì vậy, tôi nhanh chóng tâng bốc bản lĩnh của ngài Trần, nhờ ông ta che cho tôi vào ban đêm.

Dựa theo suy nghĩ của ngài Trần, sau khi nhìn thấy vạn chuột vái mộ, ông ta đã quyết định sẽ rời đi vào rạng sáng ngày hôm nay. Tuy nhiên tối hôm qua lại xảy ra chuyện như vậy, ông ta quyết định chờ sau khi thợ nề Trần lên núi mới rời đi.

Sau khi ăn sáng xong, bác cả, bác hai và ba tôi cầm gàu xúc và cuốc làm cỏ đến mộ ông nội, nơi đang có hàng ngàn hàng vạn xác động vật nhỏ cần xử lý. Ngài Trần kêu bọn họ gom hết xác chết lại một nơi rồi đốt đi, tránh gây ra dịch bệnh.

Mà tôi thì dẫn ngài Trần đi lên ngọn núi gần đó xem xét theo yêu cầu của ông ta.

Tôi không biết mục đích của ông ta là gì, vì vậy tôi tùy tiện dẫn ông ta đến ngọn núi phía sau nhà. Ngọn núi này có tên là ‘Dãy Vòi Voi’, bởi vì hình dáng của nó giống hệt một con voi lớn. Hơn nữa dãy núi rất dài, giống y như mũi voi nên mới được gọi là ‘Dãy Vòi Voi’.

Sau khi nghe tôi giới thiệu về ngọn núi này xong, ngài Trần bỗng nhiên hỏi tôi: “Cháu đã thấy voi bao giờ chưa?”

Tôi bảo đã từng nhìn thấy trên ti vi.

Ngài Trần hỏi lại: “Trong thôn có ti vi không?”

Tôi đáp không có, sau khi lên đi học tôi mới thấy.

Thật sự rất đúng, vấn đề giao thông của thôn chúng tôi thường bị tắt nghẽn, là một thôn làng nghèo nàn, lạc hậu tiêu biểu. Cách đây ít năm mới có điện, thế nhưng tất cả mọi người đều quen dùng đèn dầu. Đối với những người chỉ nghỉ ngơi khi mặt trời lặn như bọn họ mà nói, đồ vật như ti vi toàn là những thứ vô dụng.

Ngài Trần trầm ngâm gật đầu, rồi nói với tôi: “Tức là thật ra người trong thôn chưa từng nhìn thấy voi đúng không?”

Tôi suy nghĩ, gật đầu: “Chắc vậy, sinh viên đại học như cháu ra ngoài rồi mới nhìn thấy loại động vật này, càng đừng nói đến bà con chỉ sống trong thôn gần như không hề ra ngoài nhỉ?”

Ngài Trần lại hỏi tôi: “Người trong thôn chưa từng nhìn thấy voi, vậy tên núi được đặt bằng cách nào? Sao đối phương lại biết ngọn núi trông giống như một con voi?”

Câu hỏi của ngài Trần khiến tôi bối rối. Tôi chưa từng nghĩ tới vấn đề này, lúc trước đều là ông nội tôi kể lại ngọn núi này gọi là dãy Vòi Voi, hơn nữa người trong thôn cũng gọi như vậy nên tôi cũng kêu như thế thôi. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến, rốt cuộc là ai đã đặt tên cho ngọn núi này.

Tôi nói: “Chúng ta đi hỏi trưởng thôn xem, chắc bác ấy biết.”

Ngài Trần gật đầu, không vội đi tìm thôn trưởng mà tiếp tục đi lên núi. Khi đến lưng chừng núi, ông ta dừng lại, rồi nhìn xuống núi, từ đây nhìn xuống núi có thể thấy toàn cảnh ngôi làng. Khi tôi còn nhỏ, ông nội thích đưa tôi đến đây, ông cụ để tôi ngồi ở chỗ này, còn bản thân ông thì ra đồng trồng khoai lang. Nhà tôi ở ngay sát sườn núi.

Sau khi xem một hồi, ngài Trần không nhịn được lắc đầu: “Chậc chậc, bác còn đang khó hiểu tại sao bác Đình lại chọn nơi đó để chôn cất, hóa ra là như vậy!”

Nghe xong tôi như lọt trong sương mù, vội hỏi: “Bác Trần, nghĩa là sao?”

Ngài Trần chỉ tay về một hướng, hỏi tôi: “Cháu nhìn xem, ngọn núi đó có hình dáng gì?”

Tôi nhìn theo ngón tay của ông ta, đó là ngọn núi đối diện với chúng tôi. Tôi quan sát, không chắc chắn lắm: “Giống như, một con sư tử đang nằm sấp?”

Ngài Trần vỗ đùi, nói: "Đúng là sư tử! Cháu lại nhìn ngọn núi này xem, giống cái gì?”

“Cũng giống sư tử.” Tôi đáp.

Sau đó ngài Trần lại chỉ mấy ngọn núi, đều hỏi tôi giống cái gì.

Tôi đếm, ông ta chỉ tổng cộng chín ngọn núi, tất cả đều giống sư tử.

Ngài Trần hơi kích động hỏi tôi: “Tiểu Thiên, cháu xem, những con sư tử này đang quay đầu về hướng nào?”

Tôi tưởng tượng những rặng núi đó thành từng đường, rồi kéo dài nó ra. Ngay sau đó, tôi ngạc nhiên phát hiện vậy mà những đường cong này lại hội tụ tại một điểm. Mà điểm đó lại chính là mộ của ông nội tôi!
Chương 13: Đèn tắt

Vẻ mặt ngài Trần khá kích động, chỉ vào từng ngọn núi giải thích: “Cháu có nhìn thấy không? Tất cả các ngọn sư tử này đều cúi đầu về cùng một hướng, chính là hướng mộ của ông nội cháu. Cháu có biết cái này gọi là gì không?”

Tôi lắc đầu, đọc sách hơn mười năm, không ai dạy tôi chuyện này bao giờ, sao tôi có thể biết được?

Ngài Trần ngày càng trở nên phấn khích: “Phía trước có chín con sư tử cùng cúi đầu lạy, ngọn núi này lại giống voi, cũng chính là một con voi lớn, chín đầu sư tử lạy một con voi! Chín sư vái voi! Cháu hiểu không?”

Đây là lần đầu tiên tôi thấy ngài Trần phấn khích như vậy kể từ khi tôi gặp được ông ta. Nhưng chín sư vái voi là gì thì tôi vẫn chưa hiểu. Thế là tôi hỏi ngài Trần: “Chín sư vái voi rất tốt ạ?”

Ngài Trần cười nói: “Tiểu Thiên, cháu muốn hỏi chín sư vái voi có tốt không? Bác nói cho cháu biết, đại phúc đại quý đấy. Về phần giàu sang phú quý đến mức nào, chỉ có thể miêu tả bằng năm chữ, cao sang hết chỗ nói!”

Tôi thấy ngài Trần bật cười thì cũng cười theo, hỏi: “Lợi hại như vậy ư?”

Ông ta hừ một tiếng, giải thích: “Cháu biết trước đây từng có một tên ăn mày, sau đó làm hòa thượng, cuối cùng trở thành Hoàng đế không?”

Tôi thuận miệng trả lời: “Bác Trần, không phải là Chu Trùng Bát, Chu Nguyên Chương chứ?”

Ngài Trần nói: “Đúng, chính là ông ấy. Cháu có biết cha ông ta được chôn cất ở mảnh đất nào không?”

Tôi liên hệ với cuộc trò chuyện trước đó, rồi ngạc nhiên hỏi: “Chẳng lẽ cũng là nơi chín con sư tử thờ một con voi?”

Ngài Trần lắc đầu, sau đó duỗi ngón cái bấm đầu ngón út: “Hơi kém hơn chín sư vái voi, chỉ một chút thôi.”

Sau khi nghe những lời này của ngài Trần, tôi đã bị dọa đến mức không nói nên lời.

Thấy dáng vẻ giật mình của tôi, ngài Trần lại bảo: “Chẳng qua đáng tiếc, bên trong mộ lại chôn hai người, cả hai đều không được lợi.”

Ngài Trần đã biết những gì mình muốn biết, vì vậy không cần phải leo lên trên nữa, chuẩn bị dọn đường quay về nhà. Ngay lúc đó, tôi thấy cách phần mộ ông nội tôi không xa bốc lên một đám khói đen, phía bên dưới còn có ba người đang chạy tới chạy lui. Tôi đoán, kia hẳn là mấy người ba tôi đang thiêu rụi xác chết của đám động vật.

Sau khi xuống núi, sắc trời còn sớm, tôi dẫn ngài Trần đi dạo một vòng quanh thôn. Nhân khoảng thời gian này, tôi đã hỏi rất nhiều câu hỏi mà trước đây tôi vẫn luôn muốn hỏi. Có mấy câu ngài Trần biết, cũng có câu ông ta không biết.

Thôn này vốn không lớn lắm, khi chúng tôi quay về từ cuối thôn thì tình cờ đụng phải mấy người ba tôi. Cả nhóm trở về nhà, cùng nhau ăn cơm trưa.

Bữa cơm mới ăn được một nửa, bên ngoài sân nhỏ đã có người vội vàng gõ cửa. Bác cả đứng dậy đi ra mở, là Vương Thanh Tùng, bí thư của thôn. Ông ta vừa mở miệng đã hỏi: “Ngài Trần có ở nơi này không?”

Bác cả nói: “Có ở đây, vào đi, có chuyện gì thế?” đến chưa?

Vương Thành Tùng vội vã bước vào, tôi thấy đầu ông ta toát đầy mồ hôi. Thế nhưng ông ta chưa kịp lau mồ hôi đã đi thẳng đến trước mặt ngài Trần: “Ngài Trần, ông mau đi theo tôi, xảy ra chuyện không may rồi.”

Bác cả tôi nói: “Ngài Trần còn chưa ăn cơm xong, có chuyện gì ông cứ từ từ nói, đợi ngài Trần cơm nước xong xuôi…”

Tuy nhiên Vương Thành Tùng không có thời gian chờ ngài Trần ăn cơm xong, thay vào đó, ông ta kéo thẳng tay ngài Trần ra ngoài, vừa đi vừa nói: “Thợ nề Trần bên kia xảy ra tai nạn rồi.”

Nghe xong, tôi suýt nữa không cầm chắc đôi đũa trong tay, vội vàng đứng dậy đi theo ra ngoài. Mẹ tôi bảo tôi ăn cơm xong đã, tôi nói về rồi ăn sau. Bác cả và bác hai cũng chạy theo.

Khi tôi đuổi kịp mấy người ngài Trần, đúng lúc tôi nghe được Vương Thanh Tùng nói: “Hình như Vương Nhị Cẩu bị quỷ nhập vào người rồi.”

Tôi nghe xong thì vô cùng hoảng hốt, thật sự có chuyện như quỷ nhập vào người ư? Chẳng qua khi tôi nghĩ đến những gì gặp phải lúc trước, tôi vốn đã hơi tin rồi.

Ngài Trần hỏi: “Xảy ra chuyện gì?”

Vương Thanh Tùng đáp: “Buổi sáng hôm nay không có sao, sau khi thầy tu làm lễ đã đi về trước. Đợi đến khi ông ấy trở lại, Vương Nhị Cẩu lại không cho ông ấy tiến vào sân nhỏ, còn bảo ai dám vào thì gã ta sẽ chém chết người đó.”

Tôi ngắt lời: “Có phải Vương Nhị Cẩu lại say rượu rồi không?”

Vương Nhị Cẩu là một con nghiện rượu, trong thôn ai cũng biết chuyện này, đó là lý do tại sao tôi hỏi một câu hỏi như vậy.

Vương Thanh Tùng liếc nhìn tôi, nói: “Chắc chắn không phải say rượu, bởi vì gã ta nói chuyện bằng giọng của thợ nề Trần!”

Tôi thấy trên khuôn mặt căng thẳng của Vương Thành Tùng toát đầy mồ hôi, không biết là vì thời tiết quá nóng hay do sợ hãi.

Vương Nhị Cẩu biết dùng kỹ xảo của miệng để bắt chước các âm thanh khác nhưng gã ta không học cách nói chuyện của người khác. Đây là chuyện mọi người đều biết rõ. Thế mà gã ta lại nói bằng giọng của thợ nề Trần, nguyên nhân đã rất rõ ràng.

Nhà tôi cách đầu thôn không xa, mọi người lại chạy chậm nên không lâu sau chúng tôi đã đến bên ngoài sân nhà thợ nề Trần. Đã có khá nhiều bà con vây xung quanh, bọn họ đang xì xào bàn tán, đồng thời chỉ trỏ về phía sân nhà thợ nề Trần. Nhìn thấy ngài Trần đến, tất cả mọi người đều rối rít tránh ra một con đường, miệng vẫn còn đang lẩm bẩm: “Ngài Trần tới rồi, chắc lại là chuyện không tốt.”

Cũng có người chỉ bác cả và bác hai tôi, sao nhà bọn họ cũng tới? Còn sợ chưa hại người khác đủ à?

Tôi biết rằng kể từ khi ông nội tôi qua đời và sự kiện vạn chuột vái mộ, bọn họ có thể tránh thì sẽ cố gắng tránh xa nhà chúng tôi hết mức có thể. Đó là bởi vì bọn họ không biết chuyện ngũ thể đầu địa, tôi đoán nếu họ biết, chắc chắn sẽ có người tìm tới tận cửa dốc sức liều mạng với nhà tôi.

Còn chưa kịp mở cửa ra, tôi đã nghe thấy một giọng hát truyền đến từ sân nhỏ, là kịch trồng hoa. Mà âm thanh kia thật sự là giọng của thợ nề Trần!

Cửa sân được cài then từ phía trong, không thể đẩy ra. Tôi thấy ngài Trần kiễng chân, duỗi tay vịn vào hàng rào trên tường để nhìn vào trong. Tôi cũng học theo cách làm của ông ta, bám vào tường rồi nhìn vào sân

Chỉ thấy Vương Nhị Cẩu đứng bên cạnh quan tài, tay phải cầm một con dao chuyên dùng để xây tường. Gã ta vừa hát kịch trồng hoa, vừa cầm dao gõ gõ, trét trét khắp nơi trên quan tài. Nhìn dáng vẻ này, hình như đang sửa quan tài nhỉ?

Thợ nề Trần nhập vào cơ thể Vương Nhị Cẩu, tự sửa chữa quan tài của mình? Đây là loại hình ảnh quỷ dị gì thế?

Ngài Trần nghiêng đầu liếc mắt một cái, sau đó nhảy xuống, lại bám vào một bên tường khác nhìn vào trong. Thế nhưng ông ta lại nghiêng đầu nhìn mấy lần, rồi lại nhảy xuống tìm chỗ mới. Trông dáng vẻ của ngài Trần, hình như ông ta đang tìm kiếm đồ vật gì đó trong sân.

Cuối cùng, đợi đến lần thứ ba bán vào tường, ông ta mới vô thức gật đầu, xem ra đã tìm được thứ mình muốn tìm.

Ngài Trần nhảy xuống, Vương Thanh Tùng lập tức chạy đến hỏi: “Ngài Trần, là chuyện gì thế?”

Ngài Trần nói: “Đèn dầu phía dưới quan tài của thợ nề Trần đã tắt.”

Ngay khi ông ta nói xong những lời này, trong đám đông bỗng vang lên một trận ầm ĩ.

Theo phong tục của chúng tôi, sau khi một người nào đó qua đời cần phải đặt một ngọn đèn dầu ngay dưới chân của người đã chết. Dù người đó vào quan tài thì cũng phải đặt đèn ở dưới quan tài tương ứng với vị trí chân của người đó. Trong thời gian làm lễ, cần phải có người chăm sóc đặc biệt, phải châm thêm dầu cho đèn bất cứ lúc nào, nhất định không được để đèn tắt.

Ngài Trần hỏi: “Ai là người chịu trách nhiệm trông nom đèn dầu?”

Vương Thanh Tùng chán nản vỗ đầu, nói: “Chuyện này là lỗi của tôi, do tôi không sắp xếp tốt, hết lần này đến khác lại để tên quỷ rượu Vương Nhị Cẩu kia trông đèn. Sáng hôm nay đèn vẫn còn sáng, tôi cũng không nghĩ nhiều. Chắc chắn đồ chó hoang Vương Nhị Cẩu kia quên thêm dầu cho đèn rồi. Ngài Trần, bây giờ phải làm sao?”

Ngài Trần suy nghĩ một lát rồi bảo Vương Thanh Tùng đi tìm người thắp đèn!

Vương Thanh Tùng hỏi, tìm ai đây?

Ông ta nói xong thì đưa mắt nhìn những người xung quanh một vòng. Thế nhưng bà con vừa bắt gặp ánh mắt của ông ta thì lập tức lùi về phía sau mấy bước, vì sợ ông ta sẽ chọn mình đi thắp đèn. Đây không phải là một trò đùa, nếu như bị Vương Nhị Cẩu phát hiện, còn không muốn bị gã chém chết à? Hơn nữa, cái chết của thợ nề Trần quá kỳ lạ, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân, không có người nào muốn dính vào thứ đen đủi này!

Thấy vậy, bác hai liền hỏi ngài Trần: “Có thể cho mấy người xông vào đè Vương Nhị Cẩu xuống rồi đi thắp đèn được không?”

Bác hai không hổ là làm nghề cảnh sát, đầu óc rất nhanh nhẹn.

Thế nhưng ngài Trần lại gạt bỏ ngay: “Không được để thợ nề Trần phát hiện chúng ta thắp đèn dầu, nếu không hại nhiều hơn lợi. Hơn nữa, mạnh mẽ trói Vương Nhị Cẩu lại thì gã ta sẽ chết trước.”

Ngài Trần nhìn lướt qua đám người một lần nữa, hỏi lại: “Có ai bằng lòng đi không?”

Mấy tiếng bàn tán lúc trước lập tức trở nên yên lặng, không ai chịu đứng ra.

“Thợ nề Trần chết vì sửa mộ cho nhà họ Lạc, tại sao không kêu bọn họ đi thắp đèn?” Bỗng nhiên một giọng nói vang lên từ trong đám đông.
Chương 14: Ma thổi đèn

“Thợ nề Trần chết vì sửa mộ cho nhà họ Lạc, sao người không gọi người nhà bọn họ đến thắp đèn?”

Những lời này vừa thốt ra khỏi miệng, hiện trường ngay lập tức có rất nhiều người hùa theo. Cái gì cũng nói, chẳng qua ý cơ bản đều là để người nhà tôi đi.

Từ khi còn nhỏ, tôi đã biết rõ nhà họ Lạc chúng tôi đối với bà con trong thôn là người bên ngoài. Khi tôi còn nhỏ, rất nhiều đứa trẻ sẽ xúm lại bắt nạt tôi, chỉ vì họ của bọn chúng đều là Vương, mà tôi lại mang họ Lạc. Quan niệm của dòng họ đã ăn sâu bén rễ vào trong nhận thức của người dân nơi này, đây là kết quả của sự tích lũy tư tưởng Nho giáo hơn hai nghìn năm, không thể thay đổi.

Tôi vẫn nhớ lúc đó, mỗi khi tôi bị bắt nạt khóc lóc quay về, ông nội đều mỉm cười an ủi tôi, nói mười năm sau, cháu hãy nhìn xem những người bắt nạt cháu sẽ như thế nào.

Lúc đó tôi không hiểu tại sao ông nội lại nói như vậy, hiện giờ hiểu được thì ông nội đã không còn ở đây nữa.

Âm thanh hùa theo của bà con trong thôn càng ngày càng lớn, từ lúc ban đầu chỉ đề nghị đã biến thành cưỡng ép. Dường như chỉ cần nhà chúng tôi không đi sẽ bị Thiên Lôi đánh. Tôi biết cuối cùng nỗi oán hận mà bọn họ tích tụ mấy ngày nay cũng sắp bùng nổ.

Bác hai tôi không nghe được nữa, chủ động đi ra nói muốn thắp đèn. Thế nhưng ngài Trần lại từ chối, ông ta nói: “Sát khí nghề nghiệp trên người ông quá nặng, không thể thắp đèn. Không chỉ lần này mà kể cả sau này nếu có người chết, ông cũng không được thắp đèn.”

Bác cả bảo mình sẽ đi, ngài Trần nhìn ông ấy đầy ẩn ý, rồi lắc đầu nói: “Ông cũng không đi được.”

Bác cả hỏi tại sao, ngài Trần không nói gì, chỉ bảo: “Dù sao ông cũng không thể thắp.”

Tôi liếc bác hai, phát hiện ông ấy cũng đang nhìn tôi, chắc cũng cùng một suy nghĩ với tôi: Trên người bác cả có chú ‘ngũ thể đầu địa’, hồn phách bản thân không ổn định, không thể thắp đèn.

Ngài Trần cũng nói bản thân không thể đi, ông ta là thợ đóng giày, thân phận đặc biệt, sẽ bị phát hiện ngay khi bước vào.

Không còn lựa chọn nào khác, cuối cùng chỉ còn lại tôi. Tuy bác cả và bác hai không đồng ý, cho rằng quá nguy hiểm nhưng vì không có cách nào tốt hơn nên đành phải đồng ý.

Ngài Trần đưa cho tôi một hộp diêm, sau đó lấy ra một đôi giày âm từ trong lòng cho tôi mang vào. Sau đó ông ta dặn dò tôi, nhất định không được để ‘Vương Nhị Cẩu’ nhìn thấy, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy rằng tôi rất muốn hỏi tại sao lại gặp nguy hiểm tính mạng nhưng tôi biết thời gian eo hẹp nên không hỏi tiếp.

Tôi cầm diêm, leo lên từ một góc sân, rồi nằm bò trên đầu bức tường, nhìn vào trong sân. Phát hiện không có động tĩnh gì, tôi mới nhanh chóng trèo qua tường, hai tay vịn vào vách, chậm rãi tụt xuống. Sau khi chạm đất, tôi vội vàng quay đầu nhìn sân nhỏ, khá tốt, rất thuận lợi.

Tôi nhìn thoáng qua cử, không thấy gì, nhưng tôi biết chắc chắn bác cả và bác hai đang nhìn tôi qua khe cửa. Giống như bọn họ đã nói lúc trước, nếu như tôi xảy ra chuyện ngoài ý muốn, bọn họ sẽ mặc kệ sự sống chết của Vương Nhị Cẩu, lao vào cứu tôi. Nghĩ tới bên ngoài vẫn còn có hai người bác đang trông nom, trong lòng tôi vững tin hơn rất nhiều.

Tôi hóp lưng lại như mèo đi dọc theo bờ tường về phía phòng chính. Còn chưa đi được mấy bước, tôi lại có cảm giác bị nhìn chằm chằm. Tôi vốn cảm giác này đến từ mấy người bác cả ở cửa ra vào nhưng thật ra không phải, và ảo giác này suýt chút nữa đã lấy mạng tôi.

Tôi nhanh chóng đi tới bên ngoài nhà chính nơi đặt linh đường. Tôi ngồi xổm trên mặt đất, lặng lẽ thò đầu ra, nhìn xem lúc này ‘Vương Nhị Cẩu’ đang đứng phía bên nào của quan tài.

Khá tốt, vận may của tôi không tệ lắm, ‘Vương Nhị Cẩu’ đang cầm dao sửa mặt kia của quan tài.

Thế là tôi cong eo lại như mèo, chuẩn bị đi vào trong. Trước khi di chuyển, tôi vô tình liếc qua bức ảnh di của thợ nề Trần, phát hiện ông ấy vẫn nhìn theo tôi như cũ. Hơn nữa lúc này, ánh mắt ông ấy đang nhìn xuống dưới phía bên trái, chính là vị trí nơi tôi ngồi xổm. Cho đến lúc này, tôi mới nhận ra cảm giác bị theo dõi sau khi bước vào sân nhỏ không phải tới từ bác cả bác hai của tôi mà là vị trong di ảnh này.

Mặc dù trong lòng đang rất sợ hãi, nhưng hiện tại tôi không thể để ý nhiều như vậy. Dù sao thì di ảnh cũng không nói chuyện, sẽ không la lớn khiến ‘Vương Nhị Cẩu’ chú ý. Tôi chỉ cần cẩn thận chui xuống dưới quan tài, thắp đèn lên là được rồi.

Tôi dán lưng vào một phía quan tài cẩn thận đi từng bước, ánh mắt cứ nhìn chằm chằm hai cặp chân của ‘Vương Nhị Cẩu’ ở phía bên kia để xác định vị trí của gã ta, rồi thay đổi vị trí của mình tùy theo đó.

Cuối cùng vất vả lắm mới đến phần đuôi quan tài, ‘Vương Nhị Cẩu’ vừa hát vừa vung dao. Tôi nghĩ đã đến lúc ra tay nên móc hộp diêm, lấy ra một que, nhẹ nhàng quẹt một cái vào cạnh hộp. Tôi không dám tạo ra âm thanh quá lớn, sợ sẽ bị phát hiện. Thế nhưng ai từng dùng diêm đều biết, lực quẹt quá yếu, không đủ lực ma sát, hoàn toàn không thể bắt lửa.

Đúng lúc này ‘Vương Nhị Cẩu’ lại giúp đỡ tôi một chuyện lớn, vở kịch trồng hoa mà gã ta hát đến đoạn cao trào. Thế là tôi tranh thủ thời gian quẹt mạnh một phát nhân lúc gã ta hát lên nốt cao.

Tuy nhiên, không biết có phải que diêm bị ẩm hay phốt pho đỏ trên đầu que đã bay sạch mà que diêm vẫn không bắt lửa. Không có cách nào, tôi đành phải thay đổi một cây khác, tiếp tục quẹt. Thế nhưng vẫn giống như trước, phốt pho đỏ đã bị lau sạch hoàn toàn hoặc vốn đã không có.

Trên đất đã ném xuống mười mấy que diêm rồi, vẫn không có que nào đốt được. Đầu tôi túa đầy mồ hôi, cảm thấy sắp không thở nổi nữa. Lúc tôi bước vào, ngài Trần cũng không dặn tôi phải làm gì nếu que diêm không thể bắt lửa! Mà ngay lúc này, tôi lại có cảm giác bị theo dõi, cái cảm giác đó rất mãnh liệt, giống như có ai đang ở gần đây nhìn chằm chằm tôi.

Tôi vội vàng quay đầu lại, nhìn thoáng qua đôi chân của ‘Vương Nhị Cẩu’, phát hiện gã ta vẫn đang đứng ở chỗ khác nhưng đang từ từ tiến về phía tôi rồi. Tuy gã ta đi một bước lại dừng rồi sửa quan tài, nhưng từ đầu đến đuôi quan tài dài có bao nhiêu mét, còn không phải chỉ bảy tám bước thôi à?

Trong lòng tôi vô cùng lo lắng, hai tay cũng bắt đầu run lên. Nhưng việc vẫn phải làm, tôi cố gắng chịu đựng sự sợ hãi, niệm Bồ Tát phù hộ, Bồ Tát phù hộ, Bồ Tát phù hộ trong lòng, sau đó quẹt mạnh diêm.

“Xoẹt!”

Cuối cùng diêm cũng bắt lửa, tôi mừng rỡ như điên, vội vàng đi thắp đèn.

Thế nhưng mới vừa đưa vào một nửa, diêm lại bị một cơn gió thổi tắt!

Suýt nữa tôi đã chửi mẹ nó, sao sớm không có gió trễ không có gió, hết lần này tới lần khác lại có ngay lúc này thế, nhắm vào tôi đấy à?

Phàn nàn là phàn nàn nhưng động tác của tay tôi vẫn không dừng lại, không biết có phải do tôi niệm chú Bồ Tát phù hộ hay không mà lần này tôi quẹt một phát, diêm đã bùng lên.

Rút kinh nghiệm từ lần trước, tôi đặc biệt dùng hai tay bảo vệ diêm rồi từ từ tiến lại gần ngọn đèn dầu.

Thấy ngọn lửa nhỏ sắp chạm vào bấc của ngọn đèn dầu thì một luồng gió khác xuất hiện, diêm bị thổi tắt. Lúc ấy tôi sững sờ cả người, hai tay tôi đang bảo vệ trái phải diêm, bên dưới là mặt đất, bên trên có quan tài chắn gió, luồng gió này đến từ đâu? Chẳng lẽ là hơi thở của tôi?

Thế là tôi lại quẹt một cây khác, nín thở đi thắp đèn. Tuy nhiên, diêm vẫn bị gió thổi tắt.

Tay tôi không thể tạo gió, mặt cũng không thổi gió được, lẽ nào là quan tài thổi?

Nghĩ đến đây, tôi không nhịn được ngẩng đầu nhìn lên. Ngay sau đó, tôi nhìn thấy một cảnh tượng khiến tim tôi gần như ngừng đập.

Di ảnh của thợ nề Trần được gắn chặt vào dưới đáy quan tài, khi tôi nhìn lên, ông ấy cũng ngước mắt nhìn tôi, chúng tôi bốn mắt nhìn nhau. Qua khóe mắt, tôi còn trông thấy ông ấy ra sức chu miệng, không ngừng thổi gió!

Tất cả các que diêm đều bị ông ấy thổi tắt!

Ma thổi đèn?

Ông ấy kề sát đầu tôi từ lúc nào thế? Tại sao lại chạy xuống dưới này. Có phải tôi vừa chui xuống dưới quan tài thì ông ấy đã chạy từ linh vị của mình xuống đây dán vào đáy quan tài không? Nếu đúng như vậy, có phải thật ra những gì tôi vừa làm đều được thực hiện dưới mí mắt ông ấy không?

Tôi rất muốn chạy nhưng lại phát hiện vì quá sợ hãi mà chân tôi đã không còn nghe lời. Mà đúng lúc này, ‘Vương Nhị Cẩu’ lại đi tới ngồi xổm ở vị trí của tôi. Tôi thấy chân gã ta chậm rãi cong lại, không sai, gã ta đang ngồi xuống. Mà tôi, chắc chắn sẽ bị gã ta tóm được!

Tôi cố gắng khống chế đôi chân của mình, nhưng phát hiện ra tất cả đều vô ích.

‘Vương Nhị Cẩu’ đã hoàn toàn ngồi xổm xuống rồi, tay phải cầm dao, tay trái đặt lên quan tài. Tôi không nhìn thấy mặt gã ta, bởi vì trong khoảnh khắc gã ta ngồi xổm xuống, di ảnh thợ nề Trần lại trượt qua dán lên mặt gã ta. Trong di ảnh, thợ nề Trần nhe răng trợn mắt, mỉm cười vô cùng quỷ dị.

Sau đó, tôi nghe gã ta nói: “Bắt được rồi.” Tiếp đó, tay phải gã ta giơ con dao lên cao, chém về phía tôi…
Chap 15 : Một đôi giày âm

Dao gạch được gọi bằng cái tên kì cục như vậy bởi vì dùng nó chém gạch hệt như dao cắt vào miếng đậu hũ, đơn giản, nhanh gọn. Tôi tin rằng so về độ cứng rắn giữa cái đầu tôi và viên gạch, chênh lệch như nào hẳn không cần đoán cũng biết.

Tôi còn cho rằng bản thân mình hôm nay sẽ phải chết, nào ngờ lúc “Vương Nhị Cẩu” vung dao chém tới, thân thể tôi đột nhiên lùi về sau vài bước, vừa vặn đã tránh được một dao này.

“Tháo đôi giày tử ra!”

Âm thanh của ngài Trần vang lên sau lưng tôi. Tôi lập tức biết được vừa rồi ngài Trần ở phía sau kéo tôi lùi về, ông ta đã cứu tôi một mạng.

Tôi nghe thấy lời ông ta nói, nhanh tay cởi đôi giày trên chân ra. Kì lạ thay khi tôi vừa tháo giày ra, tay chân đột nhiên có cảm giác, có thể đi, cũng có thể chạy. Không chần chừ quá lâu, tôi chạy nhanh ra phía sau quan tài, trốn phía sau ngài Trần.

“Vương Nhị Cẩu” đứng đối diện với chúng tôi, trên mặt gã ta còn dán di ảnh của thợ nề Trần, mà trong di ảnh đó thợ nề Trần đang cười, nụ cười cực kỳ quỷ dị.

Ngài Trần không vội vã ra tay, ông ta chỉ tay vào di ảnh thợ nề Trần mà mắng “Thợ nề Trần, ngươi chỉ là hồn nhập vào cơ thể hắn. Người chết hồn về, cái quy tắc này ông cũng biết. Hãy đi đi, đừng ép tôi phải ra tay”

Di ảnh của thợ nề Trần vẫn duy trì nụ cười quỷ dị đó, nhưng từ trong cổ họng của “Vương Nhị Cẩu” lại có âm thanh truyền tới “Hắn ta nói hắn có thể làm được việc. Việc ta Trần Thịnh Vượng đã chết không làm không được.”

Hoá ra thợ nề Trần tên đầy đủ là Trần Thịnh Vượng. Tôi sống ở trong này nhiều năm như vậy cũng không biết được tên của ông ấy. Ngay cả mặt trên của linh vị cũng chỉ viết là thợ nề Trần, đoán chừng trong thôn này cũng không ai biết tên thật của ông ấy.

Nhà họ Lạc và thợ nề Trần có điểm giống nhau, đều là những hộ đơn lẻ.

Nghĩ lại ông ấy cũng thật đáng thương. Chỉ là không rõ trong lời ông ấy nhắc đến “hắn” là ai? “Hắn” làm chuyện gì? Chẳng lẽ thợ nề Trần nảy sinh lòng đố kị?

Cũng không để cho tôi nghĩ xong, “Vương Nhị Cẩu” lại giơ dao nhằm về phía đuôi quan tài mà bổ xuống.

Ngài Trần đẩy mạnh tôi ra, miệng hét lớn “Chạy!”

Tôi không chút do dự đạp chân trần lên đất chạy thẳng ra bên ngoài. Tôi ở lại nơi đó đối với ngài Trần mà nói, là một gánh nặng.

Chạy được một đoạn tôi quay đầu nhìn lại, vừa hay nhìn thấy ngài Trần và “Vương Nhị Cẩu” đang đánh nhau, di ảnh trên mặt “Vương Nhị Cẩu đã biến mất.

Tôi không biết nó có thể bay đi đâu, có điều chắc chắn đó không phải là chuyện tốt. Việc cấp bách bây giờ là chạy thật nhanh ra khỏi cái sân này. Lúc ta vừa quay đầu suýt chút nữa đụng phải di ảnh thợ nề Trần đang lơ lửng trên không trung.

Tôi vội vàng ngừng lại, phía sau lưng vọt tới âm thanh của ngài Trần “Không được để nó dán lên mặt!”

Tuy rằng không biết nếu bị dán lên bản thân sẽ trở thành bộ dạng gì, nhưng trước tiên tôi xoay người chạy về một hướng khác. Dù bản thân có chạy đi hướng nào chăng nữa cũng chẳng thu được tác dụng gì, vẫn là bị di ảnh thợ nề Trần chặn đứng. Sau vài lần như vậy cuối cùng tôi vẫn bị ông ấy ép quay trở lại nhà chính.

Lúc này âm thanh của ngài Trần vang vọng tới, ông ta nói “Chạy tới lấy giày tử ném hắn”

Tôi nhìn về đôi giày vừa bị ném ở một bên cạnh quan tài, lại nhìn thoáng qua di ảnh đang ở trước mặt, sau đó tôi vọt tới đôi giày kia. Di ảnh thợ nề Trần dường như muốn ngăn tôi lại nhưng tay tôi đã bắt được đôi giày, lật tay ra sau đánh về phía nó – nhưng lại đánh hụt.

Ngài Trần nói tiếp “Lại đây, đánh vào đầu nó”

Tôi đi về phía ông ta, nện lên đầu “Vương Nhị Cẩu” một cái thật mạnh. Ngay lập tức “Vương Nhị Cẩu” đang giằng xé với ngài Trần đột nhiên dừng lại, đôi mắt gã ta nhắm nghiền, cả người giống như đang ngủ. Mà di ảnh thợ nề Trần lại dán ở trên mặt gã ta từ lúc nào không biết.

“Tìm khối gỗ mang lại đây.” Ngài Trần nói với tôi.

Tôi đi đến phòng của thợ nề Trần tìm được khối ván giường rồi bê ra đặt xuống mặt đất trong nhà chính. Sau đó tôi và ngài Trần nâng Vương Nhị Cẩu đặt lên đó. Ngài Trần còn thả đôi giày âm xuống bên cạnh di ảnh của thợ nề Trần.

Tôi chỉ vào di ảnh thợ nề Trần, hỏi ngài Trần “Vì sao khi chết không mang theo cái này?”

Ngài Trần lắc đầu, miệng giảng giải “Không thể, cái gì cũng phải theo trình tự. Cháu đi thắp đèn lên đi”

Tận bây giờ tôi mới nhớ tôi có việc cần làm, nhưng chưa làm xong việc còn suýt chút nữa bị “Vương Nhị Cẩu” chém chết.

Thế là tôi vòng lại quan tài một lần nữa, lần này tôi thật sự cẩn thận ngó vào phía trước nhìn thật kĩ xem bên trong có di ảnh của thợ nề Trần hay không. Quả thực không có. Bây giờ tôi mới chui cả người vào xác nhận lại một lần nữa. Lát sau tôi trở ra, bắt đầu đi thắp đèn.

Mọi việc tiến triển khá thuận lợi, rất nhanh đèn đã được thắp sáng. Để phòng ngừa đèn tắt, tôi còn cho thêm dầu vào bên trong đèn. Xong xuôi tất cả, tôi nhìn thấy ngài Trần đang ngồi bệt dưới đất hút thuốc, hai đầu mày nhăn lại, cả người chìm vào suy tư.

Vương Nhị Cẩu nằm cạnh ông ta, hai chân trơ trụi không xỏ giày.

Tôi hỏi ngài Trần “Sao vậy?”

Ông ta hút một hơi dài, rồi lại chầm chậm phà ra một làn khói trắng, ngón tay chỉ chỉ vào đôi giày bị cởi ra khỏi Vương Nhị Cẩu, nói “Đây là một đôi giày âm.”

Tôi không hiểu lời của ngài Trần, hỏi lại “Giày âm? Gã ta sao lại có giày âm?”

Còn nhớ buổi sáng ta đưa ngài Trần đi dạo quanh thôn, ông ta có nói qua rằng giày âm nhìn bên ngoài thì không khác giày bình thường là mấy. Nhưng thực ra cách chế tạo một đôi giày âm khác xa với chế tạo một đôi giày bình thường. Đầu tiên là chất liệu, tất cả vải dệt đều phải trải qua một lần gia công cầu kỳ mới có thể sử dụng. Mà loại gia công này chỉ có những thợ đóng giày như ông ta mới hiểu được. Ngài Trần cũng không nói quá nhiều về điều đó.

Tiếp theo một điều quan trọng nữa đó là trong quá trình làm giày âm không được tiếp xúc với ánh sáng, hoàn toàn phải thực hiện vào buổi tối, ngay cả ánh đèn cũng không được. Điều này yêu cầu thợ đóng giày phải quen tay, quen việc, mới có bản lĩnh nhắm mắt mà chế tạo ra một đôi giày. Nếu thợ chưa đủ cao tay còn có thể nương theo ánh trăng để chế tác giày.

Tóm lại người bình thường không ai chế tác giày âm cả. Cho nên tôi mới hỏi ông ta vì sao Vương Nhị Cẩu lại có giày âm.

Ngài Trần lắc đầu, ý là ông ta cũng không biết.

Vào lúc này, bác cả, bác hai và trưởng thôn đi tới. Bác cả hỏi tôi “Có xảy ra chuyện gì không?” Tôi đáp “Mọi thứ vẫn ổn.”

Bên phía trưởng thôn lại hỏi ngài Trần “Sự việc đều đã giải quyết xong rồi chứ?”

Ngài Trần vẫn lắc đầu, chầm chậm nói “Hắn vẫn ở trong cơ thể kia. Buổi tối mới động thủ được!”

Vương Thanh Tùng lại hỏi “Vì sao chết mà phải đợi buổi tối? Chết sớm siêu thoát sớm không

Vương Thanh Tùng là thật sự sợ hãi. Một thợ nề Trần đã chết, ông ta không muốn trong thôn có thêm ai chết nữa.

Ngài Trần trừng mắt, liếc sang Vương Thanh Tùng một cái, ông ta là kiêng kị câu nói “chết sớm siêu thoát sớm” kia. Mà Vương Thanh Tùng bị ngài Trần lườm như vậy, cũng thức thời ngậm chặt miệng, không hề nói chuyện.

Nhưng ngài Trần vẫn ung dung trả lời cho Vương Thanh Tùng biết “Nếu động thủ bây giờ, thợ nề Trần sẽ biến mất mãi mãi. Rốt cuộc cũng là một hồn ma, cho ông ấy một cơ hội đầu thai cũng là chuyện tốt”

Vương Thanh Tùng chắc chắn sẽ không hiểu vì sao lại phải cho thợ nề Trần một cơ hội. Nhưng tôi biết. Bởi vì đêm hôm qua ông ấy suýt chút nữa đã gây ra hoạ. Khi ấy ngài Trần đã chặn lại đôi mắt ông ấy, còn cảnh cáo nếu ông ấy vẫn tác oai tác quái thì sẽ giam luôn cả ông ấy lại.

Thấy thái độ của ngài Trần rất kiên quyết, Vương Thanh Tùng cũng không tiện nói thêm nữa. Chuyện này còn phải nhờ đến ngài Trần giải quyết. Ai bảo tại ông ta không có bản lĩnh giống như ngài ấy cơ chứ.

Ngài Trần lại phân phó Vương Thanh Tùng tìm người tới trông coi Vương Nhị Cẩu. Còn dặn dò cẩn thận trăm ngàn lần không được đem di ảnh và đôi giày âm kia gỡ xuống.

Vương Thanh Tùng luôn miệng đáp ứng. Hơn nữa còn nói tự mình sẽ trông giữ tại nơi này. Thật ra cho dù ông ta không tới cũng không có người họ Vương nào nguyện ý tới, chuyện này ai cũng có thể đoán được.

Ngài Trần sắp xếp xong công việc liền tới vỗ vai tôi mà nói “Nhóc con, về nhà ngủ một giấc đi. Suốt một ngày không ngủ quầng mắt cháu đã thâm lắm rồi.”

Về tới nhà tôi nhìn thấy trên bàn đã đặt sẵn đồ ăn, bên cạnh có vài con ruồi bay loạn. Mẹ tôi nhìn thấy chúng tôi đã trở về, bà xua xua tay đuổi đám ruồi nhặng, ân cần đón chúng tôi ngồi vào bàn. Bát đũa vẫn để nguyên vẹn trên bàn như trước lúc chúng tôi rời đi.

Mẹ tôi, một người phụ nữ thuần nông, bà chưa bao giờ nói với tôi những lời cảm động, nhưng bà sẽ không bao giờ để tôi phải chịu đói.

Bữa cơm nhanh chóng được giải quyết xong. Ngài Trần ngáp dài một cái ý tứ muốn đi ngủ trưa một lát, ánh mắt ông ta sâu kín nhìn tôi một cái rồi nhấc chân đi vào trong phòng. Tôi biết ngài Trần là có ý muốn gọi tôi vào nhà, khẳng định có chuyện chỉ muốn nói với một mình tôi.

Quả đúng như tôi đoán, sau khi vào phòng, ngài Trần móc từ trong ngực mình ra đôi giày âm của Vương Nhị Cẩu, còn hỏi tôi “Trong thôn này cháu có biết ai là thợ đóng giày không?”
 

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom