• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.INFO TỪ NGÀY 1/4

Full Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất (1 Viewer)

Advertisement
Advertisement
  • Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất - Chương 26 - Phần 2

Trong lúc Yury trông có vẻ xuôi xuôi, Allan tiếp tục giải thích cặn kẽ hơn nguồn cơn mọi chuyện. Ông kể mình đã loằng ngoằng thế nào gặp Hutton ở Paris, và hóa ra Hutton là người thân cận với cựu Tổng thống Johnson và cũng có một vị trí cao trong CIA.


Khi Hutton nghe nói Allan biết Yury Borisovich từ lâu, và Yury có thể còn nợ Allan một ân tình thì ông ta đã vạch ra một kế hoạch.


Allan đã không để tâm lắm về khía cạnh chính trị toàn cầu của kế hoạch vì ông có thói quen hễ người ta bắt đầu nói chuyện chính trị thì thôi không nghe nữa. Kệ nó đến đâu thì đến.


Nhà vật lý hạt nhân Liên Xô dần dần tỉnh táo lại, và gật đầu thừa nhận. Chính trị không phải là món yêu thích của Yury, hoàn toàn không. Tất nhiên, ông theo chủ nghĩa xã hội bằng cả trái tim và linh hồn, nhưng nếu ai bắt nâng cao quan điểm thì ông gặp rắc rối ngay.


Allan gắng hết sức tiếp tục tóm tắt những gì mật vụ Hutton đã nói. Chắc chắn nó liên quan đến thực tế là Liên Xô sẽ tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, hoặc là không.


Yury gật đầu lần nữa, và đồng ý rằng tình hình là như thế. Hoặc có hoặc không, chỉ có hai tình huống đó thôi.


Thêm nữa, như Allan nhớ được, Hutton - người của CIA, đã tỏ ra quan tâm đến các hậu quả nếu Liên Xô tấn công Mỹ.


Vì cho dù kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô không lớn hơn thì nó vẫn có thể quét sạch Hoa Kì chỉ trong một lần duy nhất, Hutton nghĩ thế cũng đủ thảm họa.


Yury Borisovich gật đầu lần thứ ba, công nhận rằng nếu Mỹ bị xóa sổ thì vấn đề phải cực kì nghiêm trọng với người dân Mỹ.


Nhưng Hutton tổng kết thế nào thì Allan thật sự không nói được. Dù sao, vì lý do này khác, ông muốn biết kho vũ khí của Liên Xô chứa những gì, và khi biết được thì ông có thể khuyên Tổng thống Johnson bắt đầu đàm phán với Liên Xô về giải trừ vũ khí nguyên tử. Dù hiện nay, tất nhiên Johnson không phải là tổng thống nữa nên... không, Allan cũng không biết. Chính trị thường không chỉ vô bổ mà đôi khi còn phức tạp không cần thiết.


Yury được công nhận là người đứng đầu về kĩ thuật của toàn bộ chương trình vũ khí hạt nhân Liên Xô, ông biết mọi thứ về chiến lược, địa bàn và tiềm lực của chương trình. Nhưng trong suốt hai mươi ba năm phục vụ chương trình hạt nhân của Liên Xô, ông không hề nghĩ - mà cũng chẳng cần nghĩ - một tí nào về chính trị. Nó hợp với Yury và sức khỏe của ông đặc biệt tốt. Ông đã tồn tại qua ba đời lãnh đạo khác nhau, kể cả Nguyên soái Beria. Sống lâu và ở một vị trí cao là điều mà nhiều người đàn ông quyền lực ở Liên Xô ít có cơ hội trải nghiệm.


Yury biết Larissa đã phải hy sinh những gì. Và bây giờ, khi họ thực sự xứng đáng hưởng lương hưu và được nghỉ ngơi bên bờ Biển Đen - thì mức độ hi sinh của bà càng lớn hơn bao giờ hết. Nhưng bà chưa bao giờ phàn nàn. Chưa hề. Cho nên lúc này Yury chăm chú lắng nghe bà nói:


- Yury thân yêu. Mình hãy cùng với Allan Emmanuel đóng góp một chút cho hòa bình thế giới, rồi chúng mình chuyển đến New York. Anh có thể trả lại các huy chương và Brezhnev đi mà gắn chúng lên mông ông ta.


Yury đầu hàng và nói “vâng” với toàn bộ thỏa thuận (trừ đoạn gắn huy chương lên mông Brezhnev) và sau đó, Yury và Allan thống nhất rằng Tổng thống Nixon không cần phải nghe hết sự thật mà chỉ chuyện gì làm ông ta hài lòng thôi. Bởi Nixon vui vẻ thì có thể làm Brezhnev cũng vui, và nếu cả hai đều vui thì sau đó chắc chắn không thể có chiến tranh được, đúng không?


Allan vừa tuyển một gián điệp bằng cách trương biển ra ở nơi công cộng, trên một đất nước có bộ máy công an mật hiệu quả nhất trên thế giới. Cả trưởng ban quân sự GRU lẫn giám đốc dân sự KGB cũng có mặt tại Nhà hát Bolshoi buổi tối hôm đó, cùng với vợ. Cả hai, cũng như mọi người đều nhìn thấy người đàn ông giơ tấm biển ở bậc thang cuối cùng. Và cả hai đều quá từng trải trong nghề để báo động cho đồng nghiệp làm nhiệm vụ. Chẳng có kẻ nào dám làm gì phản cách mạng theo cách đó cả. Không có ai lại ngu ngốc đến thế.


Nếu không đã có ít ra một đám tai mắt KGB và GRU chuyên nghiệp ở đầy tại nhà hàng nơi cuộc tuyển dụng gián điệp thực tế đã diễn ra thành công tối hôm đó. Tại bàn số chín, một người đàn ông phun vodka lên đồ ăn, vùi mặt vào hai tay, xua tay, đảo mắt và bị vợ điều khiển. Nói cách khác, một cảnh tượng hoàn toàn bình thường trong bất kì nhà hàng Nga nào, không đáng chú ý.


Cho nên mới có chuyện một gián điệp Mỹ điếc lác về chính trị lại được dịp bày trò chiến lược hòa bình thế giới cùng với người đứng đầu vũ khí hạt nhân của Liên Xô, cũng mù tịt về chính trị - mà không có một hai nhân viên KGB hay GRU ngăn cản. Khi ở Paris, ông trùm CIA châu Âu, Ryan Hutton, nhận được thông báo rằng việc tuyển dụng đã hoàn thành và sẽ sớm bàn giao, ông tự nhủ có lẽ Karlsson chuyên nghiệp hơn ông tưởng lúc đầu.


*


Cứ ba hoặc bốn lần một năm, Nhà hát Bolshoi lại thay tiết mục mới. Ngoài ra hàng năm, có ít nhất một buổi diễn của khách mời như đoàn Nhạc kịch Vienna.


Vậy là mỗi năm, Allan và Yury Borisovich có khối dịp để bí mật gặp nhau trong phòng khách sạn của Yury và Larissa để bịa ra những thông tin phù hợp về vũ khí hạt nhân cho CIA. Họ trộn lẫn cả tưởng tượng và thực tế sao cho các thông tin, nhìn từ quan điểm của người Mỹ, thật lạc quan và đáng tin cậy.


Kết quả những báo cáo tình báo của Allan đã khiến đầu những năm 1970, bộ sậu của Tổng thống Nixon bắt đầu tác động đến Moskva để lên chương trình nghị sự về cuộc họp thượng đỉnh giải trừ vũ khí. Nixon cảm thấy an toàn khi biết rằng trong hai nước thì Hoa Kỳ mạnh hơn.


Chủ tịch Brezhnev, về phần mình, đã không hề bi quan trước hiệp ước giải trừ vũ khí, vì các báo cáo tình báo của ông cho thấy trong hai nước, Liên Xô mạnh hơn. Chỉ có một điểm hơi phức tạp là một chị quét dọn ở bộ phận báo cáo tình báo CIA đã bán một số thông tin rất đáng chú ý cho GRU. Chị ta có những tài liệu được gửi từ văn phòng CIA ở Paris, cho thấy CIA đã có một gián điệp cài ngay ở trung tâm của chương trình vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Vấn đề là các thông tin kèm theo lại không chính xác. Nếu Nixon muốn giải trừ vũ khí dựa trên thông tin do một gã bịp bợm người Nga gửi cho CIA ở Paris thì đương nhiên Brezhnev thấy chẳng sao cả. Nhưng toàn bộ vụ này quá phức tạp, đòi hỏi thời gian để suy nghĩ. Và dẫu sao cũng phải tìm ra cái gã bịp bợm kia.


Biện pháp đầu tiên của Brezhnev là gọi người phụ trách kĩ thuật vũ khí hạt nhân của mình lên. Ông yêu cầu Yury Borisovich Popov tuyệt đối trung thành phân tích xem người Mỹ lấy thông tin sai kia từ đâu. Bởi vì cho dù những tin CIA thu được đã đánh giá rất thấp khả năng vũ khí hạt nhân của Liên Xô nhưng cách trình bày tài liệu cho thấy một cái nhìn nội bộ khá sâu sắc, gây nguy hiểm cho vấn đề này. Đó là lý do vì sao cần Popov hỗ trợ về chuyên môn.


Popov đọc những gì mình và anh bạn Allan đã bịa ra và nhún vai. Theo Popov, những tài liệu này sinh viên nào chịu khó nghiên cứu ở thư viện một chút cũng có thể viết ra. Chẳng có gì mà đồng chí Brezhnev phải lo lắng, nếu đồng chí Brezhnev cho phép một nhà vật lý thuần túy được bày tỏ ý kiến về vấn đề này?


Phải, đó chính là lý do vì sao Brezhnev đã gọi Yury Borisovich tới. Ông chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của người phụ trách kĩ thuật vũ khí hạt nhân và gửi lời hỏi thăm tới Larissa Aleksandrevna, phu nhân duyên dáng của Yury Borisovich.


*


[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]


Trong khi KGB phí công thiết lập giám sát bí mật các tài liệu liên quan đến vũ khí hạt nhân tại hai trăm thư viện ở Liên Xô, Brezhnev tiếp tục suy nghĩ xem ông nên đáp ứng đề nghị không chính thức của Nixon như thế nào. Cho tới ngày - thật khủng khiếp! - khi Nixon được mời đến Trung Quốc gặp tên béo Mao Trạch Đông! Vừa mới đây thôi, Brezhnev và Mao đã bảo nhau biến xuống địa ngục luôn đi, và bây giờ đột nhiên có nguy cơ rằng Trung Quốc và Hoa Kì có thể hình thành một liên minh xấu xa chống lại Liên Xô. Điều đó không được phép xảy ra.


Thế là, ngày hôm sau, Richard M Nixon, Tổng thống Hoa Kì, nhận được lời mời chính thức đến thăm Liên Xô. Tiếp đó là bận rộn ở hậu trường và kết quả là Brezhnev và Nixon đã không chỉ bắt tay mà còn ký hai hiệp ước giải trừ vũ khí riêng biệt: một liên quan đến tên lửa chống tên lửa đạn đạo (hiệp ước ABM) và một liên quan đến vũ khí chiến lược (SALT). Vì việc ký kết diễn ra tại Moskva, Nixon đã có dịp bắt tay điệp viên ở Đại sứ quán Mỹ, người đã rất xuất sắc cung cấp cho ông thông tin về tiềm năng vũ khí hạt nhân của Liên Xô.


- Không có gì, thưa Tổng thống, - Allan nói. - Nhưng ông không định mời tôi ăn tối chứ? Họ vẫn làm vậy.


- Ai làm thế? - Tổng thống ngạc nhiên hỏi.


- Vâng, - Allan nói. - Những người đã hài lòng... Franco, Truman và Stalin... cả Mao Chủ tịch... dù ông ta chỉ cho tôi ăn mỗi mì... nhưng tất nhiên lúc đó khuya lắm rồi... còn Thủ tướng Thụy Điển thì chỉ mời tôi cà phê, nếu tôi còn nhớ. Nói thật với ông, nó cũng không tệ, vì thời đó thiếu thốn lắm...


May mà Tổng thống Nixon đã nghe nói về quá khứ của điệp viên này, do đó ông vẫn bình tĩnh và tỏ ý tiếc rằng không có thời gian ăn tối với ông Karlsson. Nhưng rồi ông nói thêm rằng tổng thống Mỹ không thể kém hào phóng hơn thủ tướng Thụy Điển, do đó chắc chắn sẽ có một tách cà phê và cognac kèm theo. Ngay bây giờ, nếu tiện?


Allan cảm ơn ông về lời mời, và hỏi nếu mình nhịn cà phê thì gọi ly đúp cognac có được không. Nixon đáp ngân sách quốc gia Mỹ có thể đáp ứng cả hai.


Hai ông đã có một tiếng vui vẻ với nhau. Gọi là vui vẻ thôi vì Allan thấy Tổng thống Nixon thích nói về chính trị. Tổng thống Mỹ cứ hỏi về thế cờ chính trị ở Indonesia thế nào. Không nhắc đến tên Amanda, Allan kể chi tiết những gì có thể xảy ra khi xây dựng sự nghiệp chính trị ở Indonesia. Tổng thống Nixon chăm chú lắng nghe và có vẻ cực kì quan tâm đến đề tài này.


- Hay, - ông nói. - Thú vị thật.


*


Allan và Yury hài lòng với nhau và với diễn biến sự việc. Có vẻ như cả GRU và KGB đã bớt tìm kiếm tên gián điệp, Allan và Yury thấy nhẹ nhõm. Hay như Allan nói:


- Không có hai tổ chức giết người theo dấu chân mình thì tốt hơn.


Rồi ông nói thêm rằng đáng lẽ chúng ta không nên dành quá nhiều thời gian cho KGB, GRU và các chữ viết tắt khác mà họ dù sao cũng không thể làm gì. Thay vào đó, đã đến lúc bịa ra báo cáo tình báo tiếp theo cho mật vụ Hutton và Tổng thống. Kho tên lửa tầm trung ở Kamchatka bị rỉ sét đáng kể có thể đưa vào làm nền cho báo cáo không?


Yury ca ngợi trí tưởng tượng thú vị của Allan. Nó khiến cho việc làm báo cáo thật dễ dàng. Nghĩa là có nhiều thời gian hơn để ăn uống và tán chuyện với nhau.


*


Richard M Nixon có đủ lý do để hài lòng với hầu hết mọi thứ. Cho tới tận thời điểm ông không còn lý do nào cả.


Người dân Mỹ yêu tổng thống và bầu lại cho ông năm 1972, khi ông vét sạch phiếu. Nixon thắng tại bốn mươi chín bang, George McGovern chỉ giành chiến thắng ở một bang.


Nhưng sau đó mọi thứ trở nên khó khăn. Và thậm chí còn khó khăn hơn nữa. Cuối cùng, Nixon đã phải làm điều mà chưa một tổng thống Mỹ nào từng làm trước đó.


Ông phải từ chức.


Allan đọc về cái gọi là vụ bê bối Watergate trên các báo có ở thư viện thành phố Moskva. Tóm lại, Nixon rõ ràng đã gian lận khi nộp thuế, nhận những khoản tài trợ tranh cử bất hợp pháp, đã ra lệnh đánh bom bí mật, khủng bố kẻ thù, đột nhập và nghe lén điện thoại. Allan nghĩ chắc tổng thống đã bị ám ảnh từ cuộc trò chuyện với ly đúp cognac ở Paris. Thế là ông nói với tấm hình Nixon trên báo:


- Lẽ ra ông nên xây dựng sự nghiệp ở Indonesia. Ở đó ông có thể tiến xa.


*


Nhiều năm trôi qua. Gerald Ford lên thay thế Nixon, rồi Jimmy Carter lên thay Ford. Trong khi đó Brezhnev vẫn tại vị. Cũng như Allan, Yury và Larissa. Bộ ba tiếp tục gặp gỡ năm hoặc sáu lần một năm, lần nào cũng rất vui vẻ. Các cuộc họp luôn có kết quả là một báo cáo tưởng tượng rất hợp lý về tình trạng hiện tại của kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Theo năm tháng, Allan và Yury đã chủ ý hạ bớt khả năng của Liên Xô ngày càng nhiều, vì họ thấy nó làm cho người Mỹ (bất kể ai là tổng thống) rất hài lòng và khiến bầu không khí giữa các nhà lãnh đạo hai nước có vẻ dễ chịu hơn nhiều.


Nhưng có niềm vui nào kéo dài bất tận?


Một ngày, ngay trước khi hiệp ước SALT II được ký kết, Brezhnev nghĩ Afghanistan cần ông giúp đỡ. Vì vậy, ông đã gửi đội quân tinh nhuệ của mình tới nước này, và ngay lập tức họ giết béng mất tổng thống đương nhiệm khiến Brezhnev không còn cách nào khác ngoài chỉ định ra người của mình.


Tất nhiên Tổng thống Carter khó chịu (đấy là nói nhẹ) về điều này. Mực trên hiệp ước SALT còn chưa ráo. Vì vậy, Carter cho tẩy chay Thế vận hội tại Moskva và tăng cường sự hỗ trợ bí mật của CIA cho các lực lượng du kích chính thống tại Afghanistan, phe Mujaheddin.


Carter không có thời gian để làm nhiều hơn vì chẳng bao lâu Ronald Reagan đã lên thay và ông này nóng tính hơn nhiều với cộng sản nói chung và Brezhnev già nua nói riêng.


- Ông Reagan đó có vẻ giận giữ khiếp lắm, - Allan nói với Yury trong cuộc gặp gián điệp đầu tiên của họ sau khi tổng thống mới tuyên bố nhậm chức.


- Phải, - Yury trả lời. - Và bây giờ chúng ta không thể tháo dỡ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô hơn nữa bởi sau đó sẽ chẳng còn gì sót lại.


- Trong trường hợp đó, tôi đề nghị chúng ta làm ngược lại, - Allan nói. - Đó là nói khống lên để làm Reagan mềm đi một chút, cứ đợi xem.


Thế là báo cáo gián điệp tiếp theo gửi về Mỹ, qua mật vụ Hutton, đã xác nhận một cuộc tấn công giật gân của Liên Xô về phòng thủ tên lửa. Trí tưởng tượng của Allan đã đi thẳng vào không gian. Từ đó, Allan nghĩ ra, ý tưởng là tên lửa của Liên Xô sẽ có thể bắn hạ mọi thứ mà Mỹ có ý định tấn công xuống Trái đất.


Theo cách đó, Allan - gián điệp Mỹ điếc lác về chính trị, và Yury - trùm vũ khí hạt nhân Nga, cũng mù tịt chính trị, đã đặt nền móng cho sự sụp đổ của Liên Xô. Vì Ronald Reagan phát điên khi đọc báo cáo tình báo của Allan và ngay lập tức bắt tay vào Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược của mình, còn được gọi là Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao). Mô tả của dự án, với các vệ tinh trang bị súng laser, gần như là bản sao của cái mà Allan và Yury đã bịa ra vài tháng trước, trong căn phòng khách sạn ở Moskva, dưới ảnh hưởng mà họ đổ tại nhiễm độc vodka.


Ngân sách Mỹ chi cho phòng chống vũ khí hạt nhân do đó vọt lên gần như chạm tới các vì sao. Liên Xô cũng cố gắng chạy đua nhưng không đủ khả năng. Nước Nga lâm vào khánh kiệt và rạn nứt. Chẳng biết vì những cú sốc bởi cuộc tấn công quân sự mới của Mỹ, hay vì lý do nào khác nhưng ngày 10 tháng Mười một năm 1982, Brezhnev qua đời vì một cơn đau tim. Tình cờ tối hôm sau, Allan, Yury và Larissa có một cuộc họp gián điệp.


- Đã đến lúc dừng những trò nhảm nhí này lại chưa nhỉ?


- Phải đấy, thôi cái trò vô nghĩa này bây giờ đi, - Yury nói.


Allan gật đầu, đồng ý rằng tất cả mọi thứ đều phải đi đến hồi kết, mà nhất là trò vô nghĩa này, và việc Brezhnev sẽ sớm bốc mùi tồi tệ hơn bao giờ hết là một tín hiệu trời gửi đến, rằng họ nên rút lui ngay bây giờ.


Rồi ông nói thêm, sáng hôm sau mình sẽ gọi điện cho mật vụ Hutton. Mười ba năm rưỡi phục vụ CIA là đủ rồi, thực tế là hầu hết mọi chuyện đã được bịa ra, chẳng có ở nơi nào cả. Cả ba không hẹn mà cùng nghĩ rằng khôn ngoan nhất là giữ cho thực tế ấy mãi là bí mật với mật vụ Hutton và ngài tổng thống nóng tính của ông ta.


Giờ thì CIA sẽ xem cách nào đưa Yury và Larissa đến New York, họ đã hứa như thế, trong khi Allan tự hỏi mọi thứ ở quê nhà Thụy Điển thân thương giờ ra sao.


*


CIA và mật vụ Hutton đã giữ lời hứa. Yury và Larissa được đưa đến Mỹ, qua Tiệp Khắc và Áo. Họ được cấp cho một căn hộ ở phố 64 Tây Manhattan, và một khoản phụ cấp hàng năm rộng rãi vượt xa nhu cầu của họ. CIA cũng không hao tốn lắm vì tháng Giêng năm 1984, Yury qua đời trong giấc ngủ và ba tháng sau, Larissa đi theo ông, chết vì đau khổ. Cả hai đều bảy mươi chín tuổi và họ đã có một năm hạnh phúc nhất bên nhau vào 1983, khi Nhà hát Metropolitan tổ chức kỉ niệm lần thứ một trăm năm ngày thành lập, với vô số màn trình diễn không thể nào quên cho cặp vợ chồng.


Về phần mình, Allan đóng gói đồ đạc trong căn hộ ở Moskva và thông báo cho bộ phận hành chính của Đại sứ quán Mỹ rằng mình sẽ ra đi. Đến tận lúc đó, bộ phận hành chính mới phát hiện ra rằng nhân viên nhà nước Allen Carson vì lý do nào đó trong suốt mười ba năm năm tháng làm việc chỉ được thanh toán mỗi khoản phụ cấp nước ngoài.


- Ông không hề nhận thấy rằng mình không nhận được lương sao? - Nhân viên hành chính hỏi.


- Không, - Allan nói. - Tôi chẳng ăn là mấy và vodka ở đây rất rẻ. Tôi nghĩ thế là quá đủ.


- Trong suốt mười ba năm?


- Vâng, không thể tin được là ngần ấy năm đã trôi qua nhỉ.


Nhân viên hành chính nhìn Allan quái lạ rồi đảm bảo rằng khoản tiền lương sẽ được thanh toán bằng séc ngay sau khi ông Carson, hay tên thật của ông là gì cũng được, báo cáo với Đại sứ quán Mỹ tại Stockholm.


*
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom