• ĐỔI TÊN MIỀN VIETWRITER.ME SANG VIETWRITER.VIP TỪ NGÀY 1/4

Full Mùa đông ấm áp (1 Viewer)

  • Phần 2

4.

Mợ tôi thấy tâm trạng của Từ Hướng Dương sa sút, sợ con trai một giây sau sẽ chầu trời, vội vàng chạy tới dỗ dành.

Trái tim tôi càng lúc càng chua xót.

Chị cả chị hai chắc hẳn hâm mộ em trai họ lắm.

Năm cha mẹ đến đón tôi trở về, tôi vừa mới qua sinh nhật bảy tuổi.

Mẹ mang quần áo về cho tôi và hai chị họ mặc.

Trước khi đi, tôi mặc quần áo ấm áp ngồi trong xe.

Chị cả chị hai đứng bên ngoài, quần áo mới ban nãy mặc không biết từ bao giờ đã thay thành quần áo cũ bạc màu.

Mẹ bảo sau này tôi và hai chị em họ sẽ khó gặp nhau nên hãy nói lời tạm biệt.

Tôi vừa vui sướng vì được ba mẹ đón, vừa luyến tiếc không nỡ xa hai chị.

Cuối cùng tôi viết hai bức thư cho họ, trên giấy còn dính nước mắt của tôi nữa.

Hai mắt tôi vì khóc nhiều mà sưng to như quả hạch đào.

Tôi mở cửa sổ thấy chị hai đang chảy nước mắt giống mình, thấy chị cả nín nhịn len lén lau nước mắt.

"Chị cả chị hai, sau này em sẽ về thăm hai chị.”

Tôi nghẹn ngào an ủi họ.

Chị hai hất tay, ngắt quãng nói với tôi:

“Em gái, chỗ này không có gì để trở về đâu. Sau này hai chị sẽ đến tìm em nha."

Sau đó chị gượng gạo cố nặn ra một nụ cười, lấy quả táo trong ngực ra ném vào cửa sổ xe:

“Đến khi đó chị sẽ mang thật nhiều trái cây cho em ăn."

Chiếc xe chạy đi xa dần, tôi vẫn cứ quay đầu nhìn lại, nhìn hai hình bóng nhỏ gầy đứng yên tại chỗ cho đến khi không còn thấy nữa.

Thời đó điện thoại thông minh vẫn chưa phổ biến, phương thức liên lạc duy nhất chỉ có điện thoại của cậu và mẹ tôi, tôi cũng chỉ có thể nói vài câu với hai chị em họ.

Thế nhưng sức khỏe chị hai yếu, thường xuyên sinh bệnh.

Tôi thường xuyên nghe thấy tiếng ho khan không kiềm chế được của chị.

Mùa đông năm sau trở về, mẹ vẫn mang đến cho họ hai chiếc áo bông mới như mọi khi.

Chị cả đẩy đẩy nói không cần, mợ tôi lại vui vẻ nhận lấy.

Tôi quay đầu nhìn em họ đang chơi trong sân, quần áo trên người nó thật sự rất quen mắt.

Tôi nghĩ đi nghĩ lại, mãi mới nhớ ra đó là quần áo năm ngoái mẹ tôi tặng cho chị cả chị hai.

Thế mà chúng được sửa nhỏ đi, mặc trên người nó.

Tôi nhìn các chị họ mặt đỏ bừng, lạnh đến tím tái, hai tay quanh năm ngâm trong nước lạnh nên nứt nẻ chảy mủ. Nhìn đôi giày các chị đi đã bạc màu, quần áo cũ mỏng tanh không ngăn được gió lạnh.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi lấy lý do bản thân còn nhỏ ra để trút giận.

Tôi rút một cành cây, nhắm chuẩn quất lên người Từ Hướng Dương.

Nó giống như một con khỉ, bị tôi đánh kêu “oái oái” chạy vòng vòng.

Tôi không chỉ ra được cái sai của nó, dù sao cái gì nó cũng không hiểu.

Nhưng nó biết mẹ nó đối xử với nó tốt hơn hai chị gái, thế nên thường xuyên cậy vào cớ ấy để đành hanh bắt nạt hai chị.

Nhưng không sao cả, tôi cũng còn nhỏ, tôi cũng không hiểu chuyện.

Tôi chỉ biết hai chị phải hi sinh rất nhiều, mới đổi được cho nó ăn sung mặc sướng như thế.

Tôi xúc động, không kìm nổi nước mắt.

Vì thế tôi vừa đánh nó vừa khóc, người ngoài còn tưởng rằng tôi bị Từ Hướng Dương bắt nạt nên mới đánh trả.

Mợ tôi thấy con trai bị đánh thì đau lòng muốn chết, đẩy tôi ra làm tôi ngã bệt xuống đất.

Tôi mượn lợi thế tuổi tác, oa oa khóc to.

Hàng xóm láng giềng xung quanh đều bị tiếng khóc của tôi thu hút.

Một người hàng xóm trước giờ vẫn không nhịn nổi tính tình của mợ nói:

“Chắc chắn là con trai cô bắt nạt con gái nhà người ta.”

"Tôi biết cô bé này, mọi ngày con bé ngoan biết bao. Con bé đánh con trai cô ắt phải có lí do!”

Mợ vội vàng cãi lại, hai người họ tôi một câu cô một câu mắng chửi lẫn nhau.

Họ cãi từ chuyện tôi đánh Từ Hướng Dương cho đến chuyện cây trong nhà mợ ngả vào trong sân nhà người hàng xóm.

Họ đều là thôn dân trong làng này, miệng lưỡi người này còn sắc sảo hơn người kia, tranh cãi ầm ĩ đến tận khi mặt trời lặn.

Từ Hướng Dương giống như một thằng khờ ngồi trên đất lau nước mắt nước mũi, thậm chí quên cả mách tội.

Đáy lòng tôi luôn cảm thấy thằng nhóc này có vấn đề về trí tuệ.

Mẹ tôi thấy mợ cãi nhau vẫn chiếm phần thắng thì ôm tôi hóng chuyện một lúc lâu, đến khi dì hàng xóm cãi khô cả cổ họng rồi thì mẹ tôi mới đi ra cãi hộ.

Trước khi về thành phố, mẹ tôi nhét vài tờ tiền vào quần áo của hai chị, dặn họ giấu cho kĩ rồi lén đưa cho thím hàng xóm một hộp trứng gà.

Sau vài năm, chú tôi dần biết sử dụng điện thoại thông minh, thỉnh thoảng cũng có thể gọi video.

Các chị họ không được học lên cấp ba. Mẹ tôi trịnh trọng hỏi họ có muốn đi học không, nếu muốn thì mẹ sẽ trả học phí cho.

Hai người họ không hẹn mà đều từ chối.

Chị hai thường nói, chờ đến khi chị ấy trưởng thành sẽ rời khỏi nhà. Đến khi đó đi đâu cũng được, chị không muốn làm công cụ nuôi em trai nữa.

Thế nhưng, sau cùng chị ấy mất năm mười bảy tuổi, chị cả cũng bỏ đi biệt tích.

5.

Cứ nghĩ về quá khứ là trái tim tôi không ngừng đau đớn.

Nhìn một màn mẹ hiền con ngoan trước mặt mà tôi chỉ muốn nôn.

Tôi hận không thể điên cuồng mắng chửi bọn họ, sau đó nhấn đầu hai người họ vào trong nhà vệ sinh cho họ bốc mùi hôi thối.

Nhưng sức chịu đựng của cha mẹ tôi không chịu nổi những hành động ấy, tôi chỉ đành từ bỏ.

Tôi nhảy dựng lên, chạy ra khỏi phòng bệnh. Ba mẹ không biết tôi định làm trò gì tiếp, mắt to mắt nhỏ nhìn nhau rồi đi theo tôi.

Tôi hít một hơi không khí trong lành, thở dài:

"Quá kinh tởm——"

Mẹ tôi đi đằng sau, lặp lại lời nói của tôi:

"Quá kinh tởm..."

Ba tôi nghe vậy, bất đắc dĩ nói:

“Mẹ nào con nấy.”

Tôi im lặng một lúc rồi trầm giọng nói:

"Đến lúc đi thăm chị hai rồi.”

Trong lòng mợ lúc nào cũng chỉ có đứa con trai ngoan kia, bà ta đã sớm quên hôm nay là ngày giỗ của chị hai rồi.

Hôm nay cả nhà chúng tôi đang chuẩn bị ra nghĩa trang thì bị thúc giục đến bệnh viện, làm lãng phí thời gian tới giờ.

Ngày chị hai qua đời, mợ hỏa táng ngay, không thèm nói một câu cho chúng tôi biết.

Là chị cả gọi điện thoại tới, tuyệt vọng khóc lóc.

Khi tôi trở về chỉ thấy chị cả như người mất hồn ngồi ở góc cửa, miệng lẩm bẩm:

"Em gái, em gái, chờ thêm chút nữa…”

Mà vẻ mặt của mợ tôi chột dạ, trong tay cầm hộp đựng tro cốt nhưng không thấy một sự đau xót nào.

Cô gái sống động trong trí nhớ của tôi, qua mấy tháng không gặp đã hoá thành một cái hộp vuông đựng tro cốt.

Mợ không thể ngụy biện, hàng xóm láng giềng kể với chúng tôi về hành vi xấu xa của bà ta.

Hoá ra, mấy ngày trước chị hai bất chấp mưa lạnh đón Từ Hướng Dương về nhà nên mới đổ bệnh, thế nhưng cố gắng chịu đựng không nói cho tôi biết.

Hẳn là chị ấy nghĩ rằng bản thân có thể vượt qua.

Nhưng mợ tôi cứ ép chị đi làm kiếm tiền trả học phí cho Từ Hướng Dương, chị hai lảo đảo đi ra cửa, chưa được hai bước đã ngã xuống.

Nghe hàng xóm nói, mợ thấy chị ngã xuống đất còn nghĩ chị ấy giả vờ, vừa mắng vừa đá vài cái, sau đó còn bỏ mặc chị ấy nằm trong sân một lúc lâu.

Tới tận khi bà ta kiểm tra hơi thở của chị hai mới ý thức được đã xảy ra chuyện.

Khi mọi người đưa chị vào bệnh viện thì đã bỏ lỡ thời gian cấp cứu tốt nhất.

Tôi cẩn thận ôm hộp tro cốt trong lòng, nhìn chằm chằm mợ đến mức khiến bà ta sợ hãi.

Bà ta rụt người, nhưng chỉ sợ hãi chứ không hề hối hận.

Nền giáo dục truyền thống đã dạy trẻ con không được đánh người lớn.

Tôi căm hận bà ta, nhưng tôi không thể trút giận, siết chặt tay thành nắm đấm.

Mẹ tôi trước nay vẫn luôn giữ gìn thể diện đi trước tôi một bước, xông lên vừa khóc vừa tát mợ.

Tiếng tát lẫn với tiếng khóc của mợ, nhưng tôi không cảm thấy thoải mái hơn chút nào.

Chị hai không về được nữa.

Chị ấy không bao giờ quay lại nữa rồi.

Rõ ràng chỉ còn một tháng nữa thôi là chị ấy sẽ trưởng thành mà.

Tôi nhìn chằm chằm vào mắt mợ, nỗi hận khắc sâu tận xương tủy.

Tôi nhớ mợ tôi rất thích thắp hương niệm Phật, bà ta luôn tin rằng những vị thần Phật mà bà ta bái có thể mang lại may mắn cho bà ta.

Tôi đập vỡ tượng Phật giả mà bà ta mua.

Mảnh vỡ rơi xuống bên chân mợ tôi, bà ta co rúm lại không dám động đậy.

Tôi nói:

"Nhân quả tuần hoàn, bà sẽ gặp báo ứng thôi.”

Bây giờ Từ Hướng Dương bệnh nặng, bà ta bị tra tấn đến người không ra người quỷ không ra quỷ, xem như báo ứng một phần.

Tôi vừa đốt vàng mã vừa lẩm bẩm:

"Chị hai, chờ hai người bọn họ xuống đó rồi, chị phải to gan một chút nhé. Chị phải đánh họ, hung hăng đánh họ cho em.”

"Ủa?"

Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi:

"Đây là cái gì?"

Mẹ chỉ vào ba chữ "Từ Phán Đệ" trên bia mộ.

Tôi tiến lại gần nhìn kỹ, phát hiện bên trên có vết trầy xước.

Dòng "Phán Đệ" bị người ta cạo đi, khắc xuống hai chữ "Noãn Đông."

Từ Phán Đệ đổi thành Từ Noãn Đông.

(*) Tên truyện “Mùa đông ấm áp” là tên mà chị hai muốn đổi. “Noãn Đông” nghĩa là mùa đông ấm áp.

Tôi giật mình.

Trước đây chị hai từng nói, chờ đến khi chị ấy trưởng thành sẽ tự mình đổi tên, đổi thành Từ Noãn Đông.

Chị ấy sẽ không bao giờ sống vì em trai mình nữa, chị ấy sẽ sống cho chính bản thân mình.

Chị hai cũng bảo dù sao em trai phải ngóng trông đã tới rồi, chị xin mợ dẫn chị đi đổi tên, bằng không thì bạn học cứ chê cười chị mãi.

Lúc mợ đồng ý, chị còn hạnh phúc một khoảng thời gian dài.

Sau đó đi rồi mới biết, mợ muốn đổi tên chị thành Từ Vượng Đệ.

Chị hai giậm chân bỏ chạy, còn ra vẻ không quan tâm trêu ghẹo tôi, an ủi rằng Phán Đệ so với Vượng Đệ vẫn dễ nghe hơn nhiều.

Ngốc quá, rõ ràng chẳng dễ nghe chút nào cả.

Nếu mùa đông năm đó chị hai có thể ấm áp vượt qua thì sẽ không để lại mầm bệnh, sẽ khoẻ mạnh đến bây giờ.

6.

Mợ không chịu buông tha, tìm tới tận cửa.

Bà ta yêu cầu tôi làm xét nghiệm kiểm tra độ phù hợp của thận:

"Nếu kết quả không khớp, mợ sẽ không bao giờ làm phiền con nữa! Mợ thề!”

Nhưng thế thì sao?

Nếu thận phù hợp thì bà ta sẽ buộc tôi phải thay cho Từ Hướng Dương chứ gì?

Cậu đứng sau lưng mợ, giấu một cái điện thoại di động trong ngực.

Ông ta cúi đầu, để cho mợ tuỳ ý làm bậy.

Cũng đúng thôi.

Chị hai qua đời, chị cả bỏ nhà đi, Từ Hướng Dương là đứa con duy nhất còn sót lại của ông ta.

Người đàn ông này ở trong gia đình nhiều năm như thế, đối với với hành vi độc ác của vợ, đối với sự bi thảm của con gái đều thờ ơ.

Tiếng xấu đều là của mợ, nhưng bi kịch xảy ra chẳng lẽ không có phần của ông ta sao?

Tôi cũng lười diễn, tặng bà ta một chữ “không.”

Tôi xoay người muốn đi thì bà ta nhào về phía trước ôm lấy chân tôi, sức lực lớn vô cùng.

Mẹ đến giúp tôi thoát ra, trong lúc xô đẩy thì mợ bị xô ngã xuống đất.

Tôi tranh thủ đẩy bà ta ra khỏi cửa.

Mẹ tôi cũng lập tức đẩy cậu ra ngoài. Đóng sầm cửa lại, cuối cùng cũng sạch sẽ gọn gàng.

Thế nhưng cách một cánh cửa lại nghe thấy mợ khóc lóc. Bà ta khóc như hát, ngân nga ra cả giai điệu.

"Số tôi khổ quá, đúng là sói mắt trắng, tôi còn nuôi con gái cho họ nữa mà…”

Mẹ gọi cho bộ phận an ninh dưới tầng, bên kia nhanh chóng lễ phép đáp:

"Dạ chị, lên ngay đây.”

Trong nhóm WeChat của tầng mà nhà tôi sống đột nhiên xuất hiện tin tức, hàng xóm bàn tán sôi nổi.

"Tình huống gì vậy, giọng ai hát thế?”

"Không phải hát đâu, có hơi giống tiếng chó sủa. Nhà ai đang đánh chó thế, có thể yên lặng được không vậy."

"Chó gì chứ, là người đang khóc mà."

"Hình như là tiếng địa phương, vừa khóc vừa hát, một chữ tôi cũng không hiểu.”

Mẹ tôi trả lời:

"Xin lỗi, là bệnh nhân ở bệnh viện tâm thần gần đây chạy ra, tôi là bác sĩ chính của bà ta."

Sau khi an ninh đến thì không còn tiếng khóc nữa.

Mợ tôi tắt máy mấy ngày, không đến làm loạn nữa.

Vài ngày sau, tôi mở điện thoại di động thì thấy một hot search đang được đẩy lên đầu.

# Cháu gái sói mắt trắng đẩy người mợ đáng thương #

Các phương tiện truyền thông lớn đã chia sẻ một video.

Video vừa vặn quay được khuôn mặt chính diện của tôi và mợ đang quỳ, góc quay chính là chỗ đứng của cậu tôi ngày đó.

Video chỉ quay cảnh mợ tôi vừa khóc vừa dập đầu:

"Cầu xin con..."

Mà tôi lạnh lùng nói một câu “không."

Sau đó, tôi và mẹ tôi đuổi họ ra khỏi nhà.

Video ngắn ngủi vài giây, không có đầu đuôi câu chuyện nhưng vẫn đủ cho người ta nắm được một phần thông tin.

# Người mợ đáng thương #

# Sói mắt trắng #

Buồn cười hơn chính là tiêu đề # Tình mẹ bao la: Người mẹ vì đứa con bị bệnh mà dập đầu cầu xin # đẩy lên đứng đầu hot search.

Không lâu sau, một tài khoản mới lập đăng tải một video tố cáo tôi.

Khuôn mặt của mợ chiếm 2/3 video, kể lể về đứa con trai đáng thương của bà ta.

Bà ta nói bản thân rất vất vả, bịa ra câu chuyện khi còn bé bà ta đối tốt với tôi thế nào, thêm dặm thêm muối cho "tội ác" của tôi.

Tôi mở bình luận, hướng gió gần như giống hệt nhau:

"Trời ơi, xem không nổi loại video này, cứ xem là nhớ tới mẹ mình."

"Thật sự là loại sói mắt trắng vô ơn mà. Em họ sắp chết rồi, hiến một quả thận thì làm sao. Còn có quan hệ huyết thống nữa chứ.”

"Mọi người đều biết một quả thận vẫn sống được mà.”

"Mợ tốt với cô ta như thế, cho dù cô ta không muốn thì cũng đâu thể đánh người như thế chứ."

Cũng có người nói đỡ cho tôi, hai bên tranh cãi kịch liệt.

"Đây không phải là bắt cóc đạo đức à. Mợ chứ có phải mẹ mình đâu, vì sao phải hi sinh sức khoẻ của mình chứ.”

"Mợ tốt với cháu gái thì sao, đây là đổi thận đó, về già rồi mới thấy có rất nhiều tác hại.”

"Mày đau lòng thì mày đi hiến thận đi, sau này tao đổi tượng Phật trong nhà thành ảnh của mày luôn nè."

Nhưng ngay sau đó những bình luận bênh vực này đã bị xóa.

Sau khi mẹ tôi đọc được thì liên tục gọi cho cậu tôi, thế nhưng ông ta luôn luôn tắt máy.

Ba tôi tức giận đến đỏ bừng mặt.

Tôi chán nản nằm trong phòng bắt đầu gõ phím.

Một lát sau, WeChat nhận được tin nhắn thoại của mợ.

"Mày cũng thấy rồi đấy, nếu mày đồng ý thì tao sẽ xoá video."

"Cháu gái ngoan, mợ cũng không muốn làm đến mức này, nhưng tao không thể mất con trai tao được. Mày chỉ cần đồng ý làm xét nghiệm độ phù hợp của thận, tao sẽ đăng video giải thích cho mày.”

Tôi không trả lời, bật quay màn hình rồi ghi âm lại giọng nói của bà ta.

Thấy tôi không phản hồi, bà ta gửi thêm cả đống tin nhắn thoại.

Cảm ơn bà đã giúp tôi bổ sung bằng chứng.

Chờ tôi đem tất cả những hành vi độc ác của bà ta suốt bao năm tháng sắp xếp lại rồi viết ra theo trình tự thời gian thì đã qua nửa ngày, tôi gửi tin nhắn thoại trả lời bà ta:

"Mợ, mợ có biết mợ đang phạm pháp không?"

Phía bên kia gửi đến một dấu chấm hỏi.

Chậc, đã mù chữ lại còn thiếu kiến thức pháp luật.
 

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom