Full Nắng tròn sau mưa (1 Viewer)

Advertisement
Advertisement
  • Chương 33: Bác đừng sợ

Yết hầu Hoàng Vũ chợt lăn lộn liên tục, cố lên xuống tạo nước bọt nhấp ướt cuống họng đã khô ran. Trong lòng dâng lên sự bức bối khó chịu. Ngọc My vừa ngước lên, đã nhoẻn miệng cười với anh một cái, Hoàng Vũ lại làm mình làm mẩy giật chăn đắp qua vai rồi xoay ngoắt người lại, đưa lưng về phía cô trước sự ngỡ ngàng của Ngọc My.

“Cười bé thôi cho tôi ngủ.”

“Ơ…”

Cô khó hiểu nhìn đống chăn lù lù trước mắt, tay đưa lên dụi dụi mắt hơi mỏi mấy cái. Sau khi tạm biệt Thành Đăng thì cũng kéo chăn, xoay người ngược hướng với Hoàng Vũ, ngủ thiếp đi.

Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi tập thể dục buổi sáng xong, Thành Đăng đều nhắn tin cho Ngọc My. Ban đầu cô còn thấy ngại, nhưng sau dần thành quen. Cô không dậy sớm như anh, nên khi đọc được tin nhắn thì Thành Đăng đã bắt đầu công việc ở hòn đảo mà anh đang đóng quân rồi.

Thành Đăng là lính hải quân, vừa mới ra trường đã xin ra đảo thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng của mình, bảo vệ biển trời Tổ quốc. Từ ngày gặp lại Ngọc My, ngoài thời gian nói chuyện điện thoại cùng em gái và mẹ, anh có thêm thói quen nhắn tin chúc buổi sáng với cô mỗi ngày. Ngày nào sóng tậm tịt thì phải tận trưa hoặc chiều tối mới có thể gửi được đi.

Hết giờ hành chính, Thành Đăng bỏ lên mặt bàn trong phòng của mình một nắm vỏ ốc, anh tỉ mẩn xếp chúng thành hàng với nhau, dim mắt đánh giá, chọn ra vỏ lành lặn nhất, rồi thu gọn đám kia lại, sau đó đi ra ngoài.
Cậu tân binh, vừa xoa tay run rẩy nhảy chân sáo trong sân, nhìn thấy anh thì ưỡn ngực thẳng lưng chào điều lệnh:

“Chính trị viên, anh đi đâu đấy?”

“Ra kia.”

Thành Đăng hất cằm về phía phiến đá lớn ở trước cửa doanh trại.

“Làm gì hả anh?”

“Chơi. Đi không?”

Anh nửa đùa nửa thật đáp, cậu ta cười cười lắc đầu rồi chạy biến đi. Gió lạnh ù ù tạt vào khiến hàng dừa nước trước cổng doanh trại lắc lư rung chuyển, tàu lá đập vào nhau phát ra tiếng rào rào.

Thành Đăng bước nhanh ra phía ấy, nhặt lấy một viên đá lớn hơn bàn tay anh, có mặt bằng phẳng gần như viên đá mài rồi quay trở lại phòng mình.

Dù Hoàng Vũ không muốn điều tra về người bố kia của Ngọc My nữa, nhưng Long đầu trọc lại âm thầm giúp anh làm điều đó. Một trong hai kẻ đó đã ch.ế.t cách đây hai năm vì ung thư, nhưng khi xét nghiệm ADN của người con trai của hắn cùng với của Ngọc My thì không trùng khớp. Người còn lại thì như bốc hơi khỏi thành phố Biển, không tìm ra được tung tích của hắn.

Hoàng Vũ bảo với anh ta:

“Không cần tìm hiểu nữa. Con bé không nên biết về thân thế thật sự của mình có lẽ sẽ tốt hơn.”

Anh nặng nề thở hắt ra, Long đầu trọc nghe hợp lý liền đồng tình:

“Vâng, anh còn cần gì nữa không?”

Hoàng Vũ lắc lắc đầu, nhoài người với chai rượu, rót vào ly cho cả hai. Lúc này trong anh lại hình thành một mối lo ngại khác.

Gần đến giáng sinh, Ngọc My muốn tặng quà cho bọn trẻ con nhà đám chị em thân thiết, nhưng không dám nói với mẹ bọn chúng nên im ỉm tự đi mua, trước một ngày cô đến Trung tâm thương mại lựa đồ. Ngọc My tằn tiện với chính mình, nhưng quà cho bọn trẻ nhất định phải chọn loại tốt tốt một chút. Dù sao bản thân cũng nhận của bố mẹ chúng gấp nhiều lần số ấy, nên không thể xuề xòa mua ở mấy cửa hàng bán đồ rẻ tiền được.

Ngọc My tính rồi, năm kia cô tặng tất, năm trước tặng khăn len. Năm nay sẽ tặng găng tay cho chúng. Nhỏ nhưng thiết thực, còn mua cái gì to quá chắc chắn bị họ mắng chết thì thôi.

Cô chọn cho Su nhà Hà My một đôi găng tay màu hồng xinh xắn, có gắn mặt thỏ trắng đáng yêu. Găng tay của Bát nhỏ màu xanh lam in hình khiên captain bắt mắt. Chít nhà Hoàng An còn nhỏ nên tặng thú gặm vì con bé đang vào giai đoạn mọc răng sữa, hay gặm lung tung.

Ngọc My thích thú cầm ba túi giấy đựng quà nhỏ xinh đi ra khỏi gian hàng bán đồ cho bé. Trung tâm thương mại sáng trưng, bên trong để điều hòa ấm áp hơn bên ngoài rất nhiều, Ngọc My đứng trên tầng hai nhìn xuống tầng một, từng tốp người nô nức ra vào. Ở những khu vực trưng bày cây thông noel hay hộp quà đều có người xếp hàng chụp ảnh.

Cô vừa rời lan can, đi về phía thang cuốn thì gặp một cặp mẹ con cũng đang đi về phía mình. Ngọc My ngờ ngợ, như thấy người quen. Người phụ nữ ngoài sáu mươi cũng chợt nhìn lên, thấy cô nhìn họ liền nhoẻn miệng cười. Ngọc My nhận ra bà ấy liền rảo bước lại gần, lễ phép chào hỏi:

“Cháu chào bác!”

“Ừ, cháu là…”

“Hôm trước cháu với anh em Vân An đến nhà thăm chú Vũ, đã gặp bác rồi ạ!”

Bà Hồng khẽ ồ lên, cô gợi ý thế thì bà nhớ ra Ngọc My là đứa bé mồ côi sống ở chùa. Hạnh Chi đứng bên cạnh không xen vào chỉ nhìn hai người chào hỏi qua lại với nhau. Bà Hồng quay sang nói với con gái:

“Bạn thằng Vũ.”

“Anh Vũ có bạn ngoan hiền thế này á mẹ?”

Hạnh Chi tỏ ra kinh ngạc, lia mắt nhìn Ngọc My một lượt từ đầu đến chân, âm thầm đánh giá. Nghe cô ấy hỏi thế, Ngọc My có chút buồn cười, nhưng theo phép lịch sự thì nén lại, chăm chú nhìn chị gái xinh đẹp, hiện đại ở trước mặt mình. Đúng là con nhà giàu, nhìn Hạnh Chi toát lên khí chất ngời ngời, chứ không bình thường giản dị giống như cô.

Bà Hồng quở con gái:

“Anh con có bạn ngoan hiền thì sao? Nó giao du với đủ loại người, chứ có phải chỉ chơi với bọn côn đồ đâu.”

Hạnh Chi bĩu môi, “Vầng, con trai mẹ nhất.”

Cô ấy bước đến bên cạnh Ngọc My, túm tay cô kéo nhích ra một bước, cách hẳn với mẹ, rồi ghé tai thì thầm:

“Em đừng để bị anh Vũ nhà chị lừa đấy.”

Ngọc My bật cười, cô ấy lại liếc mắt nhìn theo:

“Ơ cái đứa này, chị thấy em hiền lành, nhìn mặt cũng thật thà. Chị thương nên chị mới bảo cho mà biết, chứ mấy đứa mắt xanh mỏ đỏ tóc lò xo hay bâu bám anh ấy ở trên bar, còn lâu chị mới thèm nói chuyện với.”

“Vâng, em biết chú ấy biến thái mà chị, em không bị lừa đâu ạ.”

“Ừm, thế còn được.”

Hạnh Chi trở về đứng cạnh mẹ, bà Hồng liếc mắt nhìn cô, “Nói chuyện gì thế?”

“Nói gì đâu, hỏi xem con bé mua áo khoác ở đâu thôi. Giống cái áo đợt con gửi về cho Nam My, con bé nó nhờ mua hộ.”

“Thế cơ à, đắt không?”

“Gần hai trăm ạ!”

Ngọc My nghe loáng thoáng thấy bảo áo mình đang mặc gần hai trăm thì khẽ thở phào, vì cũng không đắt lắm. Áo này là Nam My tặng sinh nhật cho cô, chắc là đúng như Hạnh Chi nói là Nam My nhờ cô ấy mua hộ.

Hạnh Chi lại nói:

“Tiền nào của nấy, ấm lắm. Hai trăm đô nó phải khác hàng mấy trăm nghìn ở xưởng may gia công nhái lại chứ mẹ.”

“Hai… hai trăm đô á chị?”

Ngọc My lắp bắp, Hạnh Chi ngước mắt nhìn sang, gật đầu cái rụp:

“Ừ, áo em đang mặc ấy. Giống cái áo chị mua hộ cho em họ chị ở bên kia về. Hai trăm đô, cái này em mua ở đâu?”

Tai Ngọc My chợt nóng ran, cô không biết nói dối. Nên khi bị hỏi bất ngờ thì thật thà khai thật:

“Chị Nam My tặng sinh nhật cho em.”

“Úi rồi, vậy ra em là người bạn thân thiết mà cái My nó hay nhắc đến đấy hả?”

“Nếu chị ấy không đặt mua cái khác nữa, thì đúng là em ạ!” Ngọc My khiêm tốn đáp.

Hai mẹ con bà Hồng nhìn nhau. Lần trước cô đến nhà cùng anh em Thành Đăng, cũng không thấy giới thiệu là có quen biết với Nam My nên bà chỉ nghĩ Ngọc My là bạn của hai anh em họ. Không ngờ lại còn là bạn bè thân thiết của cháu họ nữa, thiện cảm của bà đối với đứa trẻ ngoan ngoãn, lễ phép này lại tăng lên một phần.

Thấy bà Hồng cứ nhìn Ngọc My với ánh mắt khác lạ, giống như người quen thân chứ không phải đối với người xa lạ, xã giao. Hạnh Chi liền tươi cười ngỏ ý:

“Bận không em?”

“Em cũng không bận lắm, từ giờ đến tối em rảnh ạ.”

“Đi dạo mua sắm với mẹ con chị đi.”

Ngọc My có chút ngại, thấy cô lưỡng lự. Hạnh Chi liền chuyển sang khoác vai rủ rỉ:

“Đi đi, đi rồi chị nói xấu anh Vũ cho mà nghe.”

Cô ấy nói chỉ đủ để hai người nghe được với nhau rồi bật cười vui vẻ, chứ không dám để bà Hồng nghe thấy. Bà ngoài miệng cứ hay nhiếc mắng con trai, nhưng con ai người ấy đẹp. Hạnh Chi mà mang Hoàng Vũ đi nói xấu với người ngoài, thế nào cũng bị mẹ chửi cho to đầu cho xem.
Ba người vui vẻ dắt nhau đi xem đồ. Bà Hồng đi trước, hai người lẽo đẽo theo sau, đúng kiểu tháp tùng bà chủ đi mua đồ.
Hạnh Chi vừa nhặt cái này, ướm cái kia rồi lại ướm cả lên người Ngọc My, nhưng cô chỉ cười rồi tránh đi vì không có nhu cầu mua cái gì. Mà đồ ở đây cũng đắt so với kinh tế của cô, nên Ngọc My chưa bao giờ dám mơ tưởng tới.

“Mà em quen anh Vũ nhà chị lâu chưa?”

“Cũng bốn năm nay rồi ạ.”

“Quen qua Nam My à?”

“Vâng.”

Cô tát nước theo mưa, trả lời cho có lệ, chứ mà nói là hai người đụng độ với nhau trong bar lúc cô đi bán bao cao su này kia thì rắc rối lắm.

Hạnh Chi lại nói:

“Ông Vũ nhà chị nhiều lúc cũng buồn cười lắm, như người cõi trên. Thử cái này xem, chị thấy áo này hợp với em đấy.”

Cô ấy cười cười, nhấc một chiếc áo nỉ cổ tròn màu cam đất ướm lên người Ngọc My. Cô liền lắc đầu:

“Em có nhiều rồi ạ!”

Hạnh Chi cau mày:

“Kệ, mua đi, đẹp mà.”

Ngọc My ái ngại, đẹp thì đẹp thật nhưng giá của nó quá cao so với mức cho phép. Thấy cô cứ lần nữa, Hạnh Chi không nài mà vắt luôn lên tay mình giữ hàng, rồi tiếp câu chuyện về Hoàng Vũ:

“Có lần ông ấy còn xúi chị ăn sữa chua hết hạn, chả hiểu lấy đâu ra cái khái niệm, sữa chua hết hạn vẫn ăn được không biết nữa. Ngáo thật sự.”

Ngọc My phì cười, Hạnh Chi nhìn cô, reo lên:

“Em cũng thấy lão ngáo đúng không?”

Cô mím môi gật gật đầu, mà đuôi mắt đã dính ướt vì nhịn không dám cười lớn. Ngọc My không ngờ chú biến thái lại học nhanh đến như vậy, còn thuộc bài hơn cả cô.

Nhìn tờ hóa đơn thanh toán được in ra, dài như tờ sớ mà Ngọc My hoa mắt nuốt khan. Không biết họ mua được cái gì mà lắm như vậy. Nghe Hạnh Chi nói còn mua cả quà cho người giúp việc. Nhưng không thấy nhắc mua đồ gì cho anh trai. Bà Hồng còn bảo kệ xác anh lớn rồi tự lo, nhìn mẹ con họ cười cười nói nói đầy hài hước khiến Ngọc My có cái nhìn khác về những người nhà giàu hơn.

Cô chơi thân với bọn Nam My, họ có điều kiện nhưng không thể hiện sự sa hoa giàu có giống như mẹ con bà Hồng, nhưng tựu chung lại hai mẹ con bà và đám bạn của cô đều dễ gần và không coi thường người thấp kém hơn, khiến Ngọc My cảm thấy thoải mái khi đi cùng.

Hạnh Chi xách đồ đầy hai tay, Ngọc My liền ngỏ ý xách giúp. Cô ấy chẳng ngại mà chuyển bớt đồ qua cho cô. Lúc đi tới thang cuốn còn hỏi:

“Em xuống hầm để xe không?”

“Em xuống sảnh thôi ạ, ở gần Trung tâm thương mại có điểm bắt xe bus về nhà em.”

“Nhà em ở đâu?”

“Khu đô thị Vườn Đào mới ạ.”

“Thế hử? Lát chị cho đi nhờ, khỏi phải đi xe bus, vừa hôi vừa chen chúc khổ ra.”

Thấy cô định mở miệng từ chối, Hạnh Chi lại chặn họng:

“Tiện đường.”

“Vâng!”

Vì thang máy đông nên ba người mới chọn đi thang cuốn, lúc gần xuống đến hầm gửi xe, phía sau có người vô duyên bước xuống rất nhanh, huých cả vào vai bà Hồng, may mà bà bám kịp vào thành thang, chứ không theo đà thang cuốn là đã ngã nhào xuống rồi.

Ngọc My nhìn thấy anh ta vừa móc ví từ túi xách khoác trên vai của bà Hồng thì hô lên:

“Đứng lại, anh trả lại ví đây.”

Thang vừa chạm đất, ba người cũng bước xuống, cùng dồn mắt nhìn kẻ móc túi kia.
Cửa thông ra hầm để xe còn đang đóng kín, tên kia bị ba người áp sát liền rút dao ra hăm dọa. Cả Ngọc My lẫn Hạnh Chi đều hú vía so người lại.

“Ôi mẹ ơi nó có dao.”

Hạnh Chi nhanh chân núp sau lưng mẹ, chỉ thò mỗi cái mặt ra. Bà Hồng vừa định bước lên thì Ngọc My lại anh hùng đứng trước mặt, đầu ngoảnh ra sau, run run nói:

“Bác… bác đừng sợ, cứ ở phía sau cháu.”

Cô dang tay chắn trước mặt bà, đối đầu với tên móc túi kia. Hạnh Chi được tận hai người che cho thì bụm miệng cười.

Tên móc túi dấm dứ dao khua loạn, tay còn lại cầm chiếc ví của bà Hồng lần mò lên tấm cửa bằng hợp kim, tìm tay nắm.

“Lùi lại không tao đâm.”

“Bảo…”

“Im.”

Ngọc My định hô lên gọi người thì lại bị dọa, thì mím môi im bặt.

Lúc này ở tầng trên vọng xuống tiếng người nói chuyện, có một tốp khách đang theo thang cuốn đi xuống. Ngọc My mừng rơn, liếc mắt nhìn lên, tên kia cũng nhìn theo. Cô gằn giọng dọa dẫm:

“Anh không chạy được đâu, trả ví đây.”

“Mày nghĩ ra à?”

Hắn cười khẩy đầy đắc ý, tay kéo cửa mở toang, xoay người định chuồn. Nhưng chưa kịp thực hiện ý đồ thì đã bị kéo giật lại bằng một lực rất mạnh, ngã ngửa ra sàn gạch trước sự kinh ngạc của Ngọc My và toán người vừa theo thang cuốn xuống gần đó. Đám đông xì xào chỉ chỏ, Ngọc My nhanh miệng tri hô:

“Bắt cướp mọi người ơi! Gọi bảo vệ giúp với ạ!”

Trong khi đó Hạnh Chi lại đứng yên, nhìn tên kia đang quờ quạng tính lấy lại con dao bị văng ra sàn lúc bị kéo ngã. Nhưng hắn còn chưa kịp thực hiện ý đồ thì con dao đã bị đá văng, bàn tay hắn cũng bị gót giày chèn nghiến lên mà hét lên đau đớn:

“Á! Bà điên này.”

“Con mẹ nó…”

Hắn vừa ngẩng mặt, vằn mắt chửi thề liền bị một cú vẩy chân trúng vào cằm,
“Au…”

Hạnh Chi hớn hở reo lên:

“Đánh hay mẹ ơi!”

Người xem xúm xít lại dưới chân thang cuốn, nhìn một người phụ nữ trung niên đánh tên cướp giật thì vừa kinh ngạc vừa hả hê. Có hai thanh niên trong đám ấy đã chen lên, giúp bà Hồng giữ tên kia lại, trong khi đó người khác đã nhanh chân chạy theo hai hướng đi gọi bảo vệ tới.
Họ trả lại ví cho bà Hồng, hỏi han xem bà có làm sao không rồi lôi kẻ gian kia đi.

Trong khi Hạnh Chi luôn miệng ca thán rằng xem đánh cướp chưa đã, rồi bà Hồng quá nhẹ tay thì Ngọc My cứ há hốc miệng, tròn mắt nhìn mẹ con họ. Đến lúc Hạnh Chi không thấy cô mới ngoảnh lại, rồi giật áo mẹ cùng nhìn về phía cô:

“Con bé nó thấy mẹ đánh người, kinh ngạc đến hóa đá luôn rồi kìa.”

Hạnh Chi vừa trêu mẹ, vừa cười rũ rượi đi đến kéo Ngọc My đi. Cô còn chưa hết bàng hoàng, cứ đi theo cô ấy như một loại phản xạ.

“Mẹ chị đai đen karatedo đấy, già rồi mà xương gà vẫn nhai rau ráu, chứ không ọp ẹp giống các phụ lão khác đâu mẹ nhỉ.”

Hạnh Chi cười cợt nịnh bợ, tay đã bóp bóp vai mẹ mình, bà Hồng lại nguýt cô ấy một cái.

Ngọc My vẫn đang trầm trồ ngưỡng mộ người phụ nữ trước mặt mình, chưa nói lên lời. Hạnh Chi lại tiếp tục khoe:

“Ngày trước để tán được bố chị, mẹ chị đã theo đến lớp học võ của bố chị học, rồi thách đấu ép cưới đấy.”

“Rồi sao nữa ạ? Ai thắng hả chị?”

Cô ấy phì cười vì câu hỏi có phần ngốc nghếch của Ngọc My:

“Còn ai nữa, nếu mẹ chị thua làm sao có anh em chị?”

Ngọc My ngây ngốc gật đầu:

“Vâng!”

“Con bé này, chỉ giỏi vạch áo cho người xem lưng. Là bố con mê mẹ, nên giả vờ thua đấy. Chứ ai thắng được ông ấy.”

Bà Hồng cười cười đi vọt hẳn lên phía
trước.

Hạnh Chi nhìn Ngọc My lại hỏi:

"Em cũng anh hùng nhỉ? Không sợ hay sao mà đứng ra thế?"

"Sợ chứ ạ, nhưng chị trốn rồi chẳng lẽ em lại để mình bác có tuổi chịu trận. Em mà biết là mẹ chị đánh nhau giỏi thế, em cũng trốn luôn rồi ấy."

Bà Hồng nghe Ngọc My nói thế thì khẽ cười, đầu hơi ngoảnh lại nhìn về phía sau. Giây phút cô đứng chắn trước mặt, che chở cho mình khiến bà khá bất ngờ, và xen lẫn thích thú.

"Phải thức thời như chị đây này, không đánh được thì chạy. Cơ mà em có nghĩa khí đấy."

Hạnh Chi vỗ tay Ngọc My khen ngợi rồi cùng bật cười, tiếng của họ vang cả một khu hầm để xe.

Về đến nhà, Ngọc My trầm ngâm nhìn vào túi đồ trên tay mình. Lúc xuống xe, Hạnh Chi cứ nhét nó vào tay bắt cô nhận, còn bảo là quà giáng sinh mà họ tặng cho cô. Món quà chính là chiếc màu cam lúc Hạnh Chi bắt cô thử, kiểu dáng trẻ trung hợp mốt theo xu hướng thịnh hành mùa đông năm nay. Được nhận quà Ngọc My vui lắm, nhưng vẫn cảm thấy ngại vì không có gì đáng giá tặng lại cho họ.

Cô gấp gọn áo lại cất đi, nhưng vừa đứng lên đã có điện thoại gọi đến. Nhìn tên hiển thị, Ngọc My liền nghe máy.

Hoàng Vũ hẹn Ngọc My tối thứ sáu đi ăn, anh muốn cô trả nợ. Ngọc My không ngần ngại liền đồng ý ngay. Cô nợ anh hơi bị nhiều rồi thì phải, giờ lại nợ luôn cả người nhà Hoàng Vũ thế này. Ngọc My khẽ thở dài, quay người đi vào phòng cất đồ.

Hoàng Vũ không chọn được món nên bảo Ngọc My tự chọn rồi gửi địa chỉ cho anh. Cô đành chọn theo ý của mình. Đúng giờ hẹn, Ngọc My đợi Hoàng Vũ đến đón. Anh vừa ra khỏi cơ quan, đang trên đường đi thì nhận được điện thoại của Phương Quỳnh.
Đầu mày khẽ cau lại, anh đánh lái qua khúc cua, tay còn lại gạt nút nghe trên màn hình rồi nhấn mở loa ngoài. Đầu dây bên kia phát ra giọng nói dịu dàng:

“Hoàng Vũ anh đang ở đâu?”

“Anh đang lái xe, sao thế?”

“Mai anh có phải tới cơ quan không?”

“Ừm, không. Sao thế?”

“Vậy tối nay đến với em đi. Lâu rồi chúng ta chưa gặp nhau. Em nhớ anh.”

Thấy Hoàng Vũ im lặng, cô ấy lại tiếp tục:

“Hoàng Vũ, anh có đang nghe em nói không? Em về sớm chuẩn bị bữa tối cho anh nhé!”

“Anh bận rồi. Cúp nhé!”
 
Advertisement

Bình luận facebook

Bạn đã đọc chưa

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom