Full Bốc mộ ly kỳ truyện (1 Viewer)

Advertisement
Advertisement
  • Bốc mộ ly kỳ truyện 1: Một đám ma, một thầy cúng, một điềm báo.

Bốc mộ ly kỳ truyện 1
Bà ngoại tôi mất khi tôi đang học lớp 12, hôm ấy là ngày 15/2 âm lịch, tôi vẫn nhớ lức mẹ khóc bà, mẹ nói bà tới khi nằm xuống vẫn chưa hết khổ, ngày giỗ trùng ngày Rằm, coi như là mất giỗ. Chuyện bắt đầu từ đêm hôm trước, bác tôi ngủ trông bà, lúc bấy giờ bà vẫn còn tỉnh táo, bà bảo bác ngủ giường ngoài, giường trong nhỏ nằm hai người chật lắm. Nửa đêm bác tôi giật mình tỉnh dậy, nghe trong buồng có tiếng cót két, tưởng bà muốn đi cầu, bác tôi liền vào xem.

Bác sợ bật đèn làm bà lóa mắt nên cứ thế lần mò đến đầu giường bà, để đánh động, bác hỏi bà dậy à, muốn đi đâu bác đỡ bà đi. Nhưng bà tôi không đáp, lúc đó bác thấy trong màn, bà vừa nằm vừa xoay, cứ lộn từ đầu giường xuống cuối giường, chăn gối đều bị đạp rơi hết. Bác tôi hoảng quá vội bật đèn lên, chui vào màn lay bà, sờ tay chân bà xem có bị làm sao không. Sau một lát thì bà mở mắt, bác kể là bà vẫn còn nói chuyện được, chỉ là không minh mẫn, nhìn bác mà bà cứ hỏi cái V, cái V về rồi à.

Bác V là con thứ ba của bà tôi, từ hồi mẹ còn chưa lấy bố, bác đã bỏ đi đâu biệt tăm, tới nay đã là hai mươn năm mà không thấy chút tin tức gì. Bà hỏi thế thì bác tôi chỉ bảo không phải, con là D đây, bà tôi cũng ậm ừ, nhưng bác bảo chắc là từ đấy bà đã yếu lắm rồi. Mẹ tôi cứ trách bác mãi, sao sáng hôm sau bác không báo mẹ ngay, bà nửa đêm quay vòng như vậy là do phát phiền trong người, cuồng tay cuồng chân không nằm yên được. Đây cũng là dấu hiệu khi cơ thể đến ngưỡng chịu đựng cuối cùng, nếu đưa đi viện hồi sức cấp cứu kịp thời thì may ra sống.
Bác còn kể tiếp, đêm ấy bác ra ngủ với bà, gần như bác thức đến sáng, lúc dậy chuẩn bị đi chợ, bà cũng mở mắt, dặn bác mua cho bà ít bánh cuốn. Từ lúc bác đi chợ đến khi về là tầm hai mươi phút, bác có dặn lại chị họ tôi phải ngồi ở giường xem bà có uống nước hay đi cầu không. Thế mà đến lúc bác về, chị họ bảo hỏi bà bao nhiêu câu mà bà không đáp, chỉ nằm quay mặt vào tường thôi. Nghe thế bác liền rụng rời, vội vén màn lên gọi bà, lúc đó bà đã cấm khẩu, ù tai không nghe thấy gì nữa.
Gia đình tôi định đưa bà đi viện, nhưng bác sĩ cấp cứu thông báo lỗ đồng tử của bà đã loãng, không có khả năng cứu được nữa. Dù rất đau xót nhưng mấy người già trong làng đều cấm con cháu khóc trước khi bà trút hơi thở cuối cùng. Sợ làm vậy sẽ khiến bà lưu luyến người thân, ra đi không được thanh thản. Tới hơn 1h chiều thì trong nhà mới rộ lên tiếng khóc, dâu rể cháu chắt đứng kín quanh giường, tôi được mẹ kéo tay vào gần bà, để bà nhìn mặt lần cuối, lúc đó tôi chỉ biết khóc thật to lên.
Ông thầy cũng được bác trai tôi mời đến, ngay lúc báo tang, ông ấy cầm mảnh khăn trắng qua che mặt cho bà, bảo người nhà lùi xuống dưới khóc, để nước mắt nhỏ vào thân thể người đã khuất không có lợi. Có khóc cũng không được gọi tên húy của bà, coi như là bà vẫn đang tại thế, khóc để giải tỏa thôi. Qua đêm đầu tiên sau khi mất, sáng ngày tiếp theo bác trai trưởng sẽ phát phục và thuê kèn trống về khóc đám.
Bà nằm sẵn trong tấm áo lục hình màu vàng, hai tay nắm hờ trên ngực, một tay giữ đồng tiền xu, một tay cầm túi gạo. Tiền là để trả công đò qua sông, còn gạo là để ăn đường, cũng có nơi quan niệm là để rắc đường. Mẹ tôi còn bảo bà ngậm môt cây kim vàng trong miệng, để có bị quan đi tuần tra hỏi cũng dễ ăn dễ nói. Riêng ảnh để đầu hòm của bà là gia đình tôi chưa chuẩn bị xong, tức là tới cận giờ nhập quan cũng không có ảnh đặt. Thầy cúng đành bảo anh họ tôi lấy hai que trúc buộc thành hình chữ thập, đợi sau khi đặt bà nằm xuống rồi sẽ gỡ vải liệm trên người bà treo lên, bó tay chân lại như hình người. Cái đó gọi là Hồn bạch, là đồ thiết thân lúc lâm trung, tạm thời dùng để thay di ảnh được.
Thầy cúng xem cho nhà tôi giờ để bà nhập quan, nhưng xin tới năm đài âm dương cũng không được, vì ngày bà mất trùng với ngày Rằm nên quan đi tuần rất ngặt, ma chay hiếu hỉ đều không cho qua. Tới hơn 10h thì tôi lấy ảnh về, mọi người hạ Hồn bạch xuống và đặt ảnh lên trước quan, các nghi lễ cúng tế lúc này mới được bắt đầu.
Ngoài khoảng thời gian bối rối lúc phát tang, gia đình tôi không gặp phải chuyện gì bất cập nữa. Đám ma diễn ra suôn sẻ tới chiều hôm sau, khi đã hoàn tất mai táng cho bà, trong nhà có mời thầy cúng về cầu siêu, đọc kinh kệ để bà được thanh thảnh. Trước khi ra về, thầy có nói lại rằng, gia đình xem sau 100 ngày của cụ có gọi được cụ lên không thì đi gọi thử, xin chuyển ngày giỗ sang hôm 16, để cụ được về với con cháu. Nhà tôi cũng coi như tín đạo, chuyện đó tất nhiên không ai phản đối. Sẵn tiện trong vùng lúc bấy giờ đang nổi lên một trung tâm gọi vong rất thiêng, ai chết đường chết chợ, mộ mất mả trôi đều có thể gọi lên chỉ chỗ được.
Từ đây tôi mới biết đến chuyện âm dương suy thịnh thế nào. Chả là sau 100 ngày, nhà tôi tổ chức đưa bà lên chùa và hôm tiếp theo thì qua nhà cô Tài- người được cho là ăn lộc cô lộc cậu. Nhà người này nằm trong ngõ, nghe nói từ ngày được hầu cô cậu thì ăn lên làm ra, tiếng tăm đồn từ miền xuôi lên miền ngược. Ban đầu chỉ là xem mồ mả quanh làng, sau còn giúp gọi vong lên nói chuyện.
Được cái nhà cô không lấy tiền ai bao giờ, ai đến nhờ cô gọi thì tùy tâm công đức. Một cái đặc biệt nữa ở trung tâm của cô Tài, đó là vong lên sẽ nhập vào người nhà, bất kỳ ai đến, theo hướng dẫn của cô mà vong hợp người nào sẽ vào người ấy. Nghĩa là cô không bịp bợm lừa đảo ai, tất cả đều là tự thân con cháu gọi ra, người nhập rồi sẽ nói gì, làm gì, cái đó là do vong chỉ đạo.
 
Advertisement

Bình luận facebook

Users who are viewing this thread

Back
Top Bottom