Mình viết những dòng đầy cảm xúc và cả nước mắt này ngay sau khi bước ra khỏi rạp sau lần xem phim thứ 4. Lần thứ 4, lúc ED 第ゼロ感 vang lên, mắt mình vẫn dàn dụa nước mắt, bởi mình nhận ra, một lần nữa, tuổi trẻ của mình như lại vụt qua.
Title thì nghe sến sẩm vậy, nhưng thực tế lại không hề sai.
Slam Dunk kết thúc hành trình của mình vào năm 1996, một năm sau mình mới ra đời.
Không may mắn được háo hức chờ đợi từng chap truyện khi nó vừa ra, nhưng may mắn vì mình lớn lên đã có đủ điều kiện để tiếp xúc và dõi theo bộ truyện, xem từng tập anime.
Tuổi trẻ của mình trôi đi cùng những lần ngắm Rukawa ngủ gục trong lớp, ngủ vạ vật trên sân thượng trường, ngủ đâm móp đít xe nhà người ta, lười chảy thây bỏ cả học bổng trường nhà người ta, chọn Shohoku chỉ vì nó gần nhà…
Nhưng cũng chính Rukawa lông mi chuốt kỹ đó lại như một kẻ khác, một cầu thủ với khát khao trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất Nhật Bản.
Trong movie screentime của Rukawa không nhiều, nhưng không đồng nghĩa là cậu không nổi bật. Rukawa, Micchin, Ryochin, Khỉ đột và tất nhiên cả Thiên tài Hanamichi nữa, tất cả đều đã có được một trận đấu để đời.
Mình xem phim đủ nhiều để nhớ luôn cả diễn biến và hội thoại trong phim, từ cái lúc mà thầy Anzai bảo: “Tất cả đã làm nên Shohoku” mình đã òa lên khóc.
Bởi Shohoku còn làm nên cả tuổi thơ, cả tuổi trẻ của em nữa thầy ơi.
The First Slam Dunk không tập trung vào góc nhìn của Hanamichi mà lại là Hậu vệ số bảy nhỏ con Ryota Miyagi, về tuổi thơ không mấy êm đềm cùng cái bóng lớn phủ đè lên cậu.
Người anh trai hơn 3 tuổi đã trở thành nguồn cảm hứng để cậu biết bao lần từ bỏ, tuyệt vọng vẫn đứng dậy và bước vào sân.
“Gửi mẹ, năm nào rồi cũng sẽ có những ngày như hôm nay. Con xin lỗi vì đã là người còn sống.
… Ngày mai con sẽ tham gia trận đấu đó, nơi mà đáng nhẽ phải thuộc về anh Sota”
Chẳng ai là cái bóng của ai cả, Akagi là Akagi, Sota là Sota và Ryota là Ryota, là Hậu vệ dẫn bóng số một của Shohoku.
Tình yêu bóng rổ cuồng nhiệt của 2 đứa hâm dở Hanamichi và Ryota có lẽ đều xuất phát một phần từ những bóng hồng trên sân bóng, nhưng nếu mà mình là Ryota, mình cũng mê Aya-chan thôi.
Viết lan man quá, chỉ biết cảm ơn Inoue-sensei đã mang The First Slam Dunk lên màn ảnh rộng sau hơn 26 năm, viết tiếp giấc mơ tuổi trẻ của hàng triệu con người.
Dù có mê bóng rổ hay không, dù có hiểu cặn kẽ luật chơi hay không, nhưng nụ cười của thiên tài Hanamichi Sakuragi vẫn đâu đó xuất hiện trong hành trình lớn lên và thay đổi bản thân của rất nhiều người, có cả mình.
Bạn có là ai, có là ông chú 30 tuổi, là một bé gái 15 tuổi hay là một cô gái 26 tuổi vẫn miệt mài đu giai gào thét tên bias trong rạp như mình, bạn đều có thể đi xem The First Slam Dunk được. Một bộ phim dành cho tất cả mọi người.
Mình khóc mờ nhòe cả mắt kính khi thấy Rukawa chuyền bóng cho Hanamichi thực hiện cú bắn cuối cùng, khóc cả khi trứng cút Sawakita rơi lệ vì trải nghiệm mới mẻ mà bản thân mong muốn hóa ra lại trở thành như vậy.
Bởi mình nhận ra, kết thúc phim rồi, biết bao giờ mới có được The Second Slam Dunk nữa. Biết bao giờ cả fandom lại sống dậy rục rịch rủ nhau đi xem chung, share quà như này nữa?
Biết bao giờ mình được thấy Micchin ném bóng 3 điểm nữa.
Biết bao giờ mình được thấy Khỉ đột úp rổ nữa.
Biết bao giờ mình được thấy Đầu đỏ cười ngạo nghễ làm trò, được thấy bóng lưng ấy bắt bóng bật bảng nữa.
Biết bao giờ mình được thấy những cú dẫn bóng tốc độ của Ryochinko nữa.
Biết bao giờ mình được thấy Rukawa của mình xuất hiện trên màn hình lớn nữa.
Bạn có thể xem The First Slam Dunk khi chưa biết gì về manga hay anime, nhưng nó sẽ là một trải nghiệm cảm xúc và vỡ òa hơn hàng trăm nghìn lần nếu bạn đã lớn lên cùng những cú úp rổ của Shohoku và được tận mắt chứng kiến những chàng trai yêu thích đứng trên sân và làm nên một trận đấu để đời.
Hẹn gặp The First Slam Dunk lần 5, lần 6 và nhiều lần về sau nữa.
