Trong nền công nghiệp thời trang hiện tại không thể không phủ nhận được sức ảnh hưởng của Nhật Bản – song hành là các nền văn hóa phụ đặc sắc mà chúng ta đang yêu thích hàng ngày (anime, manga). Trong một bối cảnh mà các thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn thế giới đang bám sát vào việc gầy dựng lại những giá trị, những thiết kế timeless xưa cũ vốn rất coi trọng kĩ năng may mặc nhưng thực tế nó tạo ra một cảm giác buồn tẻ cho người xem thì Nhật Bản (Cùng với Copenhagen của Đan Mạch) vẫn được biết đến là một nơi của những thứ táo bạo và hấp dẫn trong thời trang. Nếu nói về tính ứng dụng trong thời trang đại chúng thì không ai qua lại nước Mỹ và cũng tại xứ sở cờ hoa này là nguồn gốc của nhiều dòng chảy văn hóa – khởi điểm của các phong cách thời trang nổi bật. Và hẳn chúng ta đều biết được sự liên kết nhuốm cả nước mắt, cả máu và cả một đế chế phát triển sau này giữa Mỹ và Nhật Bản. Mối liên hệ giữa Americana và Japanese-Americana giống nhau và khác nhau như thế nào? Bài viết này dù không đủ ý nhưng mình mong mọi người sẽ đọc hết để nắm được tổng thể của bức tranh.
- MINH TRỊ VÀ CUỘC CẢI CÁCH LỊCH SỬ.
Có lẽ nước Nhật sẽ không như thế này nếu không có cuộc cải cách của Nhật Hoàng Minh Trị và cũng chẳng có cái khái niệm Japanese – Americana. Sau 265 năm cô lập về kinh tế, chính trị và giao thương với thế giới – sau khi Nhật Bản chìm vào trong các cuộc nội chiến liên miên, tiêu biểu là Boshin Senso diễn ra từ năm 1868 đến năm 1869 giữa quân Mạc Phủ Tokugawa và quân đội muốn khôi phục lại sức mạnh của triều đình. Sự bất mãn của những người theo tư tưởng quốc nội phiến diện đến từ tầng lớp quý tộc cũ với thế hệ các samurai trẻ tuổi mong muốn phát triển Nhật Bản thành cường quốc – và dẫn đến sau này một vị samurai tên là Minh Trị đã lên làm Thiên Hoàng và chấm dứt thời kì của Mạc phủ. Chính thức mở ra một thời kì pha trộn văn hóa phức tạp và những cải cách vượt bậc để bám sát vào công nghệ của Minh Trị.
Khi cải cách diễn ra, chính phủ Nhật Bản lâm thời rất ưa chuộng lối sống của phương Tây và áp dụng nó ngay tại quốc gia của mình. Đặc biệt đối với nam giới là sự thay đổi mạnh mẽ từ tủ đồ truyền thống sang những trang phục hiện đại và cách tân nhiều hơn. Lúc đó, quần áo nhập khẩu trở thành một thang điểm minh chứng cho sự uy tín, thành đạt của bất kì người đàn ông Nhật Bản – và chính điểm này đã dẫn tới tâm lý sau này của thế hệ thời trang kế cận trong việc ứng dụng những văn hóa nước ngoài du nhập vào xứ sở Phù Tang.
- VĂN HÓA DU NHẬP VÀ SỰ NỔI LOẠN:
Rõ ràng một điều rằng không dễ dàng gì để một thế hệ truyền thống đã quen thuộc với những kiểu mặc truyền thống, văn hóa truyền thống cùng các định kiến tồn tại hàng trăm năm thay đổi. Có thể thấy điều này tương tự với Việt Nam hiện tại sau khi giải phóng năm 1975, trải qua thời kì bao cấp và quyết định đánh mạnh mở cửa từ những năm 2000s cho tới nay. Và ở bất kì một cuộc chuyển biến nào trên thế giới, với mọi quốc gia – có một đối tượng dễ dàng thích nghi và thay đổi nhiều nhất. Thế hệ trẻ, sau cuộc cải cách của Minh Trị đã nhanh chóng tiếp nhận văn hóa phương Tây và tạo ra một đợt sóng văn hóa phụ nổi tiếng của Nhật Bản là MOBOs và MOGAs – có nghĩa là “Modern Boys” và “Modern Girls”. Mobos và mogas có thể được xem là tiền thân, là cảm hứng cho các dòng chảy văn hóa thời trang sau này của Nhật Bản. Họ giải phóng một nguồn năng lượng của Nhật Bản theo cách riêng của bản thân cùng với những áp dụng văn hóa thời trang của Phương Tây, thay đổi những kiểu mẫu có sẵn. Mobo với mái tóc vuốt ngược ra sau và những chiếc quần ống loe siêu rộng còn Moga với những chiếc váy lụa cùng với mái tóc ngắn bồng bềnh. Họ chơi đùa với chính tư tưởng của Nhật Bản thời bấy giờ bằng thời trang của văn hóa phương tây – vốn được xem rất bình thường tại nước ngoài nhưng ở Nhật Bản là một cuộc cách mạng và minh chứng cho sự nổi loạn. Nghe quen không? Nó khá giống với những gì các bạn đọc ở Harajuku và Shibuya đấy, nhưng bản chất là thời điểm đầu ai cũng phải copy-lấy cảm hứng rồi mới biến nó thành của mình được.
- CHIẾN TRANH VÀ SỰ PHÔ TRƯƠNG CỦA NGƯỜI MĨ:
Các bạn học Lịch sử đều biết rằng Nhật Bản đều liên quan tới cả hai cuộc Thế Chiến 1 và 2. Với sự cải cách và con đường tân tiến của Thiên Hoàng Minh Trị, Nhật Bản nhanh chóng trở thành con rồng của Châu Á với sự phát triển cả về kinh tế và quân sự. Với tham vọng ảnh hưởng lên khối Châu Á nói riêng và tác động lên thế giới nói chung, Nhật Bản đều đóng vai trò quan trọng trong cả WW1 và WW2. Tuy nhiên, không có cuộc chiến tranh nào mang một kết cục tốt đẹp cho người Nhật cả. Dẫu WW1 người Nhật đứng ở vai trò là người thắng cuộc nhưng khủng khoảng về kinh tế và là con nợ của thế giới đã đẫn tới sự bùng nổ và đứng dậy để tạo ra Phát Xít Nhật vào WWII và kết thúc bằng hai quả bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki mà Mỹ ném xuống.
Chiến tranh đã làm cho quá trình Tây hóa cũng như phát triển kinh tế của Nhật Bản bị thụt lùi, nhưng nó lại là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự ảnh hưởng không hề nhỏ của nước Mỹ lên văn hóa, thời trang và cách sống của người Nhật tới tại thời điểm hiện tại. Tháng 8 năm 1945, khi Nhật Bản đầu hàng lực lượng đồng minh – Mỹ trực tiếp cai quản Nhật Bản bằng việc ký kết Hiệp ước Liên Minh, trong đó có việc Nhật Bản trở thành hậu phương vững chắc của Mỹ tại khu vực Châu Á đổi lại việc Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản cũng như hỗ trợ về kinh tế cho quốc gia này (Sau khi bị lên án rất nhiều cho việc sử dụng bom hạt nhân tại Nhật).Một điều quan trọng nữa là Nhật Bản không xây dựng và phát triển quân sự (Cho nên đất nước này không có quân đội mà chỉ có công an và lực lượng tự vệ trị an và tiếp tục diễn ra tới bây giờ).
Quân đội Mỹ lúc đó đóng quân tại các thành phố lớn của Nhật Bản và là nguồn “bơm” văn hóa của xứ sở cờ hoa tới người Nhật. Những người lính Mỹ mang tới văn hóa từ bóng chày, thức ăn nhanh, hàng nhập khẩu, phong tục tới các thành phố lớn của Nhật Bản. Họ cũng khá thân thiện nhưng không thể nào xóa mờ đi được sự khác biệt về Khổ – Sướng trong cuộc sống.
Sướng là sao? Là người Mĩ đóng quân ở đây – với 1 đất nước thua cuộc lúc đó là Nhật Bản nên nhận được rất nhiều sự ưu tiên tại nước sở tại. Song hành cũng không có nhiều trở ngại trong việc ổn định tình hình vì người Nhật đã quá mệt mỏi sau hai cuộc chiến tranh.
Khổ là sao? Sau chiến tranh, người Nhật phải xây dựng lại gần như tất cả. Kinh tế, trường học, bệnh viện, bộ máy etc. Cộng với khoản phí bồi thường chiến tranh và cấm vận mà thế giới đặt lên thì người dân Nhật Bản phải vật lộn để kiếm từng bữa ăn. Họ chứng kiến sự sung sướng của người Mỹ với những thứ ấm no tiêu biểu là thực phẩm và nhu yếu phẩm sử dụng một cách thoải mái đã mở ra một kiểu khái niệm vô cùng oái ăm : “Being American! Hãy trở thành người Mỹ”.
Có thể hiểu như thế này – khi con người tuyệt vọng nhất thì họ sẽ đi kiếm niềm tin ở mọi thứ xung quanh và bị ảnh hưởng nhiều bởi thứ đó. Người dân Nhật Bản lúc đó thấy quân Mỹ tại các trục phố lớn Nhật Bản đã nghĩ rằng “Làm sao để như người Mĩ” và cách gần nhất đó chính là áp dụng lối sống Mỹ, tập tục văn hóa và trở thành thịnh vượng như người Mĩ. Và toàn bộ những thứ đó đều được gói gọn trong 1 từ “Americana”.
Đây không phải là đồng hóa hay đàn áp văn hóa mà đó là sự phát triển vô cùng tự nhiên và đến từ bản chất của con người. Thanh niên Nhật Bản thông qua Radio Service dành cho quân Mỹ đóng ở đó mà tiếp cận với Jazz và American Pop. Họ cover lại, họ ăn mặc như người Mỹ và thể hiện sự ngưỡng mộ với văn hóa Mỹ. Không một rào cản mà việc tiếp nhận Americana trở thành một lựa chọn mang tính biểu tượng và thẩm mỹ cho việc tiến bộ của người Nhật.
4 – TÁCH RIÊNG VÀ PHÁT TRIỂN.
Có một cái tên mà chúng ta cần nhớ đó là Kensuke Ishizu – có thể là một trong những người tiên phong tạo ra con đường phát triển thời trang của Nhật Bản sau này, là người châm ngòi cho cuộc cách mạng văn hóa và thời trang Ivy Style khắp Nhật Bản. Vào năm 1950, Korean War bùng nổ với sự phân chia Bắc – Nam cùng với sự hậu thuẫn của Mỹ mà chúng ta có Hàn Quốc và Triều Tiên bây giờ. Điều quan trọng ở đây đó là Nhật Bản trở thành cơ sở sản xuất chính của Mỹ với 75% hàng xuất khẩu từ Nhật đều được cung ứng cho chiến tranh tại Hàn.
Khi sản xuất tăng nhanh thì dẫn tới điều gì? Thặng dư trong xã hội nhanh – những người giàu phất lên. Và khi con người giàu họ sẽ làm gì? Họ sẽ khẳng định mình và thời trang là một trong những công cụ hữu hiệu nhất để thể hiện được điều đó. Điều này dẫn tới sự phát triển của thời trang cao cấp và bùng nổ của các thương hiệu nội địa và các nhà thiết kế thời trang tại Nhật Bản. Và cái tên Kensuke Ishizu kia là 1 trong số đó, ông tạo ra một thương hiệu cá nhân với việc khai thác coach jacket cao cấp tuy nhiên không thành công về mặt thương mại.
Với niềm tin đào sâu vào văn hóa Mĩ cũng như biến nó thành một thứ gì đó của người Nhật, Kensuke đã đi tới nước Mĩ và tại đây ông khám phá được Ivy Style với áo sơ mi cài cúc, áo tee, quần ống loe… Ấn tượng bởi những điều đó, Kensuke quyết tâm mang Ivy Style trở thành thứ phong cách và quần áo phổ biến cho người trẻ Nhật Bản và đó mở đường cho một hiện tượng lớn trong sự phát triển của Nhật Bản. Đàn ông lúc đấy nhận ra thời trang là một thứ sở thích mà vượt qua ngưỡng ăn mặc tươm tất tại nơi công sở. Bên cạnh đó, sau một thời gian dài đấu tranh kham khổ – người Nhật cảm thấy tự hào hơn về vị trí của mình và Ivy Style mang được cảm giác “Người Mỹ” cũng như cái nhìn “Đầy đủ”. Những chiếc áo với phần vai rộng hơn, miếng patch ở khuỷu tay, quần âu và giày loafer tràn ngập tủ đồ của những người đàn ông trẻ Nhật Bản. Từ Ivy thì giới trẻ Nhật càng tò mò hơn về các phong cách và trải nghiệm văn hóa nhiều hơn – luôn luôn là một điều như thế. Họ bắt đầu thử nghiệm những kiểu quần jean sờn, graphic tee với các khẩu hiệu cổ động.
Từ Mỹ – phong trào phản chiến tranh và Hippies cũng về tới Nhật Bản, dù ở quy mô nhỏ hơn nhưng bản chất nổi loạn vẫn được giữ nguyên. Nó đẩy tới việc sử dụng các sản phẩm là jeans và chất liệu denim. Và đây có thể được xem là một mốc son tạo ra một thứ mà nhiều bạn vẫn tìm hiểu về phong cách Americana và Japanese – Americana như thế nào. Quần jeans màu xanh nhanh chóng trở thành mặt hàng chủ lực của thời trang Nhật Bản – từ năm 1950 đến năm 1975, thị trường denim tại Nhật Bản phát triển rực rỡ với tâm thế là một phần của văn hóa đương đại Nhật Bản mà nhiều quyển sách gọi là “Jeans Generation” (Thế hệ của Jeans). Nắm được trong tay công nghệ và cách thức, giá jeans thấp hơn và tùy biến cho phù hợp với người Nhật đã tiếp cận được một mảng thị trường rộng lớn, cho cả nam và nữ – mở tới sự đa dạng trong phong cách sau này của Nhật Bản. Và cũng thời điểm này là cảm hứng, là nền tảng cho các thương hiệu chuyên về denim của Nhật Bản mà vẫn còn ảnh hưởng tới tận bây giờ.
Cuối năm 1980, có một người đàn ông tên là Hiroshi Fujiwara – các bạn sẽ biết tới thông qua Fragment hiện tại. Được mệnh danh là “Godfather of Streetwear” của Nhật Bản với khả năng về thiết kế, âm nhạc – Hiroshi Fujiwara có thể được xem là người đã truyền văn hóa hỗn hợp của cả Anh (Với việc gặp mặt Vivienne Westwood và McLaren) và Mỹ tới Nhật Bản. Ông không chỉ mang âm nhạc mà còn là thời trang cũng như là một thế hệ kế cận mà toàn những cái tên đáng nể tại thời điểm hiện tại như là Jun”Junio” Takahashi (Founder của Undercover) và Nigo(Founder Abathing Ape, HumanMade). Hiroshi cũng là thành viên người Nhật đầu tiên trong Clb trứ danh International Stussy Tribe. Streetwear của Nhật Bản lên một tầm cao mới đi kèm là sự phát triển của âm nhạc đa dạng hơn. Người Nhật một bước mang tên tuổi của mình ra toàn cầu với câu chuyện của Nigo – A Bathing Ape khi mà Hiroshi Fujiwara phổ cập hay đúng hơn là mang tới một thứ mới cho Nhật Bản còn Nigo lại sử dụng khả năng sản xuất của Nhật Bản với phong cách Mỹ ra nước ngoài. Nhật Bản lúc đó trở thành tâm điểm của cả thế giới. Và khi đó, dưới nền tảng văn hóa của nước Mỹ – các artist Nhật Bản khai thác các yếu tố văn hóa bản địa vào trong sản phẩm của mình và truyền DNA đó ra toàn cầu.
PHẦN II: VINTAGE, REPLICA VÀ CÂU CHUYỆN ĐƯƠNG ĐẠI.
