CHUYỆN TÔI & MA QUỶ THÀNH NGƯỜI MỘT NHÀ ????

by admin

Điều đáng buồn nhất trên đời không phải là tình yêu đơn phương, mà đó là một tình yêu rõ ràng có tồn tại giữa 2 người, nhưng lại không thể nói ra thành lời.

Xin được dành tặng riêng câu này cho phim. “Tình yêu” mình nhắc đến ở đây lại không phải tình yêu đôi lứa, mà là tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Marry My Dead Body (Chuyện Tôi & Ma Quỷ Thành Người Một Nhà) – Bộ phim lọt top 8 doanh thu cao nhất điện ảnh Đài Loan đang nổi rần rần dạo gần đây ở Việt Nam với sự xuất hiện của 2 diễn viên trẻ được mong chờ kết hợp bậc nhất xứ Đài – Hứa Quang Hán và Lâm Bá Hoành. Nói thật là mình ít xem phim Đài, Trung, đơn giản vì gu của mình là phim Hàn (hợp về cả visual diễn viên, OST lẫn ngoại ngữ nên ít khi mình để ý đến phim 2 nước còn lại lắm). Lý do duy nhất mình chọn “Marry My Dead Body” là vì lướt qua nhiều bài review khen quá nên cũng khá tò mò, trong lúc cũng không có nhiều phim nổi bật lắm nên quyết định đi xem ngay trong một nốt nhạc. Sáng nghĩ, tối book vé xem luôn.

Câu chuyện bắt đầu với anh chàng cảnh sát hình sự chuyên phá những án mai thuý Ngô Minh Hàn (Hứa Quang Hán), trong lúc truy bắt tội phạm đã vô tình nhặt được một phong bao lì xì đỏ mà trong đó chứa đồ của một chàng trai đã qua đời tên Mao Mao (Lâm Bá Hoành). Theo tục lệ minh hôn (một hủ tục của xứ Đài) thì đây chính là cái duyên trời định, kết nối 2 người với nhau và sẽ tổ chức lễ cưới. Nhưng một chàng trai “thẳng đuột” thậm chí là còn kỳ thị đồng tính và đang có crush như Minh Hàn thì làm sao có thể đồng ý kết đôi với chàng gay Mao Mao này đây? Thế nhưng, cứ như ma xui quỷ khiến, những câu chuyện không may liên tiếp xảy ra sau khi Minh Hàn cố tình chống đối cuộc minh hôn đó, nên cuối cùng ngậm đắng nuốt cay, anh cũng đành phải chấp nhận cưới Mao Mao về nhà, với mục đích “để còn sống sót”. Và từ ấy, họ bắt đầu đồng hành cùng nhau để thực hiện các di nguyện còn lại của Mao Mao trên cõi đời cũng như là phá những vụ án còn dang dở.

???? Về Mao Mao mà nói, nhân vật này 10 điểm từ đầu đến cuối không có “nhưng”. Chẳng trách vì sao bà nội lại yêu thương và bảo vệ Mao Mao như thế, trong khi người già, người lớn đáng lẽ sẽ là những người đầu tiên cố tình tỏ ra cứng đầu không hiểu chuyện và sẽ không bao giờ thông cảm khi con cháu họ đề cập đến vấn đề mình thuộc LGBT. Mao Mao tích cực hoạt động bảo vệ môi trường, yêu thương động vật, yêu gia đình, yếu đuối nhưng cũng mạnh mẽ đúng lúc, cách cậu ấy buông bỏ và tha thứ, làm dịu đi lửa giận trong lòng người khác cũng rất đáng ngưỡng mộ. Dù còn sống hay đã c.h.ế.t, cảm tưởng Mao Mao luôn cố gắng là phiên bản tốt nhất của mình. Cậu ấy nỗ lực hỗ trợ Ngô Minh Hàn, cũng không vì ích kỷ cá nhân mà để Minh Hàn phải c.h.ế.t theo mình chứ thử hỏi cậu ấy thích Minh Hàn đến chừng nào. Mình tin đây là con người thật sự của Mao Mao chứ không phải đơn thuần chỉ vì cậu ấy yêu quý Ngô Minh Hàn nên mới hi sinh. Đến Gia Hào – người đã sớm quên cậu và có mối tình mới không lâu sau khi cậu mất, biết được điều đó thì cả bố và Minh Hàn đều rất tức tối, nhưng riêng Mao Mao lại chỉ khóc xong rồi bỏ qua luôn, không trách móc gì. Mao Mao thực sự là 1 người rất nhẹ nhàng và bao dung, một người xứng đáng được yêu thương.

???? Còn nói đến Ngô Minh Hàn, hình tượng điển hình của 1 tay cảnh sát trẻ: háu thắng, bộp chộp nhưng đầy nhiệt huyết, dũng cảm và thông minh. Cũng nhờ có Mao Mao mà người xem ngầm được chứng kiến sự tốt bụng của cậu ấy hết lần này đến lần khác, chứ bên ngoài thì chỉ thể hiện sự cà chớn, lấc cấc không thiếu miếng nào. Đây dường như là sở thích của tụi con trai đang lớn hay sao ấy nhỉ. Ban đầu, anh ta kỳ thị Mao Mao ra mặt, liên tục nói những lời làm tổn thương cậu ấy, nhưng cái này Mao quen rồi nên cách phản ứng của Mao khiến người xem không cảm thấy nặng nề xíu nào dù đôi khi cũng nhăn mặt với Ngô Minh Hàn một chút. Sau đó, Minh Hàn nhận giúp đỡ với lý do để Mao Mao sớm đầu thai, cũng vì Mao bám dai quá, gọi tắt là “đuổi đi cho nhanh”. Nhưng trong quá trình cả 2 đồng hành với nhau, được nghe và biết, được thấu hiểu, có thời gian ở bên cạnh Mao Mao, Minh Hàn chứng tỏ mình không phải là một kẻ cứng đầu và thành kiến vô lý. Anh dần dần nhận ra một chàng trai gay thậm chí còn tử tế hơn nhiều lần so với “người mà anh cho là bình thường” như anh – biết bao nhiêu. Anh cũng không ngại thể hiện suy nghĩ đó, không phải qua vài lời nói kiểu, tôi mến cậu rồi, tôi quý cậu, mà là “Kiếp trước cậu nuôi tôi, vậy thì để kiếp này tôi nuôi lại cậu.” và sẵn sàng bắt chước hành động của Tiểu Mao chỉ để khiến Mao Mao vui. Mao Mao trong sáng, tình cảm và đơn thuần, dễ khóc, dễ cười, nghĩ gì nói đó mà đều là những suy nghĩ thánh thiện, tốt đẹp. Từ bao giờ, Minh Hàn đã không còn chút nào kỳ thị Mao Mao nữa, trái lại đầy tôn trọng, bảo vệ và còn tự nguyện gọi cậu ấy là “ông xã” trong giây phút nguy kịch, đó là tiếng gọi mà Minh Hàn thực lòng muốn nói ra vì biết đó là điều Mao Mao muốn nghe nhất – được ai đó trân quý và yêu thương.


Điều khiến mình ấn tượng là, bộ phim có thể triển khai một cách khôi hài, drama quen thuộc, dễ đoán gần như cả phim nhưng lại lắng đọng sâu sắc một cách không ngờ tới chỉ trong vỏn vẹn 10-15 phút cuối. Không cần lê thê, dài dòng, sến súa, khán giả có thể cảm thấy thoải mái (thậm chí nhẹ bẫng như không có gì) trong suốt cả 2 tiếng đồng hồ để rồi những phút cuối là những khoảng lặng, những tiếng sụt sịt, khóc nấc lên. Sự phản đối của bố Mao Mao đối với vấn đề LGBT là cái chúng ta dễ hiểu nhất và nhiều khi là buộc phải thông cảm, nhưng cho đến khi vỡ lẽ ra lý do tại sao, và chuyện bố chần chừ nói với con vì sợ con bị tổn thương nhưng rồi chính vì thế mới tổn thương con nhiều hơn thì lại khiến chúng ta vừa thông cảm, vừa thương vừa day dứt. Mao Mao ngồi kia nghe thấy hết đấy nhưng bố đâu có được biết, đối với ông, cả đời này chỉ còn sự ân hận khôn nguôi vì không thể tránh khỏi suy nghĩ mình đã gián tiếp hại c.h.ế.t con trai. Nỗi đau từ tâm sẽ đớn hơn nỗi đau thể xác gấp vạn lần. Mao Mao chết không phải vì bố, nhưng ông sẽ suốt đời dằn vặt với cái suy nghĩ không thể khác đi ấy. Tại mình mà hôm ấy con mới bỏ nhà đi. Tại mình mà con mới uống rượu say, mới giận dỗi người yêu, mới tủi thân khóc tức tưởi, rồi loạng choạng đi ra đường không để ý xung quanh và bị xe tông.

.

Về cảnh nổi bật đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả nhất phim, chắc chắn là phân đoạn Ngô Minh Hàn nằm trên giường bệnh sau khi trải qua cơn nguy kịch và được bố Mao Mao nói lời cảm ơn. Cảnh này ta nói, thoại rất hay nhưng đặt vào diễn xuất của Hứa Quang Hán thì thoại chỉ đạt 2 điểm, 8 điểm còn lại thuộc về diễn viên này. Từng cái nấc nghẹn, từng giọt nước mắt chảy, từng ánh nhìn đau đớn trìu mến và tiếc nuối, từng động tác ngôn ngữ cơ thể, từng ngữ điệu lời nói,… không một chút dư thừa. Mình chưa từng xem phim nào của Hứa Quang Hán dù biết anh ấy rất hot và được yêu thích, nhất là qua bộ Someday Or Oneday (Muốn Gặp Anh) nên có thể nhiều bạn sẽ cảm thấy lời khen này thừa, nhưng mình nghĩ ấn tượng ban đầu luôn có một sự tác động đặc biệt nên mình vẫn chia sẻ vì đó có thể là nguyên nhân khiến mình càng thích bộ phim hơn, rằng vì sao bằng diễn xuất thôi mà lại nhập tâm đến nỗi có thể lôi kéo cảm xúc khán giả như thế. Nói không ngoa là rất trẻ nhưng HQH diễn có phần lấn át cả chú diễn viên đóng vai bố Mao Mao luôn dù mình nhìn chú thấy rất quen, chắc cũng đã đóng nhiều phim lắm rồi.


Xem xong về ai cũng (muốn) thắc mắc, rốt cuộc tình cảm giữa Ngô Minh Hàn và Mao Mao là loại gì? Liệu có phải là tình yêu? Riêng mình nghĩ bản thân đã có câu trả lời. Nói là tình yêu như giữa trai với gái, như vợ với chồng thì không phải, nhưng nó nhất định không thể ở phân vùng thấp hơn. Người ta thường mặc định chỉ có “tình yêu” mới là cảm xúc cao nhất nhưng có những thứ còn quý giá và trọn vẹn hơn cả tình yêu, thậm chí quý đến nỗi chẳng thể gọi một cái tên cho đủ. Tình yêu đôi khi còn cãi vã, còn hiểu lầm, trách móc nhau nhưng 2 cậu ấy từ người lạ mà bỗng đến một hôm nọ, đã ở độ chẳng cần hỏi han mà biết ngay người kia cần nghe gì, muốn điều gì. Hai cậu ấy thấu cho nỗi đau và sự dằn vặt của nhau, hiểu cái gì là tốt nhất cho đối phương và dù một trong hai đã rời xa mãi, người kia vẫn ở lại và tự nguyện thực hiện toàn tâm toàn ý những trăn trở còn vấn vương của đối phương bằng nụ cười an lòng. Với mình đó là tri kỷ, là soulmate, là tình thân – một thứ tình cảm không đánh giá, không soi xét lẫn nhau và không cần chứng minh, không cần khoe khoang, phô trương với người đời. “Boy Love” à? Mình không nghĩ thế. Bộ này cần được ngẫm và hiểu nhiều hơn rất nhiều so với dán nhãn “Boy Love”.

.

Cuối cùng, mình thực sự nể và tôn trọng những người làm nên bộ phim này vì sự tinh tế, khéo léo của họ. Phim khiến người xem thoải mái ở chỗ, nêu ra vấn đề của LGBT 1 cách thật sâu sắc, đầy vỗ về những con người đang ngày ngày sống một cách mạnh mẽ và tự hào trong cộng đồng này, nhưng cũng chú ý đến cảm giác của những người có thể vẫn còn mang định kiến đối với họ. Không làm quá, không lố lăng, không vô duyên và áp đặt, những cảm xúc sâu sắc và sự duyên dáng của LGBT được đặt để đúng lúc, đúng chỗ. Cái này dẫn bố mẹ đi xem quá được, có điều nên cân nhắc khúc hơi nhiều ???? tí thôi…

(???????????? ????????????: ????????̛???? ????????̀???? ????????́ ????????̣̂????, ????????̛???? đ????́ ????????́ ????????̂????)

MarryMyDeadBody

You may also like

Leave a Comment