Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình: Để sáng tạo cần đọc sách

by admin

Ham đọc và thấu hiểu những giá trị lớn lao mà sách vở có thể mang lại cho mỗi người, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT- luôn khuyến khích mọi cán bộ nhân viên cũng như học sinh, sinh viên trong tập đoàn đọc sách. Trạm đọc đã buổi trao đổi với ông Bình về chủ đề này.

Nhiều người nói rằng: internet phát triển như hiện nay thì con người không cần phải cặm cụi đọc sách làm gì cho khổ sở. Khi cần tra cứu bất cứ thông tin gì thì chỉ cần gõ một lệnh enter, vài giây sau, đã được trả về hàng trăm nghìn kết quả. Ông nghĩ gì về nhận xét này?  

Ông Trương Gia Bình: Sách là một nguồn nước diệu kỳ để tưới tắm cho tâm hồn và trí tuệ của mỗi người. Con người không thể trở thành CON NGƯỜI nếu chúng ta không đọc sách.

Xã hội càng phát triển thì văn hóa đọc càng giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống. Đọc sách giúp con người cảm thụ cuộc sống, tích luỹ kiến thức và biến tri thức trở thành hành động. Đặc biệt, sách giúp khơi dậy trí tưởng tượng, cảm xúc sự sáng tạo và hình thành nhân cách của mỗi con người. 

Chúng ta không thể sống thiếu internet.  Nhưng sách cho ta cảm xúc, trí tưởng tượng – những điều tối cần thiết cho sáng tạo – vốn là sức mạnh cạnh tranh của mỗi con người hay doanh nghiệp, là gốc rễ phát triển của xã hội, quốc gia. Bởi vậy dù internet phát triển thì mỗi người vẫn cần phải giữ thói quen đọc sách. Không phải ngẫu nhiên các trường học ở các nước phát triển luôn chú trọng đào tạo cho trẻ thói quen đọc sách.

Ông thường đọc sách khi nào và bao nhiêu thời gian một ngày?

Tôi đọc sách bất cứ khi nào có thể. Thường một ngày tôi dành khoảng 4 tiếng để đọc sách.

Các loại sách ông thường đọc là gì thưa ông?

Tôi đọc khá nhiều loại sách như tiểu thuyết, khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh, ý tưởng mới cho kinh doanh, sách về các nhân vật xuất chúng, sách lịch sử, triết học, tôn giáo… Tại mỗi thời điểm, tôi sẽ quan tâm đến một chủ đề nhất định, trong đó sách về chiến lược, ý tưởng mới trong kinh doanh luôn được ưu tiên.

Không chỉ đọc sách, ông còn thường xuyên kêu gọi khuyến khích nhân sự cũng như học sinh, sinh viên đang theo học trong khối giáo dục của Tập đoàn đọc sách.

Trong các buổi chia sẻ hoặc khi gửi tâm thư cho các thành viên FPT, tôi luôn khuyến khích mọi người đọc sách. Bởi vì nhìn lại con đường đã qua, tôi càng thấm thía học hành là điều quan trọng nhất của đời người, giáo dục và đào tạo là việc trọng đại nhất của mỗi tổ chức và của cả quốc gia, nhân loại… Đọc sách là quá trình tự học, tự rèn luyện lâu dài, hiệu quả nhất với mỗi cá nhân. Và tôi luôn hy vọng các thành viên FPT không bị mất đi kỹ năng quý báu nhất của nhân loại:  Đọc sách và đọc sách hàng ngày.

Sinh viên khóa 11, Đại học FPT nhiều người đến bây giờ vẫn còn nhắc lại nội dung buổi nói chuyện của ông trong chuyên để diễn ra tại hội trường Trung tâm Giáo dục Quốc phòng 2, Xuân Hòa, Vĩnh Phúc, khi ông chọn chủ đề về chiến tranh nhân dân để chia sẻ với họ. Tại sao ông lại lựa chọn chủ đề này?

Năm 2000, khi nước ta gần như không có ngành phần mềm thì Tập đoàn FPT đã ước mơ biến Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu phần mềm. Hiện tại, FPT vẫn đang trên con đường biến ước mơ ấy thành hiện thực và tin mừng là năm 2022, lần đầu tiên sau hơn 22 năm xuất khẩu phần mềm, doanh thu ký từ thị trường nước ngoài của FPT đã mang về cho đất nước 1 tỷ USD. Đó thực sự là một chặng đường đầy thử thách, một cuộc chiến công nghệ khốc liệt. Và tôi cho rằng khi FPT nói chung hay người Việt nói riêng muốn bước ra thế giới để làm việc trong ngành phần mềm, chúng ta sẽ gặp rất nhiều đối thủ mạnh như Ấn Độ, Trung Quốc. Cuộc chiến về xuất khẩu phần mềm buộc chúng ta phải tìm sức mạnh của dân tộc, tìm trong chiến tranh nhân dân.

Không chỉ đọc sách về quân sự, sách về những nhân vật xuất chúng, tôi có may mắn được trò chuyện cùng nhiều tướng lĩnh danh tiếng của Việt Nam như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Đại tướng Lê Trọng Tấn, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Phạm Hồng Cư… Qua những cuộc gặp gỡ này, tôi đã đúc rút được rất nhiều bài học từ nghệ thuật chiến tranh nhân dân áp dụng vào trong kinh doanh. Tôi chia sẻ bài học này không chỉ trong FPT mà còn với lãnh đạo nhiều tỉnh thành cũng như với các doanh nghiệp.

Tôi được biết đọc sách là một trong những tiêu chí đánh giá quan trọng khi FPT bổ nhiệm lãnh đạo?

Ai đó muốn trở thành lãnh đạo FPT, phải tuân thủ các giá trị cốt lõi của tập đoàn: Tôn – Đổi – Đồng – Chí – Gương – Sáng (Tôn trọng – Đổi mới – Đồng đội – Chí công – Gương mẫu – Sáng suốt). Trong đó, “sáng” là một yếu tố rất cần thiết. Người lãnh đạo phải sáng suốt, có tầm nhìn xa và tính quyết đoán để đưa ra quyết định sáng suốt. Để có được sự sáng suốt thì phải thường xuyên học hỏi, trải nghiệm và theo tôi, học từ việc đọc sách luôn đem lại hiệu quả cao.

Thậm chí để đánh giá ứng viên khi vào FPT, tôi thường hỏi: “Bạn đang đọc quyển sách nào?”.

Là tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ mới vào phát triển văn hóa đọc tại FPT được thực hiện như thế nào thưa ông?

Những năm gần đây, sự phát triển của công nghệ khiến thói quen đọc sách của công chúng thay đổi. Trước đây, thị trường chỉ tồn tại sách giấy thì hiện nay người đọc hiện đại đã và đang được tiếp cận nhiều loại hình xuất bản phẩm đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: sách nói, sách điện tử… Trong bối cảnh đó, công cuộc chuyển đổi số mạnh mẽ được coi là lời giải cho sự tồn tại, phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Việt Nam có 70% người dân sử dụng internet và là nước có số dân sử dụng điện thoại thông minh đứng thứ hai Đông Nam Á với hơn 61,37 triệu người, thuộc top 10 quốc gia có nhiều người dùng điện thoại thông minh. Đây là cơ hội cho việc ứng dụng công nghệ vào đọc sách và xuất bản. Là tập đoàn công nghệ, FPT dành tâm sức và nguồn lực để nghiên cứu, ứng dụng AI – trí tuệ nhân tạo vào giáo dục và văn hóa đọc. Hiện FPT có đào tạo ngành AI – trí tuệ nhân tạo tại khối Giáo dục FPT, đây cũng là nguồn nhân lực có thể nghiên cứu, có những phát kiến mới cho ngành công nghệ xuất bản.

Thông điệp 2023 của FPT là “Kiến tạo Hạnh phúc đến cho khách hàng, cộng đồng”, và đối tượng không thể thiếu là đội ngũ nhân sự cũng như học sinh, sinh viên của mình. Việc đọc có vai trò gì trong chiến lược/ chương trình này của FPT không thưa ông?

Dân tộc nào đẩy mạnh công nghệ trong thời kỳ chuyển đổi số sẽ giúp các quốc gia vươn lên, người dân được hạnh phúc hơn. Bước sang năm thứ 35, một cột mốc đáng tự hào – Tập đoàn FPT đặt mục tiêu trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc. Hạnh phúc của con người là được thấu hiểu, chăm sóc và học tập để tiến bộ. Công nghệ ngày nay sẽ thấu hiểu và chăm sóc con người tốt nhất và tri thức, sách sẽ giúp con người tiến lên, tiếp cận đỉnh cao tri thức. Cuộc đời con người có 6 giai đoạn: từ tuổi thơ đến học hành, lập nghiệp, đến lập gia đình, đi làm tại công sở và bước vào xã hội, tương lai. Mỗi giai đoạn này, công nghệ sẽ gắn bó và nâng đỡ con người, sách sẽ giúp con người vượt qua khó khăn và soi sáng cho họ.

Xin cảm ơn ông đã dành cho Trạm đọc cuộc trò chuyện thú vị này!

– Việt Hà thực hiện –

You may also like

Leave a Comment