Bắc Minh Thần Công
Bắc Minh Thần Công (北冥神功), là một môn nội công tâm pháp thượng thừa có nguồn gốc từ Tiêu Dao Phái được Tiêu Dao Tử sáng chế ra. Xuất hiện trong tác phẩm “Thiên Long Bát Bộ” của nhà văn Kim Dung.
Khái quát
Trong truyện “Thiên Long Bát Bộ”, Bắc Minh Thần Công lần đầu xuất hiện khi được Đoàn Dự phát hiện cùng lúc với Lăng Ba Vi Bộ dưới bồ đoàn của bức tượng ngọc thạch do Vô Nhai Tử khắc nên. Quyển lụa ghi chép Bắc Minh Thần Công có 36 hình vẽ nữ tử khỏa thân ghi các yếu quyết, huyệt đạo, kẻ đứng, người nằm, hoặc trước mặt, hoặc sau lưng, cùng một khuôn mặt nhưng khi vui khi buồn, khi thì tình ý triền miên, khi thì tỏ vẻ bực bội, mỗi bức một khác. 36 bức hình, bức nào cũng có những sợi chỉ màu chạy trên thân hình ghi rõ bộ vị, huyệt đạo và phương pháp luyện công. Mặt sau cùng của quyển lụa ghi chép Lăng Ba Vi Bộ.
Tu luyện Bắc Minh Thần Công trước tiên cần phế đi võ học trước đó, nếu không sẽ bị thổ huyết điên cuồng, kinh mạch tán loạn, tẩu hoả nhập ma. Chân khí sinh ra hội tụ vào trong “Đan Điền”, huyệt đạo toàn thân sẽ sinh ra một lực hút có thể hấp thụ nội lực của người khác và biến nó thành “Bắc Minh Chân Khí” của bản thân. Nội công này Âm Dương kiêm tu, Dương Cương dày vò như lò lửa, Âm Nhu lạnh hơn hàn băng gấp mấy lần, có thể dung hợp Võ đạo khắp thiên hạ. Độc tính bất xâm, hung mãnh bá đạo, tiện tay công kích có được uy lực kinh người, chân khí phòng ngự của thân thể tăng lên rất nhiều, địch nhân khi bị công kích sẽ kinh hồn táng đảm.
Bắc Minh Thần Công có đặc tính nội lực càng mạnh thì lực hút càng lớn, nếu nội lực của địch hơn ta thì rất nguy hiểm khi hấp thụ, càng tích luỹ nội lực sẽ càng dày đặc. “Bắc Minh Chân Khí” có thể dễ dàng chuyển hoá dung hợp với các loại võ công khắp thiên hạ, dễ dàng học được nhiều loại võ công có thuộc tính xung đột với nhau.
Yếu quyết
Nguyên lý tu luyện lấy “Trang Tử Tiêu Dao Du” làm gốc: “Ở tận cùng phía bắc có ao tối, đó chính là ao trời. Trong ao có cá lớn, vài nghìn dặm không nhìn thấy cá bao giờ. Nếu như nước tích không đủ thì không có sức mang nổi thuyền lớn. Đổ một chén nước vào chỗ trũng, lấy cái lá cỏ làm thuyền thì được, còn lấy cái chén làm thuyền thì không xong vì nước nông mà thuyền quá lớn. Bản phái võ công cũng chẳng khác, yếu quyết đầu tiên là tích súc nội lực. Nội lực đầy đủ rồi, võ công trong thiên hạ ta đều dùng được, khác gì biển bắc, thuyền lớn thuyền nhỏ đều chở được, cá lớn cá nhỏ đều dung được. Cho nên nội lực là gốc, chiêu số là ngọn”.
“Bắc Minh Thần Công lấy nội lực của thiên hạ làm của mình. Nước lớn biển Bắc không phải tự nhiên mà có…”
Trang đầu tiên miêu tả về “Thủ Thái Âm Phế Kinh”:
“Người đời luyện công đều đi từ Vân Môn đến Thiếu Thương, Tiêu Dao phái ta lại đi ngược lại, đi từ Thiếu Thương trở về Vân Môn, ngón tay cái vừa chạm vào người khác, nội lực của người liền chảy vào thân thể mình, tới tận các huyệt. Nếu như nội lực kẻ địch mạnh hơn ta, tức là biển chảy ngược vào sông hồ, cực kỳ hung hiểm, phải hết sức cẩn thận”.
“Nội công của bản môn ngược với các môn phái khác, những ai từng tu tập nội công thì phải quên hết những gì đã học để chuyên tâm tu tập công phu mới, nếu như lẫn lộn với nhau thì 2 công phu chống trọi mà lập tức thổ huyết điên cuồng, các kinh mạch bị phế, cực kỳ hung hiểm.”
“Thủ Thái Âm Phế Kinh” và “Nhâm Mạch” là cơ sở của Bắc Minh Thần Công, trong đó huyệt “Thiếu Thương” ở ngón tay cái và huyệt “Đản Trung” ở giữa hai vú là nơi quan trọng nhất, một đằng thu vào, một đằng chứa lấy. Con người có Tứ hải, dạ dày là biển chứa nước và thức ăn, “Xung Mạch” là biển của 12 kinh mạch, “Đản Trung” là biển chứa khí, còn óc não là biển chứa tuỷ. Ăn uống chứa vào dạ dày thì trẻ sơ sinh cũng biết, nhưng người ta ăn uống thì chỉ không quá một ngày đã phải thải ra ngoài. Ta thu nội lực nhiều ít đều giữ lại không hề tiết ra, càng tích trữ càng nhiều, chẳng khác gì ao trời Bắc Minh đủ cho Côn Bằng dài nghìn dặm vùng vẫy. Huyệt “Đản Trung” còn là nơi chứa Bắc Minh Chân Khí. Luyện xong Bắc Minh Thần Công, khi nội lực đã thâm hậu thì mới luyện sang bộ cuối là Lăng Ba Vi Bộ.
Truyền nhân
Có ba người học được bộ võ công này là Vô Nhai Tử, Đoàn Dự và Hư Trúc. Trong đó, chỉ có Vô Nhai Tử là học xong toàn bộ, Đoàn Dự chỉ học xong bức đầu tiên, Hư Trúc không học được Bắc Minh Thần Công mà chỉ được Vô Nhai Tử truyền cho 70 năm công lực tu luyện Bắc Minh Thần Công. sau này chàng được Thiên Sơn Đồng Mỗ truyền cho cách vận dụng Bắc Minh chân khí, là một phương pháp vận khí, sử dụng nội lực (không phải bí kíp luyện nội công).
Nguồn: TIÊN HIỀN THƯ VIỆN